
Giao tranh diễn ra ác liệt
Bất chấp nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt.
Quân đội Nga tiếp tục triển khai hàng chục máy bay không người lái và tên lửa vào các thành phố của Ukraine vào ban đêm. Dù lực lượng phòng không Ukraine có thể bắn hạ nhiều UAV và tên lửa trong số này, nhưng vẫn có những chiếc rơi trúng mục tiêu và gây thiệt hại. Nga được cho là đang tăng cường sản xuất hàng nghìn máy bay không người lái tấn công phổ biến nhất - Geran, trong năm nay.

Hiện Ukraine vẫn tiếp tục nỗ lực kháng cự tại nhiều điểm nóng của cuộc xung đột, chẳng hạn như Pokrovsk. Trung tâm đường bộ và đường sắt chính của Pokrovsk ở miền Đông Ukraine vẫn chưa rơi vào tay Nga. Trên mặt trận này Nga chỉ tiến được khoảng 40km sau gần một năm chiến đấu. Thành phố gần như bị phá hủy hoàn toàn. Một binh sỹ Ukraine cho biết: "Những gì diễn ra tại Pokrovsk giống như ngày tận thế".
Trong cuộc giao tranh trên bộ, cả Ukraine và Nga đều sử dụng các chiến thuật phòng thủ tương tự nhau, dựa vào các bãi mìn, chướng ngại vật và chiến hào để ngăn chặn đối phương, trong khi triển khai máy bay không người lái tích hợp cảm biến hoặc mang thuốc nổ để săn lùng phương tiện và binh sỹ cố gắng tiếp cận mặt trận.
Cục diện xung đột có thể thay đổi nhanh chóng. Một sỹ quan Mỹ cho biết, các bên không có sự thay đổi nhiều về chiến thuật trong mùa hè này. “Tôi nghĩ UAV của Ukraine sẽ khó kìm chân quân đội Nga. Họ sẽ tiếp tục tiến lên”.
Lợi thế lớn của Nga
Theo giới phân tích, Nga đang có một lợi thế mà Ukraine thiếu vắng, đó là sự hỗ trợ trực tiếp về sức mạnh quân sự của đối tác bên ngoài. Hôm 28/4, Tổng thống Nga Putin lần đầu thừa nhận binh sỹ Triều Tiên đã tham gia cuộc chiến giúp Moscow giành lại lãnh thổ. Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov cũng xác nhận binh sỹ Triều Tiên đã giúp quân đội Nga đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk: “Những người lính và sĩ quan của Quân đội Triều Tiên, thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu sát cánh cùng quân nhân Nga, đã thể hiện tính chuyên nghiệp cao, sự kiên cường, lòng dũng cảm trong việc đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine".
Theo hiệp ước an ninh chung mà Nga và Triều Tiên ký kết vào năm 2024, Moscow có thể luân chuyển tới 150.000 binh sỹ Triều Tiên trên mặt trận trong năm tới. Theo tình báo Hàn Quốc, đây chủ yếu là các lực lượng tác chiến đặc biệt, cũng như pháo binh dã chiến và các đơn vị hỗ trợ khác. Các quan chức Triều Tiên cũng tuyên bố lực lượng của họ hiện có thể triển khai ở tất cả các vùng lãnh thổ mà Moscow tuyên bố chủ quyền tại Ukraine.
Theo đánh giá của Ukraine, các đơn vị Triều Tiên, từ những binh sỹ được huấn luyện bài bản, giàu kinh nghiệm đến các tân binh mới được triển khai ra mặt trận đều có tinh thần chiến đấu quyết liệt. Họ đã đúc rút được rất nhiều bài học sau các cuộc giao tranh. Một số nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên vẫn tiếp tục bổ sung thêm lực lượng mới, tham gia cuộc chiến cùng với Nga.
Trái lại, đối tác tài trợ nhiều nhất cho Ukraine là Mỹ lại đang có xu hướng xa rời cuộc chiến.
Tổng thống Ukraine Zelensky dường như đã đạt được một số thành công trong việc cải thiện quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump và thu hẹp rạn nứt giữa hai bên sau cuộc tranh cãi nảy lửa tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2/2025. Sau khi ông Trump gặp ông Zelensky tại Vatican, đã có một số động thái tích cực giữa hai bên chẳng hạn như việc ký kết một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận khoáng sản đất hiếm ở Ukraine và một thỏa thuận cung cấp phụ tùng, bảo dưỡng cho máy bay F-16 do bên thứ ba tặng cho Kiev. Nhưng không thỏa thuận nào trong số này có thể làm thay đổi đáng kể cục diện chiến trường.
Nga chơi đòn tâm lý với Ukraine và phương Tây
Nga đã tìm cách thiết lập lại quan hệ với nước Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump để giảm bớt tình trạng cô lập. Một nhóm các nhà chiến lược của Điện Kremlin đã hối thúc Tổng thống Putin tận dụng áp lực của Mỹ đối với Ukraine trước khi tổng thống Trump chuyển sự chú ý sang nơi khác. Chiến thuật của Moscow đưa ra giọng điệu hòa giải hơn dường như đang có hiệu quả sau khi ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục rằng Nga đã đồng ý thỏa thuận hòa bình, chỉ còn rào cản là Ukraine.
Ông Trump cũng thể hiện thiện chí sẵn sàng phá băng trong quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và chưa thực hiện bất cứ hành động nào nhằm gây sức ép lớn với Moscow. Ông Trump đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz - người có lập trường cứng rắn với Nga, đồng thời “phớt lờ” quan điểm của Đặc phái viên về Ukraine và Nga Keith Kellogg – người được cho là có lập trường phản đối Nga.
Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Putin sẽ đạt được nhiều lợi ích khi thể hiện thiện chí hợp tác với Washington trong bối cảnh Nhà Trắng đang điều chỉnh chính sách đối ngoại. Một cuộc chiến kéo dài sẽ làm cạn kiệt các nguồn lực của các bên. Để có thể trụ vững trong cuộc chiến này, Nga cần phải khôi phục nền kinh tế vốn đang phải chống chọi với một loạt biện pháp trừng phạt. Nền kinh tế Nga chủ yếu phụ thuộc vào doanh thu từ năng lượng. Trong bối cảnh giá dầu thô đang giảm, bất kỳ sự nới lỏng lệnh trừng phạt nào cũng sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho Moscow.
Cả Nga và Ukraine hiện đều có một số đơn vị quân đội giàu kinh nghiệm nhất thế giới, xét về khả năng chiến đấu. Hai bên cũng tăng cường đổi mới công nghệ. Tuy vậy, xét về năng lực sản xuất khí tài quân sự, Nga vẫn có ưu thế hơn so với Ukraine. Ngành công nghiệp vũ khí của Nga phát triển khá mạnh mẽ ngay cả trước và trong xung đột. Trong khi Ukraine chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quân sự từ phương Tây.
Mặc dù châu Âu đã bắt đầu cung cấp đạn dược cho Ukraine với số lượng đáng kể nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy họ có thể lấp đầy khoảng trống nêu Mỹ dừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Các quan chức trong Liên minh châu Âu dù đưa ra rất nhiều phát biểu ủng hộ Ukraine. Nhưng khi nói viện trợ quân sự, họ vẫn chưa sẵn sàng đảm nhận toàn bộ gánh nặng này.
Một báo cáo đăng tải trên tạp chí Times của Anh cho rằng, năng lực quân sự của châu Âu không thể đáp ứng được nhu cầu ở thời điểm này. Đây là thực tế mà Ukraine cũng như các nhà lãnh đạo trên khắp châu Âu phải đối mặt. Nhiều quan chức quân sự cấp cao đã hoài nghi về khả năng châu Âu trong việc tập hợp 25.000 binh sỹ nhằm đảm nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo đề xuất của Anh.
Nga đã bắt đầu củng cố lực lượng dọc biên giới với Phần Lan và tăng cường lời lẽ cảnh báo các quốc gia vùng Baltic. NATO chưa bao giờ rơi vào tình thế khó khăn như lúc này. Giới phân tích cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài sẽ thử thách sự thống nhất và quyết tâm của châu Âu cũng như của NATO trong vòng 2 năm tới, khi Tổng thống Trump hiện thực hóa cam kết để châu Âu tự quyết định vận mệnh an ninh của chính họ.