Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết nối, hầu hết các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều là những người thân của trẻ như bố dượng, bác, chú, thậm chí là anh em, bố đẻ... hoặc có quan hệ láng giềng. Việc trẻ bị xâm hại tình dục không chỉ gây tổn thương cơ thể và những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng rất lâu dài về sau này. Trẻ có thể bị rối loạn rất nặng nề về sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng đến khả năng học tập, khả năng hòa nhập gia đình và xã hội cũng như đối với sức khỏe tâm thần.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, để tránh cho trẻ bị xâm hại tình dục, trách nhiệm rất lớn thuộc về các bậc phụ huynh. Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em cho thấy, đa số đối tượng có mối quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân. Vì thế, không mấy gia đình cảnh giác, đề phòng trước những đối tượng này.
“Nhìn nhận lại các vụ án xâm hại tình dục cũng cho thấy, gia đình nạn nhân thường ít có sự quan tâm đến con cái cũng như những biểu hiện không bình thường của con. Vì vậy, để bảo vệ con cái trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý cần thiết, học cách trò chuyện với con cái về những vấn đề tế nhị... Cha mẹ có thể dạy con cách tự bảo vệ mình như: không nghe lời rủ rê vào nhà, đi chơi, đi mua bánh với anh, chú, ông hàng xóm, không cho người khác đụng vào vùng kín và nếu lỡ bị thì phải kêu cứu và kể lại với gia đình…
Khi thấy con cái có dấu hiệu bị thương tổn trên người, đặc biệt ở vùng kín hay tâm trạng lơ mơ, bất an thì phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân và báo với chính quyền địa phương ngay khi biết con bị xâm hại tình dục”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng khuyến cáo.
Theo Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Xâm hại tình dục xảy ra khi một người lớn tuổi hơn, khỏe mạnh hơn sử dụng quyền lực và sức mạnh, có thể là tiền bạc, vật chất của mình, lợi dụng sự ngây thơ, lòng tin và sự tôn trọng của trẻ em để ép buộc các em tham gia vào hành vi tình dục. kẻ xâm hại có thể sử dụng nhiều cách lừa gạt, dụ dỗ, mua chuộc, bắt cóc, đe dọa hay trấn áp về tinh thần hoặc thể chất đối với trẻ để thực hiện hành vi xấu xa của mình.
Xâm hại tình dục có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như có những hành vi tự kích thích tình dục trước mặt trẻ, cố tình phô bày những bộ phận kín của cơ thể; Hôn hít hay sờ mó vào bộ phận kín của trẻ hoặc bắt trẻ phải làm như vậy chính mình; Đưa dương vật, ngón tay, hoặc bất kỳ vật gì vào âm đạo hoặc hậu môn của trẻ; Cho trẻ xem sách báo, phim ảnh có tính kích dục.
Chuyên gia từ Tổng đài 111 cho biết, những kẻ xâm hại tình dục thường tìm đối tượng trong số trẻ em mà chúng quen biết, có khi ngay ở trong gia đình. Trong những trường hợp này, chính sự gần gũi đã tạo nên ham muốn xâm hại ở những kẻ này, đồng thời lại làm cho trẻ quá tin tưởng vào kẻ xâm hại mà không có sự đề phòng nào. Nó cũng làm cho kẻ xâm hại có thời cơ thực hiện ý định của mình.
Trẻ em thường tin cậy người lớn, do đó, dễ bị lừa gạt, mua chuộc. Do còn nhỏ tuổi và yếu đuối, các em cũng dễ bị đe dọa hay trấn áp về tinh thần hoặc thể lực.
Những kẻ xâm hại tình dục biết rằng việc chúng làm là sai và do vậy, chúng tìm mọi cách để che đậy hành vi của mình. Nếu mọi người không phát hiện sớm, chúng có thể lặp lại hành vi đó với chính đứa trẻ đó hoặc với các trẻ khác.
Một số nam giới trong xã hội có quan niệm sai lệch, cho rằng phụ nữ và trẻ em bao giờ cũng thấp kém hơn so với nam giới và muốn chứng tỏ được "mình là người đàn ông thực thu" thì phải trấn áp họ.
Ngoài ra, bản thân những kẻ xâm hại tình dục có thể cũng đã từng bị xâm hại khi còn nhỏ và chúng lặp lại những hành động đó để quên đi cám giác yếu đuối mà chúng cảm thấy khi chúng là nạn nhân của sự xâm hại. Tuy nhiên, điều này không thể biện minh cho hành động của chúng, và cũng không có nghĩa là tất cả những người đã bị xâm hại trước đây cũng đều trở thành kẻ xâm hại tình dục sau này. Trong thực tế, nhiều người bị xâm hại trước đây nay lại là những người tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ trẻ em.
Trưởng hợp trẻ bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần làm gì? Chuyên gia từ Tổng đài 111 khuyến cáo đây là việc hết sức quan trọng, nhưng không phải dễ làm. Muốn giúp một trẻ bị xâm hại tình dục cần phải biết cách lắng nghe con mình nói, tin con, động viên, an ủi, nói chuyện với con về những gì đã xảy ra mà không chất vấn con, đáp lại một cách hết sức bình tĩnh và làm cho con yên tâm rằng con không có lỗi gì cả và sẽ không bị buộc tội về bất cứ điều gì.
Trẻ em thường sẽ vẫn tiếp tục cảm thấy bất an và cần được bảo vệ khỏi các vụ xâm hại trong tương lai. Vì vậy, bạn cần đảm bảo với con em mình rằng bố mẹ sẽ làm tất cả để bảo vệ chúng.
Cha mẹ cũng nên hỏi con em mình, dù nó còn rất nhỏ, xem trẻ cần hay trông đợi sự giúp đỡ gì ở bạn và cho phép trẻ có quyền tự quyết định một số điều cho bản thân mình.
Bằng cách tỏ ra là chỗ dựa vững chắc của trẻ, sẽ làm cho trẻ cảm thấy yên tâm hơn và dần dần lấy lại được lòng tin. Khi biết rằng mình vẫn được mọi người yêu quý, chăm sóc và được an toàn trẻ sẽ cảm thấy đỡ lúng túng hơn và sẽ dần trở lại trạng thái bình thường.
Một vấn đề khác là nhiều bậc cha mẹ cảm thấy quá xấu hổ, ngượng ngùng khi con em mình bị xâm hại tình dục. Các bậc cha mẹ có thể lo sợ rằng nếu những người xung quanh biết con mình bị xâm hại, tương lai của các cháu sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi dư luận xã hội.
Thực ra, nếu cha mẹ giữ kín điều đó thì có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe vì khi đó chính phụ huynh và con em mình lúc đó sẽ không nhận được sự giúp đỡ nào của những người xung quanh và của cơ quan pháp luật. Do đó, việc khắc phục những hậu quả của vụ xâm hại sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Mặt khác, kẻ xâm hại lại không bị trừng trị mà còn có thể tự do tái diễn hành vi này với nhiều trẻ em khác. Chính vì thế, bạn nên báo ngay sự việc với những người có trách nhiệm như: Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, người làm công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương....để bạn và con em bạn được giúp đỡ, và kẻ có tội bị trừng phạt. Bạn cũng đưa ngay con em mình đến cơ sở y tế để được khám, điều trị và tư vấn trong trường hợp cần thiết. Cha mẹ và trẻ cần ghi nhớ số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 – đây là tổng đài tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho trẻ em; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Theo Luật sư Hùng, Tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” được ghi nhận tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, định nghĩa về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau: “Tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự hiện hành, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ”.
Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP nêu rõ, giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Và hành vi quan hệ tình dục khác là dùng bộ phận khác trên cơ thể (ngón tay...) xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ.
Tội hiếp dâm là tội cấu thành hình thức và đã hoàn thành từ thời điểm có hành vi. Do đó, chỉ cần chỉ cần thực hiện một trong các hành vi trên cho dù đã giao cấu được hay chưa thì vẫn bị coi là đã phạm tội hiếp dâm.
Đơn cử như trường hợp cháu bé 12 tuổi tại Hà Nội bị xâm hại dẫn đến có thai, sinh con, Luật sư Hùng cho rằng, hậu quả của vụ việc đã rõ ràng. Do đó, hành vi của đối tượng phạm tội đối với cháu bé 12 tuổi hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành Tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung "làm nạn nhận có thai" và "phạm tội 2 lần trở lên" với mức phạt lên đến 20 năm tù.
Việc xét nghiệm ADN của đứa trẻ được cháu bé sinh ra chỉ phục vụ công tác xác định cha đứa trẻ và làm căn cứ buộc tội khi đối tượng cố tình không nhận tội.