Vú sữa tím Kế Sách vào thị trường Mỹ nhờ liên kết sản xuất hiệu quả

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL | 14/12/2022, 12:25

Với việc liên kết sản xuất, nhiều nhà vườn trồng vú sữa tím ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng không chỉ bán được giá cao, ổn định mà còn đưa sản phẩm vú sữa tím của địa phương xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Với việc xây dựng kinh tế tập thể theo hình thức HTX và áp dụng biện pháp trồng tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao, thực hiện ký kết bao tiêu tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nhiều nhà vườn trồng vú sữa tím ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng không chỉ bán được giá cao, ổn định mà còn đưa sản phẩm vú sữa tím của địa phương xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

4 năm nay, nhà vườn Sử Bảo Quốc ở ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách không còn phải lo lắng tìm đầu ra cho trái vú sữa nữa, bởi toàn bộ diện tích 6.000m2 trồng vú sữa tím của gia đình đã được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu sang Mỹ với giá cao gấp 2 lần so với giá thị trường hiện nay.

Anh Quốc chia sẻ, trước đây, khi chưa vào HTX, giá vú sữa thường rất bấp bênh, thậm chí có thời điểm, bán không ra, trái tồn trong vườn, nên lỗ nặng. Tuy nhiên, những năm gần đây, anh không còn lo lắng vấn đề này nữa, cũng nhờ tham gia vào HTX Nông nghiệp Lộc-Mãi, thu nhập của gia đình tăng lên gấp đôi, kể cả việc bán trái vú sữa cho thị trường nội địa giá cũng tăng cao hơn so với trước đây.

Anh Quốc cho biết: "Mỗi năm khi chưa vào HTX mỗi năm chỉ bán được hơn 100 triệu đồng, mấy năm nay vào HTX bán ổn định hơn, khoảng hơn 200 triệu đồng. Lúc tôi chưa vào HTX tiền phân thuốc tốn nhiều hơn, giờ giảm rất nhiều, nhờ mình bọc trái. Trước đây cứ 7-8 ngày là xịt, thì bây giờ cả tháng mới xịt, như trái bự như thế này mình không phải xịt nửa, do là mình đã bọc rồi".

Không riêng gì vườn vú sữa của anh Quốc mà 42 ha vú sữa tím của 23 thành viên của HTX Nông nghiệp Lộc Mãi cũng đều được bao tiêu, với sản lượng hàng năm ước đạt 1.000 – 1.200 tấn trái. Ngay từ đầu mỗi vụ, HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp thu mua với giá bao tiêu 30.000 đồng/kg và duy trì đến hết mùa vụ.

Ngoài việc bán cho công ty, HTX còn bán trái vú sữa tím cho các siêu thị, cửa hàng cao cấp tại Cần Thơ, Đồng Tháp và Tiền Giang, sản lượng từ 1 - 1,5 tấn trái/tuần. Thông qua việc liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, giá trị trái vú sữa của HTX nâng lên đáng kể, giá bán cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với bên ngoài. Tính từ đầu vụ đến nay đã có hơn 12 tấn vú sữa tím của HTX được xuất sang thị trường Mỹ.

Ông Sử Quốc Lộc, Giám đốc HTX nông nghiệp Lộc – Mãi, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách cho biết: "Từ vào vụ tới giờ thì tôi cũng mới xuất được hơn mười mấy tấn cho 2 công ty. Theo dự kiến thì xuất khoảng 500 tấn, đây là con số mà tôi mơ ước, thấy sản lượng khá ổn. Mùa vụ năm nay trái cây đạt chuẩn yêu cầu của công ty thu mua xuất khẩu qua Hoa Kỳ. Vụ này thì tôi xử lý không cho cây ra trái cùng lúc mà kéo giãn, có thể thu hoạch kéo dài tới tháng 4 âm lịch".

Thông qua liên kết tiêu thụ đã nâng cao chất lượng sản phẩm trái qua từng năm, đặc biệt nâng cao ý thức nhà vườn trong khâu chăm sóc vườn vú sữa tím của gia đình. Theo đó bà con chủ động xử lý cho cây ra trái rải vụ, thời gian thu hoạch kéo dài chứ không chín tập trung như trước, nhờ vậy sản phẩm không bị ùn ứ mà giá bán luôn ở mức cao; phân, thuốc hóa học được thay hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ và vi sinh, trái cũng được tiến hành bọc ngay từ khi còn nhỏ để hạn chế sâu hại tấn công. Hiện HTX nông nghiệp Lộc - Mãi có 32 ha đạt chứng nhận VietGap.    

Theo ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Kế Sách, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 2.000 ha trồng vú sữa, tập trung chủ yếu ở 2 xã Xuân Hoà và Trinh Phú. Những người nông dân trồng vú sữa tại địa phương cũng đã thành lập được 6 HTX, thực hiện được liên kết tiêu thụ vú sữa, trong đó, có cả việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ông Vũ Bá Quan, cho biết thêm: "Làm sao đáp ứng được yêu cầu của người mua, ở đây là thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Hoa Kỳ, thì trình độ nhận thức, kỹ thuật canh tác của người dân mỗi năm, mỗi tăng lên. Chẳng hạn như chuyện trước đây rất là khó thuyết phục nhưng mà hiện nay bà con áp dụng rất nhiều như việc bao trái, rải vụ để làm sao cung ứng được sản lượng vú sữa lâu hơn, nhiều hơn. Rồi thêm nữa là tuân thủ đầy đủ các quy định việc thực hiện mã số vùng trồng. Trong đó ngoài chuyện canh tác bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm còn có truy xuất nguồn gốc".

Thực tế, tại HTX Nông nghiệp Lộc - Mãi càng thêm  khẳng định hiệu quả của việc liên kết trong sản xuất  nông nghiệp, sự cần thiết của mô hình HTX. Đây là xu thế tất yếu, bởi dù trong hoàn cảnh nào, thì kinh tế Hợp tác vẫn được xác định là mô hình kinh tế bền vững, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thương trường. Nâng chất lượng sản phẩm, tăng nguồn thu nhập, đời sống bà con nông dân ngày càng được cải thiện.

Được biết, huyện Kế Sách còn triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ trên cây vú sữa trong thời gian tới để hướng tới sản phẩm sạch an toàn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, góp phần tăng giá trị cho trái vú sữa và đem lại thu nhập cao cho nông hộ./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), sáng 6/5/2024, tại Hà Nội, Đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
  • Các biện pháp hạ nhiệt tỷ giá trong quý 2 và các quý cuối năm 2024
    Để giải quyết bài toán về tỷ giá, theo các chuyên gia kinh tế, NHNN phải có các giải pháp mạnh hơn nhằm hạn chế chênh lệch lãi suất USD và VND như bán ngoại tệ để ổn định tỷ giả. Trong trường hợp nhu cầu mua USD từ các doanh nghiệp vẫn lớn nhưng tỷ giá đã hạ nhiệt thì rủi ro mất giá của đồng VND sẽ không còn lớn.
  • Điện Biên: Du khách đội mưa nườm nượp thăm đồi A1
    Dù mưa suốt sáng 6/5 tại Điện Biên song du khách tới thăm khu di tích đồi A1 nườm nượp. Thời tiết này giúp khách thăm quan phần nào cảm nhận được những ngày "khoét núi - ngủ hầm - mưa dầm - cơm vắt" của các thế hệ cha anh.
  • Hạn chế thanh toán tiền mặt khi mua bán vàng: Đề phòng rủi ro, chống rửa tiền
    Trước đề xuất về hạn chế thanh toán tiền mặt đối với mua bán vàng miếng, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp cho hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn.
Mới nhất