Tình trạng lạm dụng tình dục ở trẻ em đang ở mức báo động. Hàng năm, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra đã để lại những hậu quả đáng tiếc, khó lường. Điều này cho thấy lỗ hổng không nhỏ trong giáo dục giới tính cho trẻ từ gia đình đến nhà trường.
Do thiếu kiến thức, kỹ năng về giới tính, trẻ dễ bị dụ dỗ, mua chuộc và bị xâm hại tình dục, nhiều trẻ do sợ hãi, xấu hổ nên giấu cha mẹ dù bị xâm hại. Vì thế, việc giáo dục giới tính cho trẻ, giúp con hiểu rõ về cơ thể mình, vai trò của các cơ quan trên cơ thể, sự thay đổi khi trưởng thành, giúp con hiểu về vấn đề tình dục lành mạnh, an toàn là rất quan trọng.
Tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh khi nhắc đến các vấn đề liên quan đến tình dục và giới tính thường khá e dè, không biết nên bắt đầu chia sẻ với con như thế nào và nên giáo dục ở độ tuổi nào là phù hợp nhất? Cũng có những phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục, truyền đạt kiến thức về sức khỏe sinh sản, các kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại tình dục cho con mình, khi con hỏi thì luôn trì hoãn, né tránh. Điều này khiến trẻ bị thiệt thòi khi thiếu các kiến thức về giới tính và kỹ năng bảo vệ mình, dẫn đến việc tự mày mò tìm hiểu và có thể rơi vào “bẫy” của kẻ xấu.
Chị Đàm Thu Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị có con gái năm nay học lớp 6, thời gian rảnh rỗi, con hay lên mạng xem youtube và thi thoảng hỏi mẹ một số vấn đề liên quan đến giới tính hay sự phát triển của các bộ phận trên cơ thể. Mới đầu, chị thường né tránh, lảng sang những câu chuyện khác và nghĩ, lớn lên con sẽ tự hiểu. Nói những điều nhạy cảm bây giờ khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”.
Sau một thời gian, con gái chị không được giải đáp những thắc mắc nên đã tự tìm hiểu qua internet. Vô tình chị phát hiện con đã vào những trang web “nhạy cảm”, có những ngôn từ không trong sáng. Khi đó chị mới tá hỏa và ngồi nói chuyện nghiêm túc với con, giải đáp dần dần những thắc mắc của con một cách khéo léo, giúp con hiểu hơn về tâm sinh lý của tuổi mới lớn và cách bảo vệ mình trước vô số cạm bẫy ngoài đời thực và trên mạng xã hội.
Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục giới tính không phải ngày một, ngày hai mà là cả quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành. Trẻ em là đối tượng tò mò, thích khám phá về giới tính và sự khác biệt của hai giới là rất sớm. Do đó, bố mẹ khi giáo dục cho con cần phải rõ ràng, không tránh né, không mập mờ. Cha mẹ cần gần gũi con, sớm nhận ra những thay đổi về giới và tâm lý của trẻ để chủ động hơn trong việc trang bị kiến thức và đồng hành cùng con trong cuộc sống, ngăn ngừa nguy cơ bị xâm hại tình dục.
“Vẽ đường cho hươu chạy đúng chứ đừng để hươu chạy lung tung”
Theo bà Trần Vân Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, trẻ em có xu hướng được tiếp cận sớm hơn với các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội, thì ngoài nội dung về giới tính, trẻ cần được trang bị thêm các thông tin và kỹ năng về an toàn cả trong ngoài đời thực và trên cả không gian số.
Với đặc tính tò mò, thích tìm hiểu cũng như rất bị hấp dẫn bởi các thông tin từ mạng internet. Rất nhiều trẻ em lên mạng để tìm hiểu thông tin về sức khoẻ, giới tính và các mối quan hệ. Những nguy cơ liên quan đến quấy rối, xâm hại tình dục, ấu dâm, tình dục không an toàn… từ môi trường mạng đến ngoài đời thực ngày càng trở nên phổ biến và có chiều hướng phức tạp. Việc giáo dục giới tính không chỉ giúp trẻ hiểu về sự phát triển của cơ thể và sự khác biệt của giới tính mà còn giúp các con nhận thức, phòng tránh các nguy cơ xâm hại, bạo lực ở đời thực và trên không gian số, qua đó, trẻ em có thể phát triển một cách an toàn và lành mạnh hơn trong thế giới kỹ thuật số.
Bà Trần Vân Anh cũng cho hay, trong môi trường gia đình, nhiều bậc cha mẹ vẫn cho rằng, giới tính là một vấn đề nhạy cảm nên đợi khi trẻ lớn hơn thì sẽ phù hợp để trao đổi và tiếp nhận. Thực tế, để phòng, tránh những rủi ro liên quan đến sự an toàn của trẻ, bất kỳ trẻ em nào, khi bắt đầu có nhận thức, cha mẹ cần dạy cho trẻ về giáo dục giới tính; cung cấp cho con những thông tin, kiến thức bổ ích giúp các con nhận diện được bản thân về mặt giới, những hành vi chuẩn phù hợp với đặc trưng về giới, để từ đó con sẽ tự tin và nhận diện được không gian, cảm giác an toàn cũng như nguy cơ, tình huống không an toàn để kịp thời phòng, tránh và tìm kiếm sự trợ giúp.
“Đặc biệt, để sự hướng dẫn, giáo dục đạt hiệu quả cao nhất, cha mẹ cần tạo không gian an toàn, cởi mở và chân thành để trẻ có thể tự tin chia sẻ, đặt câu hỏi cũng như cảm thấy được tôn trọng. Bên cạnh việc dạy bảo và cung cấp thông tin, trong mỗi gia đình cũng cần chủ động và tinh tế xây dựng những giới hạn trong sự tương tác, tiếp xúc trong hoạt động chăm sóc hàng ngày. Để thực sự tạo được một lá chắn an toàn, trẻ cần được tiếp nhận thông tin và cách thực hành hàng ngày một cách nhất quán. Những chương trình học tập, sinh hoạt bài bản từ nhà trường cộng với sự củng cố và đồng hành từ gia đình, trẻ sẽ có đủ thông tin và tự tin bảo vệ chính bản thân mình và kịp thời tìm kiếm sự trợ giúp khi cần hỗ trợ”, bà Trần Vân Anh cho hay.
Bà Trần Vân Anh tin rằng, khi trẻ em được trang bị và lĩnh hội đầy đủ thông tin, kiến thức về giới tính, cộng với rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết, các em sẽ phát triển một cách lành mạnh, an toàn, tự tin trong việc hiểu, quản lý các khía cạnh của giới tính và quan hệ tình dục trong cuộc sống của mình.
Việc giáo dục và đồng hành với trẻ cần đảm bảo một số yếu tố: Cung cấp thông tin chính xác và phù hợp với độ tuổi; Xây dựng môi trường học tập cởi mở và không phán xét; Tạo ra một không gian nơi trẻ cảm thấy an toàn khi đặt câu hỏi và chia sẻ những thắc mắc của mình mà không sợ bị phán xét. Khuyến khích trẻ hỏi và thảo luận về các chủ đề liên quan đến giới tính một cách tự nhiên và thoải mái.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, chúng ta thà vẽ đường cho hươu chạy đúng đường chứ hơn để hươu chạy lung tung". Đây là việc nên làm giúp trẻ hiểu hơn về giới tính và ngăn ngừa vấn nạn xâm hại tình dục. Lá chắn hữu hiệu nhất giúp trẻ thoát khỏi bạo hành, xâm hại tình dục cũng chính từ kiến thức các em có được và nhận thức của người lớn, gia đình và toàn xã hội về chăm sóc, bảo vệ trẻ em.