Tổng Bí thư: Nguồn lực xã hội lớn lắm, phải huy động được sức dân

Ngọc Thành/VOV.VN | 17/05/2025, 21:02

VOVLIVE - Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển; đặc biệt phải huy động được nguồn lực xã hội, toàn bộ sức dân cho phát triển đất nước.

Chiều nay 17/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật pháp không phục vụ riêng cho nhóm nào

Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thể chế đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển; đồng thời thể chế pháp luật cũng được xác định rõ là động lực nền tảng cho phát triển. Do đó, mấy kỳ họp gần đây, cả thường kỳ và bất thường, Quốc hội đều tập trung vào công tác lập pháp, nhất là Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn.

Tuy nhiên, bước đầu mới nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định có vướng mắc trên thực tế, về lâu dài sẽ nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi căn bản, toàn diện.

Theo Tổng bí thư, trước đây, việc xây dựng pháp luật chỉ nghĩ đến quản lý xã hội, quản lý trật tự, quản lý hành vi… còn cái gì không quản được thì cấm. Trong khi đó, yêu cầu rất cao về huy động sức dân, quy định có tính mở đường, khuyến khích, có tầm nhìn cho phát triển để kiến tạo thì ít được để ý. Chính vì vậy, một trong những luật được đặt vấn đề sửa đầu tiên là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xử lý triệt để những chồng chéo, mâu thuẫn.

“Giờ sửa hết thì không có đủ thời gian trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”. Hàng ngũ chưa được thẳng nhưng vẫn phải chạy, vì để thẳng mới chạy thì người ta xa mình nhiều rồi” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trước hết, phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển; phải hình dung trước sự phát triển đòi hỏi thế nào để có quy định phù hợp.

Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển.

Cùng với đó thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và thực chất; gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, DN và toàn xã hội. Luật pháp không phục vụ riêng cho nhóm nào mà cho toàn dân, cho mọi đối tượng.

Các quy định phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin – cho; triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền, lợi ích nhóm.

Phải huy động được toàn bộ sức của dân

Góp ý trực tiếp vào các luật tại Kỳ họp thứ 9, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Quốc hội chủ yếu mới xem xét sửa một số điều để xử lý những vấn đề bức xúc, khó khăn, cản trở trên thực tiễn.

Như vấn đề quốc tịch, thì dòng máu Việt phải được tôn vinh, người có dòng máu Việt phải phải được xem xét có quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp họ từ bỏ, không thực hiện nghĩa vụ công dân mang quốc tịch Việt Nam.

Các quy định làm sao huy động được sức mạnh, tôn vinh được người đóng góp cho đất nước Việt Nam, trong đó có cả người nước ngoài. Người tâm huyết, tài năng, trách nhiệm với đất nước Việt Nam thì cần tôn vinh, thừa nhận. Nhiều nước, như Hoa Kỳ rất thành công khi chọn lọc nhân tài trên các lĩnh vực, thậm chí cả người giàu có đóng góp cho nước họ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, việc thực hiện các quy định hiện hành còn quá khó khăn, cần tháo gỡ. Nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay mà nhiều năm có tiền không tiêu được hết. Như mục tiêu của đấu thầu là để hiệu quả nhất, tốc độ nhanh nhất, chất lượng tốt nhưng xét ra lại nhiều “tội”, vì gây chậm tiến độ, chất lượng kém, không tiết kiệm, thậm chí mất cán bộ.

Rồi hợp tác công – công cũng khó khăn. Cùng tiền Nhà nước mà hai bên không hợp tác được với nhau. Hay công – tư, muốn phát triển phải huy động sức toàn dân mà muốn đóng góp vào có khi cũng không được… Những “bệnh” này trên thực tế nhiều lắm, do đó, các quy định phải làm sao khắc phục được.

Với DN tư nhân, đôi khi đối xử chưa công bằng. Họ có vốn, sức lực, tâm huyết nhưng khi muốn tham gia lại bảo thế này thế kia, nói thuộc hệ sinh thái gì đó… Như thế không phát huy được. Trong khi đó chính họ tiêu thụ nguồn lực rất lớn từ nước ngoài, nhất là đầu tư gián tiếp, qua các quỹ, với số vốn vài chục nghìn tỷ đô la, còn FDI chỉ mới chỉ mấy chục tỷ đô la.

Nguồn lực vô cùng lớn nhưng chưa huy động, kêu gọi được thành ra gây nhiều bức xúc, nên phải nghiên cứu sửa ngay một số điều để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn; để giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh, hợp tác công, tư rành mạch.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thông tin, bên cạnh các nghị quyết rất quan trọng vừa qua như về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; về phát triển kinh tế tư nhân;  thể chế pháp luật; hội nhập quốc tế thì sắp tới sẽ có thêm 2 nghị quyết rất quan trọng về giáo dục - đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Đấu thầu để ngăn chặn tiêu cực nhưng thực chất ngăn chặn được không? Hay là thông thầu, bán thầu hết rồi? Ông thầu rất to nhưng ra làm đường có thấy ông làm đâu, bán đến F9, F10 rồi. Đó có phải mục tiêu đấu thầu đâu! Tại sao không lên án, tố cáo, chỉ ra? Như mình làm nhà, chọn ông kiến trúc sư giỏi, ông xây dựng giỏi rồi hết bao tiền thì trả. Công trình nhà nước cũng phải như nhà mình. Còn không tin ông thì tôi quản lý ông bằng cách khác”, – Tổng Bí thư nói.

Liên quan quy định về các tổ chức tín dụng, Tổng Bí thư lưu ý phải làm sao thực sự phục vụ sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn lực xã hội. Bởi, nguồn lực xã hội lớn lắm, làm sao để người dân đóng góp vào kiến thiết đất nước mà vẫn hưởng được quyền lợi xứng đáng. Quy định phải huy động được toàn bộ sức của dân, không để tiền nhàn rỗi.

Một vấn đề nữa là việc tiếp cận tín dụng còn khó, “tín dụng đỏ” không phát triển thì “tín dụng đen” lại có cơ hội. Dân cần vốn mà tiếp cận ngân hàng lại khó khăn, thủ tục này kia thì nhiều người vay “tín dụng đen” cho nhanh, rồi sinh câu chuyện lãi cao, bóc lột. Do đó, hệ thống tín dụng phải thực sự huy động vốn của dân, phục vụ DN đưa vào sản xuất kinh doanh.

Tổng Bí thư cũng lưu ý hệ thống tín dụng phải bảo đảm quyền lợi của dân. Bởi tiền dân gửi là hợp pháp, còn tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép, xét duyệt điều lệ, kiểm soát.

Bài liên quan
Nới lỏng điều kiện nhập quốc tịch và trở lại quốc tịch Việt Nam
VOVLIVE - Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung nhiều quy định liên quan nhập quốc tịch Việt Nam và trở lại quốc tịch Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra
VOVLIVE - Chiều 16/5/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Thủ tướng Thái Lan, Lãnh đạo Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Paetongtarn Shinawatra đang thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam – Thái Lan.
  • Bác Hồ mãi trong tim quân dân đảo Trường Sa
    VOVLIVE - Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nằm ở vị trí trung tâm, gần đường băng, không gian thoáng đãng, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và các đoàn khách đến thăm đảo.
  • Toàn cảnh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan
    VOVLIVE - Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra có chuyến thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam - Thái Lan từ ngày 15-16/5 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
  • Đa kênh, đa áp lực: Làm sao để thương hiệu của bạn vẫn nổi bật ?
    VOVLIVE - Mỗi điểm chạm với thương hiệu trong hành trình mua sắm đều giữ vai trò then chốt trong việc ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Vì vậy, việc xây dựng một chiến lược Marketing đa kênh là điều cần thiết để doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu.
Mới nhất