Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013: Những điểm mới nhằm tinh gọn bộ máy

Lại Hoa/VOV | 09/05/2025, 18:30

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Lần sửa đổi này cũng là cơ sở Hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. 

Để làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung lần này không chỉ quy định MTTQ Việt Nam là nơi "tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" mà bổ sung nội hàm "thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước". 

Lần sửa đổi trong Điều 9 của Hiến pháp lần này cũng sửa đổi quy định đối với tổ chức bộ máy của MTTQ và các tổ chức thành viên. Điều ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn. 

Bà Đặng Bích Ngọc, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nêu rõ: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ  chủ trì, sẽ là liên minh giai cấp. Hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có sự thống nhất trong hành động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đoàn viên, hội viên. Trong tổ chức thực hiện bộ máy để thực hiện tinh gọn, tránh chồng chéo, bởi thực tế thời gian qua có rất nhiều nội dung mà Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội có sự trùng lặp, ảnh hưởng đến hiệu năng. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như vậy, cho nên đòi hỏi phải Hiến định".

Có thể thấy việc tổ chức đơn vị hành chính theo 3 cấp thời gian qua đã bộc lộ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực. Việc duy trì cấp chính quyền trung gian làm cho các mệnh lệnh quản lý từ chính quyền cấp tỉnh xuống tới cấp xã bị cắt khúc, triển khai chậm, không phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Do đó, việc sửa đổi Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 là rất cần thiết.

GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội Đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: "Để phục vụ chủ trương của Đảng, Nhà nước ta như là bỏ huyện thì có thể sửa điều 110. Mặc dù quy trình hết sức chặt chẽ, phải qua các bước của trình tự sửa Hiến pháp. Tôi tin rằng khi thảo luận, khi tham gia ý kiến cùng nhau đơn giản hơn rất nhiền. Thành ra có thể tiến hành nhanh hơn so với sửa một cách cơ bản".

Lần sửa đổi này không quy định chi tiết tên gọi từng cấp như Hiến pháp năm 2013 mà quy định đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi, linh hoạt, chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện, tránh thủ tục hành chính rườm rà. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình, ủng hộ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS, TS Đỗ Lan Hiền và GS.TS Nguyễn Hùng Hậu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Hiến pháp cần sửa đổi để trong hệ thống chính quyền, các hệ thống chính trị có thay đổi thì Hiến pháp phải có sửa để điều chỉnh, thực hành. Trước đây mô hình chính quyền 4 cấp, giờ thành cấp trung ương, cấp tỉnh, xã. Như vậy thu gọn lại, tôi là nhà khoa học thì thấy nên làm, cần làm sớm.

Việc sửa Hiến pháp xuất phát từ thay đổi hệ thống chính quyền 4 cấp còn 3 cấp. Trong dịp sửa Hiến pháp lần này cũng là cơ hội có thể điều chỉnh một số khoản trong Hiến pháp để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như sự thay đổi bứt phá của Việt Nam trong những kỷ nguyên tới đây. Người dân rất kỳ vọng vào lần sửa đổi Hiến pháp.

Trong bối cảnh kỷ nguyên mới, trong bối cảnh tinh gọn, hiệu lực hiệu quả thì phải sửa đổi phù hợp với tình hình mới để cho đất nước phát triển. Phải sửa để thúc đẩy phát triển xã hội. Hiến pháp phải phù hợp với thực tiễn. Thực tiễn thay đổi thì Hiến pháp cũng phải thay đổi.

Lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chỉ có 8/120 Điều nhưng lại có ý nghĩa Hiến định quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thực hiện tinh giản bộ máy, thực hiện sắp xếp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Điều này được cử tri và nhân dân mong đợi. Chỉ khi Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này mới đảm bảo căn cứ, điều kiện để thực hiện các bước tiếp theo liên quan đến sáp nhập, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp Tiểu ban văn kiện của Đảng bộ Quốc hội
Ngày 8/5, tại Nhà Quốc hội, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Phiên họp thứ nhất, Tiểu ban văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ I.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Azerbaijan
VOVLIVE - Nhận lời mời của Tổng thống Ilham Aliyev Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Azerbaijan từ ngày 7-8/5, chiều 7/5 (theo giờ địa phương) tại Phủ Tổng thống Cung Zugulba, Tổng thống Ilham Aliyev chủ trì lễ đón trọng thể Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta.
Mới nhất