Điều ít biết về Táo quân: Ra đời từ một chương trình của Đài truyền hình TP.HCM

Minh Hương | 15/01/2025, 10:03

Hơn 20 năm qua, "Táo quân" gắn liền với thương hiệu VTV; ít ai biết ý tưởng sản xuất Táo quân ra đời từ một chương trình cùng tên của Đài truyền hình TP.HCM.

Đạo diễn Khải Hưng - người được coi là "cha đẻ" của Táo quân VTV từng không ít lần chia sẻ trên báo chí về sự ra đời của chương trình này.

Khi còn công tác tại VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam), trong một lần đi trên đường, đạo diễn nhìn thấy băng rôn giới thiệu một chương trình hài có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ Nam - Bắc. Ông liền nảy ra một ý tưởng làm một chương trình hài dài hơi, phát sóng vào các dịp cuối tuần, mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả sau những ngày làm việc vất vả.

Sau đó, chương trình Gặp nhau cuối tuần ra đời, trở thành món ăn tinh thần được nhiều người chờ đón vào các ngày nghỉ. Khi Gặp nhau cuối tuần phát triển, các thành viên trong ê-kíp muốn làm một cái gì đó mang tính tổng kết cuối năm.

Ý tưởng làm Táo quân không xuất phát từ VFC mà từ Đài truyền hình TP.HCM. Theo đạo diễn Khải Hưng, khi ông và ê-kíp bắt tay vào thực hiện Gặp nhau cuối năm theo kiểu Táo quân, Đài truyền hình TP.HCM đã phát sóng chương trình này nhiều năm.

Táo quân đã phát sóng trên VTV được hơn 20 năm.
Táo quân đã phát sóng trên VTV được hơn 20 năm.

Năm 1980, đạo diễn Thế Ngữ viết kịch bản mang tên Ngọc Hoàng du lịch, nội dung xoay quanh việc Ngọc Hoàng xuống trần và gặp nhiều cảnh chướng tai gai mắt. Vở kịch được rất nhiều khán giả yêu thích.

Tết năm 1982, HTV đưa Táo quân thành chương trình phát trước giao thừa. Nội dung kịch là các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề nổi cộm trong đời sống một năm qua dưới hình thức sớ. Chương trình thu hút đông đảo người xem và trở thành món ăn không thể thiếu với khán giả HTV trước thời điểm giao thừa. Trong suốt 20 năm sau đó, vai Ngọc Hoàng luôn được giao cho nghệ sỹ Bảo Quốc.

Khi VFC làm Táo quân, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nêu ý tưởng không nhất thiết phải dựa theo câu chuyện hai ông một bà như truyện dân gian mà thay vào đó là bộ ba Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu và các Táo lên chầu.

Những tiết mục ấn tượng của "Táo quân" trong nhiều năm lên sóng.

Sau khi lên ý tưởng kịch bản, ê-kíp sản xuất Táo quân bắt đầu tìm kiếm diễn viên. Ban đầu, vai Ngọc Hoàng được giao cho nghệ sỹ Quốc Trượng. Những năm sau đó, vai diễn này được Quốc Khánh thể hiện rất thành công.

NSND Xuân Bắc gắn liền với vai Nam Tào, cùng với Bắc Đẩu (Công Lý) và Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) tạo thành bộ ba không thể thay thế trong Táo quân. Ít ai biết rằng, ban đầu anh muốn được đóng vai Thiên Lôi và sau này vẫn giữ mong muốn đó.

Trong chương trình Cuộc sống thường ngày, Xuân Bắc chia sẻ, đã có lúc anh vừa dọa dẫm vừa nịnh đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho mình thử sức ở vai diễn khác trong Táo quân, đặc biệt là vai Thiên Lôi. Tuy nhiên, mong ước này của Xuân Bắc chưa thành hiện thực.

NSND Xuân Bắc muốn đóng Thiên Lôi, còn NSND Công Lý là người đưa ra ý tưởng nhân vật Bắc Đẩu sẽ có tính cách
NSND Xuân Bắc muốn đóng Thiên Lôi, còn NSND Công Lý là người đưa ra ý tưởng nhân vật Bắc Đẩu sẽ có tính cách "ỏn à ỏn ẻn" như con gái.

Còn vai Bắc Đẩu ban đầu cũng không phải "nửa ông nửa bà" như hiện nay. NSND Công Lý chính là người đưa ra ý tưởng xây dựng nhân vật theo hướng đó để lấy tiếng cười của khán giả.

Chia sẻ trong chương trình Chào buổi sáng của VTV, Công Lý nói: "Trong số 'Gặp nhau cuối năm' đầu tiên, chúng tôi không có ý định xây dựng hình ảnh Nam Tào hay Bắc Đầu như thế này. Hồi đó chưa có cổ trang mà tất cả các nghệ sỹ vẫn mặc đồ bình thường. Tôi bàn với Xuân Bắc, tôi đầu trọc, trông đầu gấu, đeo kính đen, mặc comple nhưng lại ỏn à ỏn ẻn để lạ và khác đi, còn anh ấy trông thư sinh thì cứ đóng vai ăn to nói lớn, huỳnh huỵch cho tính cách hai nhân vật trái ngược nhau.

Từ đó trở đi, hai đạo diễn Khải Hưng và Đỗ Thanh Hải đã phát triển theo hướng này để cho nhân vật có màu sắc. Kịch bản vì thế cũng lái theo hướng đó".

Trải qua hơn 20 năm lên sóng, Táo quân đã thay đổi khá nhiều so với ban đầu. Có những năm, chương trình chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả. Tuy nhiên, nó vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu với rất nhiều người. 

Minh Hương
Bài liên quan
Hé lộ kịch bản Táo Quân 2025, không có Nam Tào - Bắc Đẩu?
Hình ảnh kịch bản Táo Quân 2025 gây xôn xao với bảng phân vai không có 2 nhân vật Nam Tào - Bắc Đẩu, NSND Xuân Bắc và NSND Công Lý cũng không tham gia chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất