Từ chuyện đau lòng làm mẹ ở tuổi 12, giáo dục giới tính cho trẻ theo cách nào?

Nguyễn Trang/VOV.VN | 21/02/2023, 09:02

Theo chuyên gia, nói đến giáo dục giới tính, vẫn còn một bộ phận rất lớn coi đây là việc vẽ đường cho hươu chạy. Giáo dục giới tính cho trẻ vẫn mang tính định hướng nhiều hơn, thậm chí là đi theo xu hướng ngăn cấm, cho rằng đây là chuyện rất xấu.

Câu chuyện bé gái 12 tuổi tại Bắc Giang tự sinh con khi có quan hệ tình cảm với bạn trai sinh năm 2006 những ngày gần đây đang khiến không ít phụ huynh giật mình, lo lắng về vấn đề giáo dục giới tính cho con trẻ. Sự thiếu hiểu biết kiến thức về sinh sản, giới tính cũng như pháp luật đã khiến bé gái 12 tuổi phải làm mẹ bất đắc dĩ, bố đẻ của cháu bé vừa chào đời cũng sẽ phải đối mặt với mức án tù vì tội “hiếp dâm trẻ em”.

Đây không phải sự việc đầu tiên, nhưng một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ. TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, mỗi người trưởng thành đều cần sự phát triển hài hòa về mặt sinh học và tâm lý. Tuy nhiên, ở một số trẻ, sự phát triển về giới tính, sinh học có thể nhanh hơn sự phát triển về tâm lý.

Về vấn đề giáo dục giới tính, theo TS Hoàng Trung Học, lâu nay cách nhìn nhận của cả gia đình và nhà trường về vấn đề này còn chưa thực sự phù hợp: “Vẫn còn một bộ phận rất lớn coi rằng giáo dục giới tính là vẽ đường cho hươu chạy. Giáo dục giới tính cho trẻ vẫn mang tính định hướng nhiều hơn, thậm chí là đi theo xu hướng ngăn cấm, cho rằng đây là chuyện rất xấu. Nhưng đôi khi bố mẹ dạy mà trẻ không nghe theo, gia đình lại phó thác cho thầy cô. Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều các trang mạng đăng thông tin không phù hợp với lứa tuổi, các website đen lan tràn thông tin tiêu cực đang bủa vây giới trẻ… Tất cả những yếu tố này đã tạo ra một lỗ hổng tổng thể về giáo dục giới tính và gây ra nhiều câu chuyện đau lòng”.

Ngoài ra, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cũng cho rằng, sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sự việc đáng tiếc như vụ cháu bé 12 tuổi tại Bắc Giang. Thực tế không chỉ nhiều trẻ trong độ tuổi vị thành niên, mà chính các bậc phụ huynh cũng ngỡ ngàng không hề hay biết việc giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi sẽ bị coi là “hiếp dân trẻ em”. Giải pháp đặt ra là cần đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho học sinh, cha mẹ, thầy cô và các đối tượng có liên quan.

Hiện nay trong chương trình GDPT, Bộ GD-ĐT đã lồng ghép các kiến thức về giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật trong các môn học khác nhau cho học sinh từ tiểu học, THCS, THPT. Như vậy, về mặt nguyên lý, vấn đề này đã có trong nhà trường, nhưng tại sao học sinh vẫn chưa nhận thức đầy đủ? Theo TS Hoàng Trung Học, vấn đề nằm ở cách truyền tải, giáo dục. Muốn đạt được hiệu quả cao, giáo viên cần truyền tải những kiến thức này sao cho thực tế hơn, “đời” hơn, gần gũi hơn để các em có thể tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên nhất.

Dưới góc độ người làm pháp luật, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối cho biết, trong vụ việc tại Bắc Giang, thời điểm thực hiện hành vi đối tượng đã trên 14 tuổi (khoảng 16 tuổi) và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Nạn nhân sinh năm 2010, như vậy tính đến thời điểm nạn nhân bị xâm hại, dẫn đến việc có thai dưới 13 tuổi, như vậy dù có đồng thuận, hay không đồng thuận thì đối tượng thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Theo Luật sư Hùng, đây là nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng, nên những người trên 14 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này với lỗi cố ý. Tuy nhiên, với sự nhân đạo của pháp luật dành cho trẻ vị thành niên phạm tội, thì khi xét xử mức hình phạt nếu trường hợp đối tượng ở khung tuổi từ 14 đến 16 tuổi thì mức hình phạt tối đa không quá 1/2 mức tối đa của khung hình phạt (tức không quá 10 năm tù).

Trường hợp đối tượng đủ 16 tuổi đến 18 tuổi thì mức hình phạt tối đa không quá 3/4 mức tối đa của khung hình phạt (tức là không quá 15 năm tù).

Về trách nhiệm bồi thường dân sự trong trường hợp này, căn cứ các Điều 586 và Điều 589 bộ Luật Dân sự thì đối tượng gây án sẽ phải bồi thường các khoản tổn thất về tinh thần, sức khỏe và với tư cách cả người cha thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu bé đến khi đủ 18 tuổi.

Tại thời điểm gây án, do đối tượng đủ 15 tuổi nên khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường sẽ trừ bằng tài sản riêng của đối tượng, nếu đối tượng không đủ tiền thì bố mẹ sẽ liên đới, chịu trách nhiệm bồi thường.

Bị hại và đại diện hợp pháp của mình sẽ phải chứng minh thiệt hại và đưa ra yêu cầu bồi thường.

“Tuy nhiên, vụ án này để lại hệ quả rất lớn về cả thể chất, tinh thần, tương lai của nạn nhân. Với một cháu bé 13 tuổi, đang tuổi ăn, tuổi học đã phải làm mẹ và phải lỡ dở chuyện học hành để ở nhà chăm sóc con cái. Chắc chắn về lâu dài, tâm lý cháu bé sẽ bị ảnh hưởng. Giai đoạn này rất cần sự can thiệp, tư vấn tâm lý, hỗ trợ cháu bé.

Đối với bị can, rõ ràng tuổi đời còn rất trẻ, chưa nhận thức về hành vi của mình gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đương nhiên, về mặt pháp luật bị can buộc phải biết là hành vi của mình trái pháp luật. Nhưng cũng chỉ vì ham chơi, thiếu hiểu biết, lại nghĩ đó là chuyện yêu đương, tình cảm nên để xảy ra sự việc đáng tiếc”, Luật sư Hùng nói.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng,  sự việc này là bài học, hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục giới tính, tình cảm của con trẻ trong độ tuổi phát triển, bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật cho trẻ để có thể tự bảo vệ bản thân mình./.

Bài liên quan
Cha mẹ phải làm gì để bảo vệ con khỏi nguy cơ xâm hại tình dục
Mới đây, vụ việc bé gái tại Hà Nội bị xâm hại tình dục, làm mẹ ở tuổi 12 khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng. Theo các chuyên gia, cha mẹ cần nắm rõ những nguyên tắc để bảo vệ con khỏi nguy cơ xâm hại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất