Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bé L.T.M., 7 tuổi, trú tại Hà Giang trong tình trạng co giật toàn thân, môi tím tái, suy hô hấp cấp.
Trước đó một tuần, trong lúc chơi đá bóng, bé bị một thanh gỗ mục đâm vào mu bàn chân trái. Gia đình chỉ sơ cứu tại chỗ, không đưa bé đi tiêm huyết thanh phòng uốn ván và cũng không phát hiện dị vật còn sót lại. Ba ngày sau, vết thương khô mặt, chỉ hơi tấy đỏ nhẹ nên gia đình chủ quan, không xử lý thêm.
Đến ngày thứ sáu sau tai nạn, bé bắt đầu mệt mỏi, đau mỏi cơ toàn thân, ăn uống kém. Sáng hôm sau, tình trạng trở nặng với biểu hiện cứng hàm, co giật toàn thân, bé được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán uốn ván toàn thể, đường xâm nhập là vết thương ở bàn chân.

Khi nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng, nước tiểu đỏ như máu, co giật liên tục. Các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ thở máy, làm sạch vết thương và lấy ra một mảnh gỗ dài 1 cm còn găm sâu trong bàn chân.
Bác sĩ Hà Việt Huy, Trung tâm Hồi sức tích cực, cho biết bệnh diễn tiến nhanh với thời gian ủ bệnh ngắn, triệu chứng khởi phát ồ ạt, nguy cơ tử vong rất cao. Bé đã được chuyển sang điều trị tích cực ngay sau đó.
Theo bác sĩ Huy, uốn ván hiện hiếm gặp ở trẻ do hầu hết đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, nếu không tiêm nhắc đúng lịch hoặc xử lý vết thương không đúng cách, vi khuẩn uốn ván vẫn có thể xâm nhập.
"Nha bào uốn ván có thể đi vào cơ thể qua bất kỳ vết thương nào, kể cả rất nhỏ như gai đâm, xước da, dập móng...Một số trường hợp không phát hiện được đường xâm nhập do vết thương đã khô hoặc kín, trong khi bên trong còn tổ chức hoại tử hoặc dị vật," bác sĩ cảnh báo.
Ông nhấn mạnh, uốn ván là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vaccine và xử trí vết thương đúng cách. "Tiêm phòng đúng lịch là biện pháp đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém nhất để bảo vệ sức khỏe”, ông Huy nói.