Sốt xuất huyết gia tăng, có người bị sốc dẫn đến suy đa tạng

Kim Dung-CTV Ngọc Anh/VOV-TP.HCM | 19/11/2024, 17:20

Thời điểm này, bệnh viện nhi và khoa nhi tại các bệnh viện ở TP.HCM ghi nhận sự gia tăng số trẻ nhập viện mắc sốt xuất huyết. Trong đó, nhiều trẻ rơi vào sốc sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, có ca phải lọc máu.

Suy đa tạng vì sốt xuất huyết

Bệnh nhi N.H.K., 2 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, có nguy cơ tử vong cao và dương tính với sốt xuất huyết.

Các bác sĩ đánh giá trẻ bị sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan, tim, thận, viêm tuỵ và suy hô hấp. Bệnh nhi được thở máy, chống sốc, vận mạch, truyền nhiều chế phẩm máu.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhi còn được lọc máu liên tục. Ngoài tổn thương gan, bệnh nhi còn bị tổn thương tim, thận và viêm tuỵ cấp, dẫn đến tình trạng nôn mửa liên tục. Sau 42 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi K. đã hồi phục và được xuất viện.

Hai tháng gần đây, số trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận sự gia tăng đáng kể. Tháng 10 có 52 ca và trong 2 tuần đầu tháng 11 có hơn 80 ca.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, một tháng gần đây, trung bình mỗi ngày khoa Sốt xuất huyết tiếp nhận điều trị 5 ca mới, trước đó chỉ khoảng 2-3 ca/ngày.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, một số trường hợp nhập viện trễ, trong tình trạng đã có các biến chứng nặng như sốc sốt xuất huyết, suy đa cơ quan, đặc biệt là tổn thương gan.

“Nguyên nhân biến chứng thường do người dân chủ quan hoặc xuất phát từ việc chẩn đoán ban đầu chưa chính xác. Điều này có thể do các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như sốt siêu vi, viêm họng, sốt phát ban, tay chân miệng... Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt, đặc biệt từ ngày thứ hai trở đi, phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám để được phát hiện kịp thời”, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn nói.

Cẩn trọng chăm sóc tại nhà

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, trong tháng 10 ghi nhận 397 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, cao nhất trong 10 tháng đầu năm. Đến nay, mới nửa đầu tháng 11, số ca điều trị nội trú đã lên tới 236 ca. Các bác sĩ dự đoán số ca bệnh có thể tiếp tục tăng trong hai tuần tới.

Riêng tại khoa Nhi A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tuần này đã ghi nhận 9 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tiếp nhận trước đó và 3 ca sốt xuất huyết mới, vừa nhập viện vài ngày. Đồng thời, Khoa Cấp cứu – hồi sức tích cực – chống độc trẻ em cũng tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết trở nặng trong vài tháng gần đây.

Người nhà bệnh nhi Minh Khôi, 7 tuổi (ngụ TP Thủ Đức) mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Khoa Cấp cứu – hồi sức tích cực – chống độc trẻ em - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, trước khi nhập viện 4 đến 5 ngày, em có dấu hiệu sốt, ói mửa và đau bụng.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ nhận thấy huyết áp của trẻ quá thấp, cộng thêm kết quả không khả quan sau khi chẩn đoán chuyên sâu, bé được chuyển vào khoa hồi sức. Tình trạng sốc sốt xuất huyết diễn ra sau đó khi miễn dịch của bé thay đổi. Nếu không được chữa trị kịp thời, hệ lụy kéo theo rất nặng nề. 

“Bé đi học về rồi bị sốt, nhập viện tối chủ nhật, Bữa nay bé cũng khỏe nhiều rồi, chỉ còn bị nóng. Bữa trước đi xét nghiệm thì biết là bị sốt xuất huyết rồi đưa vào đây. Bé đau họng, sốt. Bác sĩ nói là bé chuyển biến tốt, bữa nay bé ăn được, ngủ được”, chị Lê Thị Hồng Thuý, dì ruột của bé Minh Khôi kể lại.

 Thống kê mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm đến ngày 10/11, toàn thành phố có 11.265 ca mắc sốt xuất huyết. Trong tuần qua ghi nhận 582 ca, có giảm so với 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc cao là Quận 1, thành phố Thủ Đức và Quận 7.

Theo TS.BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu – hồi sức tích cực – chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, dù gần cuối mùa mưa nhưng tình hình muỗi và lăng quăng vẫn còn nhiều, nên nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao. Không chỉ trẻ em, người lớn cũng cần cẩn trọng với sốt xuất huyết, nhất là trong những tháng cuối năm. 

Theo bác sĩ Quý, gia đình cần lưu ý các dấu hiệu của trẻ để kịp thời phát hiện nếu trẻ mắc sốt xuất huyết. Khi bệnh trở nặng, các dấu hiệu thường thấy là sốt cao, bứt rứt, vật vã, huyết áp cao và xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể.

“Đối với những trẻ sốt 3, 4 ngày liên tục thì người dân cần phải lưu ý bệnh sốt xuất huyết. Khi trẻ có tình trạng sốt liên tục 1 - 2 ngày cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ có thể đánh giá, thăm khám, hướng dẫn người nhà những dấu hiệu nặng, có thể cho nhập viện hoặc cho điều trị tại nhà”, TS.BS Phan Tứ Quý lưu ý.

Ngoài các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, quan trọng là tìm diệt lăng quăng, ngủ mùng/màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày…, người dân có thể tiêm vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết.

Bài liên quan
Bệnh viện Nhi Hà Nội phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 7 tuổi gãy xương đùi
Bệnh viện Nhi Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 7 tuổi bị gãy xương đùi, bằng kỹ thuật đóng đinh nội tủy trên màn hình tăng sáng C-arm. Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, hiệu quả, giúp bệnh nhân có thể vận động và phục hồi sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy làm công tác dân vận
VOVLIVE - Chiều nay (18/11), tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Dân vận Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng đến nay và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến Đại hội 14 của Đảng.
Mới nhất