Nga hay châu Âu trả giá nhiều hơn nếu chấm dứt làm ăn về khí đốt?

15/01/2025, 10:01

Hợp đồng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đã hết hạn ngày 31/12/2024 và Kiev từ chối cân nhắc một thỏa thuận mới. Quyết định của Ukraine đã được Ủy ban châu Âu ủng hộ mặc dù lượng nhập khẩu bị mất tương đương với 5% nhu cầu của châu Âu.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga

Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng, ngay giữa cuộc xung đột Nga - Ukraine, khí đốt vẫn tiếp tục chảy. Mặc dù hầu hết khí đốt qua đường ống từ Nga đến châu Âu đã ngừng lại nhưng vào năm 2024, châu Âu nhập khẩu kỷ lục 21,5 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga.

Dữ liệu mới công bố từ Tây Ban Nha cho thấy Nga vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai, chiếm 21,3% nhập khẩu LNG của Tây Ban Nha. Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất tới châu Âu, chiếm 48% lượng LNG cung cấp vào năm 2024.

Khoảng 20% LNG của Nga đến châu Âu được tái xuất sang các nước thứ ba - một hoạt động sẽ bị cấm theo lệnh trừng phạt của EU vào tháng 3/2024.

Câu hỏi đặt ra là chiến lược của châu Âu ở đây là gì và doanh số bán khí đốt toàn cầu của Nga có thể bị ảnh hưởng như thế nào khi Ukraine dừng hoạt động đường ống trung chuyển qua nước này?

Vào tháng 5/2022, ba tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã khởi động kế hoạch REPowerEU. Một trong những mục tiêu chính của kế hoạch này là khắc phục sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch Nga thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Ủy ban châu Âu hiện chỉ ra một thực tế là 45% nhập khẩu khí đốt của EU đến từ Nga năm 2021 đã giảm xuống còn 15% năm 2023 (mặc dù dữ liệu cho thấy nó đã tăng lên 18% vào năm 2024 nhờ nhập khẩu LNG cao hơn từ Nga)

Tuy nhiên, cho đến nay, EU vẫn chưa áp dụng lệnh trừng phạt với việc nhập khẩu khí đốt của Nga, mặc dù liên minh này đã trừng phạt dự án LNG Arctic-2 và hoạt động vận chuyển liên quan, cũng như cấm nạp lại LNG của Nga từ các cảng của EU.

Ủy ban châu Âu nhận thức rõ thị trường khí đốt toàn cầu vẫn đang cân bằng một cách sít sao và việc trừng phạt xuất khẩu khí đốt Nga sẽ dẫn đến giá tăng rất cao, chẳng hạn như giá hồi mùa hè năm 2022. Cuộc khủng hoảng năng lượng đó đã khiến các chính phủ châu Âu thiệt hại ước tính 650 tỷ euro từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2023 do các biện pháp làm giảm giá.

Năm 2024, khí đốt Nga đã đến châu Âu thông qua 3 tuyến đường: quá cảnh qua Ukraine (30%), qua Thổ Nhĩ Kỳ và đường ống Turkstream (31%) và dưới dạng LNG (39%). Trong năm 2025, giả sử không nối lại quá cảnh qua Ukraine, dòng chảy khí đốt sẽ chỉ còn qua Thổ Nhĩ Kỳ và dưới dạng LNG.

Do thị trường LNG toàn cầu vẫn thắt chặt, nhập khẩu từ Nga giảm sẽ khiến châu Âu tiếp tục chịu sự biến động về giá. Tuy nhiên, với làn sóng sản xuất LNG mới dự kiến bắt đầu từ năm 2027, có khả năng EU sẽ ngừng mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt từ Nga vào cuối năm này.

Đây là những gì mà ủy viên năng lượng mới của EU - Dan Jorgensen công bố vào tháng 11/2024. Hiện không rõ Ủy ban châu Âu có kế hoạch thế nào, có lẽ là tiếp tục các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm nhu cầu khí đốt. Tuy nhiên, lệnh cấm hoàn toàn đối với hàng nhập khẩu từ Nga là bất khả thi cho đến khi thị trường LNG toàn cầu được cung cấp tốt hơn.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm tại Mỹ vừa áp thêm các lệnh trừng phạt với ngành dầu khí của Nga và điều này có khiến Brussels trở nên khó xử. Từ lâu ông Donald Trump đã chỉ trích sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, vì vậy sẽ có một số quyết định khó khăn trong kế hoạch mới.

Tương lai của khí đốt Nga

Những điều trên có ý nghĩa gì với Nga và an ninh khí đốt toàn cầu? Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Anh (UKERC) đã công bố một bài báo trên tạp chí Nature Communications dự báo doanh số khí đốt của Nga sẽ như thế nào theo 2 kịch bản chính.

Kịch bản đầu tiên được gọi là "thị trường hạn chế" và giả định rằng EU dừng nhập khẩu toàn bộ khí đốt Nga vào năm 2027, trong khi các tuyến đường thay thế cho xuất khẩu của Nga bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt đối với công nghệ và cơ sở hạ tầng LNG cũng như thiếu khả năng về đường ống mới.

Về kịch bản sau, điều này sẽ xảy ra nếu Điện Kremlin và Bắc Kinh không đạt được thỏa thuận về việc xây dựng đường ống Power of Siberia 2 với công suất 50 tỷ mét khối. Khi đó, việc xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ có thể đi theo tuyến Power of Siberia 1 với công suất 28 tỷ mét khối và đường ống mới 10 tỷ mét khối từ vùng Viễn Đông Nga.

Kịch bản thứ hai, được gọi là "xoay trục sang châu Á" giả định rằng thỏa thuận Power of Siberia 2 sẽ đạt được và Nga có thể mở rộng quy mô xuất khẩu LNG nhanh hơn. Nghiên cứu cũng cho rằng xuất khẩu sang châu Âu sẽ tiếp tục qua Turkstream và không có hạn chế nào đối với LNG (nhu tình hình hiện nay).

Nghiên cứu cũng xem xét từng kịch bản với nhu cầu khí đốt toàn cầu trong tương lai thấp hơn và cao hơn, được quyết định phần lớn bởi tham vọng về chính sách khí hậu.

Nhìn chung, nghiên cứu cho rằng Nga sẽ phải vật lộn để lấy lại mức xuất khẩu khí đốt trước xung đột. So với năm 2020, xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ giảm 31 - 47% vào năm 2040 khi thị trường mới bị hạn chế và giảm 13 - 38% theo chiến lược xoay trục sang châu Á.

Nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc cũng không cải thiện đáng kể triển vọng cho Nga. Quan trọng là bất kỳ sự xoay trục nào trong tương lai sang châu Á đều phụ thuộc vào an ninh năng lượng cũng như các chiến lược giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu của Trung Quốc.

Đáng chú ý là vào cuối năm 2024, cổ phiếu của công ty khí đốt nhà nước Nga Gazprom đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm. Một phần là do khoản lỗ 7 tỷ USD năm 2023 và việc hủy bỏ các khoản thanh toán cổ tức. Tuy nhiên, cũng có sự bất ổn về mặt địa chính trị đối với khả năng tìm ra các tuyến xuất khẩu mới của tập đoàn này.

Nghiên cứu trên đặt ra 2 câu hỏi quan trọng về vai trò tương lai của khí đốt Nga trên thị trường toàn cầu. Đầu tiên, liệu EU có giữ vững quyết tâm và tránh xa mọi hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027 hay việc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine có thể dẫn đến một sự đảo chiều hoàn toàn? Thứ hai là cho dù có chuyện gì xảy ra, liệu Nga có thể tìm ra các tuyến xuất khẩu và thị trường mới cho trữ lượng khí đốt khổng lồ của mình hay không?

Hai câu hỏi này có liên quan đến nhau khi lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của Nga sang Trung Quốc tăng lên làm giảm nhu cầu nhập khẩu LNG của Trung Quốc trên toàn cầu, dẫn đến một thị trường linh động hơn cho châu Âu để nhập khẩu khí đốt mà họ cần, chủ yếu là từ Mỹ.

Bài liên quan
Ukraine khóa van đường ống trung chuyển khí đốt cuối cùng từ Nga sang châu Âu
Đường ống trung chuyển khí đốt cuối cùng từ Nga sang châu Âu bị khóa sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Moskva và Kiev.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất