Liên quan đến vụ bé gái 12 tuổi (ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì- Hà Nội) nghi bị xâm hại, chiều 22/5, đại diện Công an huyện Thanh Trì thông tin: Kết quả xét nghiệm ADN của cháu bé do L. mới sinh cho thấy không trùng huyết thống với người đàn ông bị tình nghi xâm hại.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, mặc dù kết quả xét nghiệm ADN cho thấy cháu bé mới sinh không trùng huyết thống với người đàn ông bị tình nghi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người đang bị tình nghi là “vô tội”.
Nếu kết quả điều tra (căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác) chứng minh được người đang bị tình nghi đã có hành vi xâm hại (giao cấu) đối với bé gái thì người này vẫn sẽ phạm “tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Bởi vì, xét về mặt khách quan thì chỉ cần có hành vi “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi” là đã cấu thành tội danh này.
Theo luật sư Hùng, tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm đã thực hiện các hành vi nêu trên, không phụ thuộc vào việc có làm nạn nhân có thai hay không. Việc bé gái có thai là hậu quả của hành vi phạm tội, không được quy định là dấu hiệu định tội bắt buộc đối với tội danh này.
“Hậu quả “làm nạn nhân có thai” được quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm b Khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm” - luật sư Hùng nói.
Trong vụ việc này, theo luật sư Hùng, cơ quan điều tra vẫn sẽ phải tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ việc người đang bị tình nghi có hành vi xâm hại đối với bé gái hay không? Nếu có thì người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Tuy nhiên, nếu bị kết tội thì với kết quả xét nghiệm ADN không trùng huyết thống, người phạm tội sẽ không phải chịu tình tiết định khung tăng nặng là “làm nạn nhân có thai” theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 142 Bộ luật hinh sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Với kết quả xét nghiệm ADN của cháu bé cho thấy, có một người khác đã có hành vi xâm hại đối với bé gái. Do đó, theo luật sư Hùng cơ quan điều tra sẽ phải có trách nhiệm điều tra, xác định người này là ai, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng phải làm rõ có hay không việc “nhiều người hiếp một người”. Nếu có thì những người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với loại và mức hình phạt quy định là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trước đó, theo trình báo của gia đình anh A. (bố cháu bé), đầu tháng 1/2024 anh thấy cháu L. có biểu hiện bất thường. Gia đình gặng hỏi thì biết cháu đã mang thai. Sau đó, gia đình đưa cháu L. đến Công an xã Tam Hiệp trình báo.
Anh A. cho biết, qua lời kể của cháu bé thì một người hàng xóm đã thực hiện hành vi xâm hại cháu nhiều lần, trong những lúc cháu ở nhà một mình. Đến tháng 4/2024, L. đã sinh một bé trai nặng 3kg. Sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu ADN của bé trai vừa sinh để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án để điều tra.
Tuy nhiên, kết quả ban đầu thì việc xét nghiệm ADN cho thấy bé trai không trùng huyết thống với nghi phạm.