Phát động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2022

Vân Anh/VOV.VN | 22/03/2022, 17:03

Sự kiện mong muốn truyền cảm hứng, động lực đổi mới sáng tạo tới từng người dân theo những định hướng từ Thủ tướng Chính phủ, thể hiện khát khao lớn lao về một tương lai tốt đẹp và văn minh.

Phát triển mạng lưới kết nối trí thức kiều bào

Chiều 22/3, sự kiện Techfest Việt Nam năm thứ 8 chính thức được phát động dưới hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Phạm Hồng Quất, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, từ năm 2016, Chính phủ đã lựa chọn là năm “Quốc gia khởi nghiệp” cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cho vấn đề khởi nghiệp. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành cơ chế pháp lý, chính sách, những đề án cụ thể hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Từ đó đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã từng bước được hình thành, củng cố và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng đáng ghi nhận, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, nhân sự, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp..., cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt từ những doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp thành công đi trước để tiếp tục tăng tốc, bứt phá hơn nữa.

Theo ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu người ở nước ngoài, trong đó 10% là các chuyên gia, trí thức; Khoảng 50 Hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn.

“Đây là nguồn lực trí tuệ hết sức quý báu mà chúng ta có thể kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời cộng đồng này cũng là cầu nối để kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước với các nước phát triển. Bước đầu chúng ta đã khởi động được chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu với hơn 50 chuyên gia người Việt ở nước ngoài tham dự. Chúng ta cũng kết nối được mạng lưới trí thức kiều bào với 21 mạng lưới từ 15 quốc gia. Techfest 2022 lần này chúng tôi kỳ vọng sự kết nối sẽ đưa lên tầm sâu, cao hơn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”, ông Nam cho biết thêm.

Đặt ra bài toán thiết thực để đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện và sâu rộng tới mọi mặt của kinh tế, xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà trực tiếp là các doanh nghiệp, vì vậy đòi hỏi hơn bao giờ hết sự quyết tâm, đồng lòng và tập trung nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đại dịch còn hạn chế khả năng tiếp cận nguồn lực từ quốc tế, hạn chế sự tương tác, gặp gỡ, trao đổi kinh doanh... tuy nhiên cũng là động lực cho sự đổi mới, sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Ngay giữa tâm bão đại dịch năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã thu hút được số lượng vốn đầu tư cao nhất từ trước tới nay, hơn 1,5 tỷ USD. Đó là minh chứng rõ ràng nhất, chắc chắn nhất cho tiềm lực và năng lực của trí tuệ Việt Nam. Hơn bao giờ hết, động lực này cần được tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ để phát triển, để tạo lập làn sóng đổi mới sáng tạo mới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19", Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định. 

"Ngay lúc này, chúng tôi mong muốn rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan chính quyền hãy cùng vào cuộc, đặt ra những bài toán thiết thực để đồng hành với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của từng người dân, của từng doanh nghiệp, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Techfest 2021: Đổi mới sáng tạo cần bám sát chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, góp phần làm cho mọi người dân ấm no, hạnh phúc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh. 

Thích ứng với bối cảnh bình thường mới, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức và kết nối toàn cầu, Techfest Việt Nam 2022 là chuỗi các hoạt động trực tiếp kết hợp trực tuyến, ứng dụng những công nghệ tiên tiến như triển lãm ảo 2D và 3D, phòng họp thực tế ảo, ... cho các hoạt động hội thảo, hội nghị chuyên môn, cuộc thi, kết nối đầu tư, ... trên một nền tảng thống nhất.

Techfest Việt Nam 2022 hứa hẹn đem lại nhiều trải nghiệm mới, cơ hội mới cho người tham dự, cho dù là nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên hay các nhà sáng lập, nhóm nghiên cứu, dù ở Việt Nam hay trên thế giới./.

Bài liên quan
Nhà khoa học dùng ngân sách nghiên cứu thất bại sẽ được miễn trách nhiệm dân sự?
Một trong những điểm mới của Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) là miễn trách nhiệm dân sự cho các nhà khoa học khi nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước nhưng không đạt kết quả như mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất