Ông Trump thu về 2000 tỷ USD cho Mỹ sau chuyến công du Vùng Vịnh

17/05/2025, 15:32

VOVLIVE - Chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump tới 3 quốc gia Vùng Vịnh không chỉ thu về hơn 2000 tỷ USD đầu tư, mà còn định hình lại vai trò công nghệ chiến lược của khu vực trong kỷ nguyên hậu dầu mỏ.

Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được hàng loạt cam kết đầu tư trị giá hơn 2.000 tỷ USD từ các quốc gia vùng Vịnh.

Các thỏa thuận này không đơn thuần là trao đổi kinh tế mà phản ánh sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ, vừa nhằm thu hút nguồn vốn từ các nền kinh tế dầu mỏ, vừa tái định hình bản đồ công nghệ toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.

Chuyển từ dầu mỏ sang công nghệ cao và các thỏa thuận AI

Mức cam kết đầu tư vượt xa dự đoán ban đầu: UAE công bố kế hoạch đầu tư 1.400 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, Saudi Arabia cam kết 600 tỷ USD trong 4 năm, còn Qatar bổ sung thêm 200 tỷ USD. Các khoản đầu tư này tập trung vào hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, năng lượng và quốc phòng - những lĩnh vực được xem là trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu hậu dầu mỏ.

Chuyến đi không chỉ mang dấu ấn ngoại giao mà còn là một cuộc chuyển giao công nghệ quy mô lớn. Hàng loạt tập đoàn công nghệ Mỹ như Nvidia, AMD, Qualcomm, Cisco, Alphabet, Oracle và Salesforce tham gia chuyến đi cùng Tổng thống Trump tới Vùng Vịnh, cũng khẳng định tầm vóc chiến lược của sự kiện. Đoàn tháp tùng ông Trump còn có đại diện của giới đầu tư và công nghệ như CEO OpenAI Sam Altman, tỷ phú Elon Musk và Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink.

Tâm điểm của chuỗi thỏa thuận là hợp tác AI giữa Nvidia và Humain – một startup được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia. Nvidia đã bắt đầu chuyển giao ngay 18.000 chip Blackwell (GB300), dòng chip mạnh nhất hiện nay của hãng.

AMD cũng đạt được thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với Humain, trong khi các công ty công nghệ khác công bố khoản đầu tư hợp tác trị giá 80 tỷ USD vào hạ tầng AI khu vực.

Tại UAE, thỏa thuận được cho là “viên ngọc quý” của chuyến công du cho phép quốc gia này nhập khẩu tới 500.000 chip AI tiên tiến từ Nvidia mỗi năm trong giai đoạn 2025-2027, với giá trị tiềm năng khoảng 15 tỷ USD. Khoảng 100.000 chip sẽ được chuyển tới công ty G42, đơn vị chủ lực của UAE trong lĩnh vực AI, phần còn lại sẽ phục vụ các trung tâm dữ liệu do các công ty Mỹ vận hành tại đây.

Một trong những thay đổi chính sách lớn được Tổng thống Trump công bố là việc đảo ngược “quy định kiểm soát khuếch tán AI” từng ngăn các nước vùng Vịnh tiếp cận các dòng chip mạnh nhất của Mỹ. Sự điều chỉnh này cho thấy Washington đang đặt cược vào chiến lược “kết thân bằng công nghệ”, trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt từ Huawei và Alibaba,  đang ngày càng gia tăng trong khu vực.

Trung Quốc trong những năm qua đã tận dụng không gian địa chính trị ở Trung Đông để mở rộng các nền tảng đám mây, cung cấp giải pháp “đo ni đóng giày” theo các yêu cầu an ninh và chủ quyền của nước sở tại. Để đối trọng, các công ty Mỹ như Amazon, Microsoft, Google và Oracle đã đẩy mạnh đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ khu vực.

Đầu tư ngược dòng: Vùng Vịnh rót vốn nghìn tỷ vào Mỹ

Ngoài việc tiếp nhận công nghệ, các quốc gia Vùng Vịnh cũng cam kết mạnh tay đầu tư vào cơ sở hạ tầng Mỹ. DataVolt – công ty thuộc Saudi Arabia – dự kiến đầu tư 20 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu AI và năng lượng sạch tại Mỹ. UAE cũng sẽ triển khai các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực bán dẫn, chế tạo và năng lượng trên đất Mỹ, như một phần của cam kết trị giá 1.400 tỷ USD.

Chuyến đi của Tổng thống Trump cũng mang về các thỏa thuận quốc phòng lớn. Saudi Arabia ký hợp đồng hợp tác quốc phòng trị giá kỷ lục 142 tỷ USD. Tại Qatar, quốc gia đặt căn cứ Al Udeid, căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, ông Trump đạt được hợp đồng mua 210 máy bay của Boeing trị giá 96 tỷ USD, đi kèm với khoản đầu tư 10 tỷ USD vào căn cứ này và các máy bay không người lái MQ-9.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump khiến giới quan sát bất ngờ khi tuyên bố dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt với Syria nhằm “tạo điều kiện cho họ có cơ hội phát triển”, đồng thời có cuộc gặp với Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa trong chuyến đi.

Ông Trump cũng thảo luận về khả năng khởi động đàm phán hạt nhân với Iran, và đề xuất đổi tên “Vịnh Ba Tư” thành “Vịnh Arab” – một động thái ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía Tehran.

Chuyến công du Vùng Vịnh của ông Trump không chỉ là màn phô diễn sức mạnh thương thuyết, mà còn là minh chứng cho xu hướng gắn kết giữa các nền kinh tế dầu mỏ với hệ sinh thái công nghệ phương Tây. Trong khi Mỹ muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược và công nghệ tại khu vực giàu tài nguyên, các quốc gia Vùng Vịnh cũng đang đa dạng hóa mô hình phát triển, tìm kiếm vai trò mới trong trật tự kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch.

Bài liên quan
Mỹ xây dựng kế hoạch đưa 1 triệu người Palestine sang Libya định cư
VOVLIVE - Chính quyền Trump đang lên kế hoạch đưa 1 triệu người Palestine từ Dải Gaza sang Libya định cư vĩnh viễn, theo thông tin từ NBC News.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra
VOVLIVE - Chiều 16/5/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Thủ tướng Thái Lan, Lãnh đạo Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Paetongtarn Shinawatra đang thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam – Thái Lan.
  • Bác Hồ mãi trong tim quân dân đảo Trường Sa
    VOVLIVE - Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nằm ở vị trí trung tâm, gần đường băng, không gian thoáng đãng, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và các đoàn khách đến thăm đảo.
  • Toàn cảnh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan
    VOVLIVE - Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra có chuyến thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam - Thái Lan từ ngày 15-16/5 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
  • Đa kênh, đa áp lực: Làm sao để thương hiệu của bạn vẫn nổi bật ?
    VOVLIVE - Mỗi điểm chạm với thương hiệu trong hành trình mua sắm đều giữ vai trò then chốt trong việc ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Vì vậy, việc xây dựng một chiến lược Marketing đa kênh là điều cần thiết để doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu.
Mới nhất