Thiếu trầm trọng nhân lực, một điều dưỡng 'gánh' 5 - 10 người bệnh/ca trực

Như Loan | 05/05/2025, 13:00

Mỗi ca trực, điều dưỡng Nguyễn Thị Thương chăm sóc 5 - 6 bệnh nhân nặng, lúc cao điểm 10 bệnh nhân, xoay vòng liên tục suốt 8 tiếng không ngơi nghỉ.

Công việc mỗi ngày của điều dưỡng Nguyễn Thị Thương (32 tuổi, quê Thái Bình) tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bắt đầu từ 7h sáng.

Sau khi hoàn thiện thủ tục giao ca với đồng nghiệp, chị cập nhật diễn biến bệnh từng bệnh nhân, tiếp đó thực hiện y lệnh, đo dấu hiệu sinh tồn, hút đờm, chăm sóc hô hấp, đặt ống ăn, thay băng, ngừa viêm loét.

Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chăm sóc người bệnh.
Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chăm sóc người bệnh.

Trung bình mỗi ca trực, chị Thương cùng lúc chăm sóc 5 - 6 bệnh nhân đều trong tình trạng nặng, cần hỗ trợ toàn diện. Lúc cao điểm, chị phải chăm sóc 8 - 10 người bệnh. “Chỉ riêng việc hút đờm, điều chỉnh tư thế, cho người bệnh ăn qua ống, theo dõi monitor cũng mất khá nhiều thời gian”, chị nói.

Ba tiếng một lần, chị lại kiểm tra lại toàn bộ mạch, nhiệt độ, huyết áp và chăm sóc hô hấp cho từng người. Trong khi ghi chép hồ sơ bệnh án, mắt chị vẫn không rời khỏi màn hình theo dõi, tai luôn lắng nghe tiếng máy móc để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường.

Cường độ làm việc cao, nhân lực mỏng, việc điều dưỡng phụ trách số lượng lớn bệnh nhân không phải là hiếm song tất cả đều phải sắp xếp linh hoạt. Mỗi ca trực, chị Thương cùng các đồng nghiệp đều phải tranh thủ thời gian ăn sau đó quay lại với công việc.

Chị Nguyễn Thị Thường, Điều dưỡng trưởng, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, từ khi thành lập đến nay, số giường bệnh của trung tâm tăng gấp ba lần, từ 19 lên đến 62 giường thực kê. Thế nhưng, lực lượng điều dưỡng - những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân 24/7 – lại không thể tăng theo kịp.

Hiện trung tâm có 66 điều dưỡng. Trong số này, thường xuyên có 5 - 6 người nghỉ thai sản, chỉ còn khoảng 60 người làm việc thực tế. Để duy trì hoạt động, khoa phải chia trực với 11 người/ca, tổng cộng 44 người làm trực tiếp. Số còn lại thực hiện các công việc hành chính.

Với tỷ lệ này, một điều dưỡng trung bình phải chăm sóc 5 - 6 bệnh nhân trong ca. Khối lượng công việc lớn, đặc biệt trong môi trường hồi sức – nơi người bệnh nguy kịch, cần theo dõi và can thiệp liên tục.

Theo chuẩn quốc tế, mỗi giường ICU cần ít nhất 2 điều dưỡng. Với quy mô hiện tại, Trung tâm cần khoảng 80–90 điều dưỡng. Tuy nhiên, thực tế đang thiếu khoảng 1/3 so với yêu cầu.

Không chỉ áp lực công việc, điều dưỡng ICU còn thường xuyên đối mặt với những ca bệnh có thể chuyển nặng hoặc có thể tử vong bất cứ lúc nào. Nhiều điều dưỡng rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí sang chấn tâm lý. Đời sống gia đình của họ cũng bị ảnh hưởng.

Hệ thống máy thể hiện các chỉ số sinh tồn của người bệnh.
Hệ thống máy thể hiện các chỉ số sinh tồn của người bệnh.

Theo chị Thường, dù bệnh viện đang trong giai đoạn phát triển và có tuyển dụng mới, nhưng bài toán thiếu nhân lực điều dưỡng vẫn chưa có lời giải. Một phần nguyên nhân đến từ việc xã hội chưa đánh giá đúng vai trò và vị trí của người điều dưỡng trong hệ thống y tế.

Khi sự hy sinh, vất vả không được ghi nhận đúng mức, điều dưỡng khó có thể gắn bó lâu dài. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút thế hệ trẻ theo học ngành điều dưỡng - nghề áp lực nhưng chưa thực sự được tôn vinh như những gì họ đang đóng góp.

Nữ điều dưỡng trưởng đề xuất, để đảm bảo chất lượng chăm sóc bệnh nhân trong mọi khung giờ, cần bổ sung thêm nhân lực điều dưỡng. Bên cạnh đó, ngành y tế nói chung cũng như bệnh viện nói riêng cần xem xét bổ sung nhóm hỗ trợ chăm sóc – lực lượng dưới cấp điều dưỡng, chuyên đảm nhận một phần công việc chăm sóc cơ bản, giúp điều dưỡng tập trung vào các nhiệm vụ chuyên môn.

Theo ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nước ta là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á. Theo quy luật, tuổi càng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Vì thế, nhu cầu lực lượng điều dưỡng rất lớn.

Để thu hút được lực lượng điều dưỡng, các bệnh viện phải đổi mới, đổi mới từ giá viện phí đến các chi phí cấu thành, phải tính giá trong đó, bao gồm cả dịch vụ chăm sóc cũng phải tính đúng tính đủ để có thể trả lương cho điều dưỡng tốt hơn.

Năm 2024, tỷ lệ điều dưỡng tại Việt Nam chỉ đạt 18/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu, bằng 1/8 các quốc gia phát triển.

Dự báo của Bộ Y tế cũng cho thấy, từ năm 2021 - 2030, cả nước cần bổ sung khoảng 173.400 bác sĩ và 313.900 điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Như Loan
Bài liên quan
Liên tiếp bác sĩ bị hành hung, Bộ Y tế yêu cầu lắp camera các khu vực trọng điểm
VOVLIVE - Để chủ động xử lý tình huống, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện lắp hệ thống camera giám sát tại khu vực trọng điểm như khoa khám bệnh, cấp cứu, hành lang, phòng trực.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Chúng tôi sẽ tuyên chiến với tội phạm sản xuất hàng giả
VOVLIVE - Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Chúng tôi rất chia sẻ với bà con và phải kiên quyết chống lại hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng tôi sẽ tuyên chiến với các loại tội phạm này".
  • Thanh tra NHNN phát hiện nhiều sai phạm tại 3 chi nhánh Vietcombank
    VOVLIVE - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Khu vực 12 mới đây đã công bố kết luận thanh tra tại ba chi nhánh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) gồm: Bình Dương, Vũng Tàu và Tây Ninh.
  • Những thách thức khi triển khai chính quyền 2 cấp
    VOVLIVE - Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tác động tích cực đến việc tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ phát triển bền vững... Tuy nhiên khi triển khai cũng đối mặt nhiều thách thức.
  • VOVLive Đọc Truyện chính thức đạt Nút Vàng YouTube với 1 triệu người đăng ký
    VOVLIVE- Hôm nay (3/7/2025), kênh VOVLive Đọc Truyện của Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức đạt cột mốc ấn tượng: 1 triệu lượt đăng ký trên YouTube, vinh dự nhận Nút Vàng từ nền tảng này. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự lan tỏa mạnh mẽ của những giá trị văn hóa, tri thức mà Đài Tiếng nói Việt Nam kiên trì gìn giữ và phát triển suốt nhiều thập kỷ.
Mới nhất