Và con số này tăng cao vào các dịp cuối năm, trước thực trạng cung ứng thuốc và vật tư y tế còn nhiều hạn chế; lượng bệnh các tỉnh đổ về thăm khám tăng gây không ít áp lực lên các bệnh viện.
Một bài toán khó khăn từ đây đến cuối năm làm sao giải quyết được câu chuyện đảm bảo cung ứng thuốc và vật tư để chăm sóc sức khỏe người dân khi nhu cầu đang tăng cao.
"Giờ có bệnh ai cũng mệt, có bệnh phải chữa phải theo"
"Khám bệnh có bảo hiểm để làm gì, bệnh viện cho mình đi siêu âm, chụp phim gì đó rồi hẹn mình qua ngày mai, ngày mốt"
Tờ mờ sáng, sảnh bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Chợ Rẫy những dòng người tấp nập đợi chờ bốc số chờ khám bệnh cứ nối dài bất tận. Có nhiều bệnh nhân sau chuyến xe đường dài từ miền Trung vào, miền Tây lên vẫn còn mang nét mặt ngái ngủ, vật vờ tựa lên hàng ghế thiếp đi. Hình ảnh này gần như quá đỗi quen thuộc, và cũng là nỗi ám ảnh của người bệnh.
Dù các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã tăng cường các giải pháp phục vụ người bệnh từ khâu tiếp nhận, khám chữa bệnh đến khi xuất viện thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, song sự quá tải vẫn diễn ra hằng ngày.
Gần đây, theo một số bệnh nhân ở các tỉnh lên, gần như tuyến dưới thiếu thuốc, vật tư y tế vì vậy từ bệnh nhẹ lẫn nặng đều đổ dồn về thành phố.
Tại Hội Nghị tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế giữa tháng 8/2024, ông Nguyễn Hoài Nam, PGĐ Sở Y tế thừa nhận câu chuyện bệnh nhân đang dồn lên tuyến trên và gây áp lực cho y tế thành phố từ đây đến cuối năm:
“Liệu có hiện tượng bệnh nhân đẩy từ tuyến dưới lên tuyến trên hay là từ bệnh viện này có bệnh viện kia hay không là có. Thứ hai, một số tỉnh cũng hạn chế mua sắm dẫn đến lên tuyến trên nhiều và thực tế thời gian làm việc với các viện chuyên khoa thành phố ghi nhận số bệnh nhân tỉnh lên rất nhiều. Đặc biệt, ví dụ như tim mạch, chấn thương chỉnh hình đã đưa lên rất nhiều . Việc các số liệu tăng như vậy thì áp lực cung ứng các bệnh viện là áp lực lớn và đó cũng gây áp lực lên các bệnh viện”.
TS.BS Vũ Trí Thanh, giám đốc BV TP Thủ Đức ví von rằng, bệnh viện trong hoàn cảnh quy mô lớn (750 giường) con thì đông, nhà thì nghèo nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt công tác đấu thầu thuốc vật tư trang thiết bị cũng không nằm quy luật chung:
Bên cạnh đó, bệnh viện có công nợ nhiều nên một vài thuốc độc quyền không tham gia thầu, hoặc tham gia nhưng do thiếu nợ nên chỉ được cung ứng nhỏ giọt: “Bởi vì công nợ nhiều cho nên một số thuốc đặc trị được coi là độc quyền có khi nhà thầu không tham gia thầu hoặc họ tham gia nhưng do thiếu nợ nên họ tham gia nhỏ giọt. Cho nên có những thời điểm thiếu thuốc. Lấy ví dụ một thuốc rất là thông dụng như thuốc gây tê chẳng hạn, khi không được cung cấp hàng nên sản phụ sản phải dùng phương pháp gây tê sang gây mê. Vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng điều trị người bệnh”.
Trong khi đó, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho hay tình trạng viện thiếu các dụng cụ kết hợp xương trong phẫu thuật, do bệnh nhân ở tỉnh lên rất nhiều nên có những thời điểm, bệnh viện thiếu vật tư này.
Dù đã đấu thầu và trong giới hạn vượt không quá 30% so với gói thầu cũ theo quy định, nhưng không đủ. Có những trang thiết bị giá trị cao, viện cũng cân nhắc nên chưa dám “vượt rào”: “Riêng về khớp giả là vật tư đặc thù có giá trị cao, bệnh viện không dám mua trực tiếp nên hiện chỉ còn một số khớp dành cho bệnh nhân thay lại. Vì vậy Hội đồng quyết định buộc phải chuyển qua các viện khác có khoa Chấn thương chỉnh hình như: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 7A hay Bệnh viện Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời cho những bệnh nhân khẩn cấp, song căn cơ về lâu dài là phải đấu thầu rộng rãi”.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, vừa qua trong Nghị định 84 năm 2024 của Chính phủ về việc thí điểm phân cấp quản lý nhà nước cho phép TP.HCM được cấp phép nhập khẩu đối với các thuốc chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam, chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị và thuộc một trong 4 trường hợp.
Cụ thể là thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc, chống thải ghép; thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thuốc có trong hướng dẫn phòng và xử trí sốc phản vệ; thuốc được sử dụng cho người bệnh cụ thể đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh để chẩn đoán, dự phòng hoặc điều trị đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh ung thư, và các bệnh hiểm nghèo khác.
Thí điểm có tính đột phá này đang được xây dựng quy trình cấp phép nhập khẩu thuốc, rút ngắn thời gian nhập thuốc và đáp ứng nhu cầu điều trị. Song song đó, Sở Y tế thành lập các tổ liên ngành gồm đại diện các sở: tài chính, đầu tư, thuế sẵn sàng tháo gỡ công tác đấu thầu.
Trước giải pháp và những cơ chế tháo gỡ bước đầu mang tính căn cơ trên, hy vọng người dân, người bệnh được chăm sóc y tế tốt nhất, không còn chịu cảnh thiệt thòi khi đợi chờ vật vờ thiếu thuốc, thiếu thiết bị trong phẫu thuật.