Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách xã hội

Như Quỳnh | 25/06/2022, 13:54

VOVLIVE - Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã Hội, những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế. Những đồng vốn chính sách đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển sản xuất.

Gia đình chị Khổng Thị Nga, thôn Vườn Trà, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc là hộ nghèo nhiều năm. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, Hội LHPN xã Xuân Lôi đã hướng dẫn chị tham gia Tổ TK&VV tại thôn, từ đó giúp chị tiếp cận được vốn vay từ Ngân hàng Chính Sách Xã Hội. Với số tiền 50 triệu đồng được vay, chị đầu tư mua 2 con bò nái về gây giống.

Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt. Mỗi năm từ tiền bán bò con, chị thu về 30 triệu đồng. Gia đình chị Nga đã thoát nghèo vào năm 2018.

Năm 2020, chị tiếp tục được vay vốn để giải quyết việc làm. Bên cạnh chăn nuôi bò, gia đình chị đầu tư thêm một xưởng gỗ. Nhờ thế, mấy năm gần đây, gia đình chị đã có việc làm ổn định, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

ktn.jpg
Chị Khổng Thị Nga đang cho bò mẹ và bê con ăn cỏ.

Theo chị Nga, thủ tục vay đơn giản, thời gian vay kéo dài chính là những ưu thế của nguồn vốn này và cũng là yếu tố giúp những người nông dân nghèo như chị có thể tiếp cận và sử dụng đồng vốn hiệu quả: "Thủ tục vay rất nhanh gọn, nhẹ nhàng, dễ vay. Không phải nhiều thủ tục. Trong vòng 1-2 ngày, Tổ trưởng Tổ TK&VV mời đến họp, để bình xét cho tổ viên vay vốn, làm thủ tục nhanh gọn, trong vòng 1 ngày là xong. Thời gian vay được kéo dài, 5 năm mới phải trả."


Thủ tục vay rất nhanh gọn, nhẹ nhàng, dễ vay. Không phải nhiều thủ tục. Trong vòng 1-2 ngày, Tổ trưởng Tổ TK&VV mời đến họp, để bình xét cho tổ viên vay vốn, làm thủ tục nhanh gọn, trong vòng 1 ngày là xong

nha-cua-c-nga-ok.jpg
Ngôi nhà khang trang của chị Khổng Thị Nga.

Cũng giống như chị Nga, ông Trần Quốc Minh ở Thôn Lục Thụ, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính Sách Xã Hội nên đã vươn lên thoát nghèo. Ông Minh vốn là bộ đội về hưu. Năm 2015, vợ ông bị bệnh hiểm nghèo, gia đình lại ko có thu nhập gì thêm ngoài mấy sào ruộng nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được vay 100 triệu từ ngân hàng Chính Sách Xã Hội, ông đã xây chuồng trại, mua 1 đôi bò và thức ăn chăn nuôi bò.

Từ đây, mỗi năm từ bán bê, ông cũng có thêm 30 đến 50 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Ông cho biết: "Từ khi vợ tôi mắc bệnh hiểm nghèo, được tổ bình xét ở thôn và xã rồi bên thương binh xã hội xét, đưa tôi vào hộ nghèo. Tôi được vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi. Tôi mua hai con bò nái, làm ngăn chuồng còn đâu mua cám. Mỗi năm nó sinh 2 bò con, tôi bán đi trả nợ tôi vay chữa bệnh cho vợ và mua thêm các thứ khác như ti vi…"

ong-minh.jpg
Ông Trần Quốc Minh bên khu chuồng bò được xây dựng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã được tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ.

Theo đại diện ngân hàng chính sách huyện xã hội Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tính riêng 2 năm từ 2020 đến 28/2/2022 (sau khi thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia) đã có hơn 7.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các ĐTCS khác được vay vốn, với số tiền 312 tỷ đồng.

Để nguồn vốn được phát huy hiệu quả thì việc lựa chọn đối tượng cho vay vốn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay là rất quan trọng. Vì thế, Ngân hàng CSXH huyện đều yêu cầu các Tổ TK&VV phải thực hiện nghiêm túc nội dung này. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Vườn Trà, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Trước khi vay vốn Tổ tiết kiệm và vay vốn chúng tôi đều họp xét, công khai các trường hợp được vay vốn đảm bảo theo đúng nguyên tắc công khai, đúng đối tượng. Sau khi vay vốn, Tổ TK&VV thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của các hộ được vay đảm bảo đúng mục đích và phát huy hiệu quả đồng vốn được vay".

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc trong xét duyệt, lựa chọn đối tượng cho vay vốn, ngân hàng Chính sác Xã hội  huyện Lập Thạch còn thực hiện tốt việc công khai cách chương trình, chính sách vay vốn.  

Ông Phan Ngọc Phú - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Trên địa bàn huyện Lập Thạch có 20 Điểm giao dịch xã tại 20/20 xã, thị trấn. Tại Điểm giao dịch đều được công khai thủ tục hành chính, các chính sách, chương trình tín dụng đang thực hiện; công khai về đối tượng vay vốn, công khai thời hạn, mức vay vốn, lãi suất vay; công khai danh sách người vay vốn,… Từ đó người dân đều nắm bắt được thông tin, các chính sách tín dụng,… nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính".


Trên địa bàn huyện Lập Thạch có 20 Điểm giao dịch xã tại 20/20 xã, thị trấn. Tại Điểm giao dịch đều được công khai thủ tục hành chính, các chính sách, chương trình tín dụng đang thực hiện; công khai về đối tượng vay vốn, công khai thời hạn, mức vay vốn, lãi suất vay; công khai danh sách người vay vốn,… Từ đó người dân đều nắm bắt được thông tin, các chính sách tín dụng,… nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính".

Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực KT-XH, Ban Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo hội sở tỉnh và phòng giao dịch các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp trong việc huy động vốn, chủ động giải ngân các chương trình tín dụng theo kế hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tính đến 28/2/2022 tổng dư nợ của Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 3.325.893 triệu đồng với 78.568 khách hàng.

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Nguồn vốn từ NHCSXH có thể là nguồn vốn duy nhất mà hộ nghèo và các ĐTCS khác có thể tiếp cận được đối với những vùng khó khăn. Bởi thủ tục vay đơn giản, giải ngân trực tiếp đến từng hộ vay. Hộ nghèo và các ĐTCS khác rất dễ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Cho nên nhiều khi đó là nguồn tài chính duy nhất mà những đối tượng yếu thế tiếp cận được. Từ đó có nguồn vốn để làm ăn, sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống. Trong vòng 2 năm tỉ lệ hộ nghèo giảm khá nhiều, nhờ tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội".


Nguồn vốn từ NHCSXH có thể là nguồn vốn duy nhất mà hộ nghèo và các ĐTCS khác có thể tiếp cận được đối với những vùng khó khăn. Bởi thủ tục vay đơn giản, giải ngân trực tiếp đến từng hộ vay.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng. Có thể thấy rằng, với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn NHCSXH đã tạo hiệu quả trong việc cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia.

Bài liên quan
Phú Thọ: Hiệu quả 2 năm triển khai Chiến lược tài chính toàn diện Quốc Gia
Hai năm qua, ngành Ngân hàng tỉnh Phú Thọ đã chú trọng phát triển mạng lưới hoạt động, đáp ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tín dụng đến tận các xã, vùng sâu, vùng xa, lấy hiệu quả làm nòng cốt phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất