Tổ thu gom rác thải ở tỉnh Lào Cai là mô hình làm tốt việc xử lý rác thải tại vùng nông thôn, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, công việc của các thành viên phải chịu nhiều áp lực, cường độ làm việc cao, thu nhập lại quá ít ỏi.
Anh Tráng A Dùng và anh Vàng Seo Dũng có 3 năm là thành viên của tổ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn tại thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Dù nắng hay mưa, 2 anh vẫn cặm cụi với công việc của mình, thu nhập chỉ vẻn vẹn 2,7 triệu đồng/tháng.
Công việc hàng ngày của các thành viên là thu gom rác tại tất cả các tổ dân phố trong thị trấn Nông trường Phong Hải, dọc tuyến Quốc lộ 70, và thôn 2 tỉnh lộ 157, rồi chuyển đến bãi rác tập trung tại thôn Làng My, xã Xuân Quang. Quãng đường xe cả đi và về hơn 60 km, mỗi tuần tổ công tác phải vận chuyển hàng chục chuyến như vậy.
"Quá trình thu gom, chúng tôi cũng chủ động phân loại, nhặt vỏ chai lọ nhựa riêng ra để bán, thu nhập thêm mỗi chuyến cũng được từ 30.000 đến 50.000. Nghề này vất vả, thu nhập cũng không cao, muốn nghỉ lắm rồi những chưa kiếm được việc làm phù hợp", anh Vàng Seo Dũng nói.
Tổng số tiền thị trấn chi trả cho tổ thu gom rác là 14 triệu đồng mỗi tháng. Công việc vất vả, độc hại, thu nhập thấp khiến nhiều người chỉ làm một thời gian ngắn rồi lại xin nghỉ. Ông Lê Văn Quân, Tổ trưởng Tổ thu gom vận chuyển rác thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, cho biết: "Khoản tiền 14 triệu chia cho 12 chuyến, trong đó, trừ các chi phí mất 270.000 tiền công cho hai lao động, mất 400.000 tiền dầu, đi hơn 60 km, tổ trưởng như tôi (một người và một xe) cũng chỉ được hơn 400.000, rất là thấp, chạy cả buổi sáng không có ngày nghỉ".
Cũng giống như thị trấn Nông trường Phong Hải, xã Xuân Quang hiện có hai tổ thu gom rác thải hoạt động từ năm 2010 đến nay. Các thành viên trong tổ làm việc trong điều kiện vất vả, ô nhiễm, độc hại nhưng thu nhập còn quá thấp. Theo thỏa thuận, trước đây thu phí môi trường là 7 nghìn đồng/khẩu. Do không đảm bảo kinh phí hoạt động, nên bà con đã đồng ý tăng thêm 10 nghìn/khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù vùng nông thôn miền núi các hộ gia đình sinh sống cách xa nhau, phạm vi vận chuyển thu gom rác thải vì thế cũng rộng hơn, vất vả hơn, kéo theo chi phí phát sinh tăng, dẫn đến thu nhập cho người lao động ở tổ thu gom vẫn còn thấp.
Hiện, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình ở huyện Bảo Thắng mới chỉ thực hiện được ở trung tâm các xã, thị trấn. Mức đóng góp mỗi khẩu không quá 10.000 đồng/tháng. Phần thiếu hụt còn lại do chính quyền địa phương chi trả, hỗ trợ thêm cho tổ thu gom, vận chuyển rác. Trên thực tế, ngân sách tại các xã cũng rất hạn hẹp, nên nhiều nơi không thể duy trì được việc hỗ trợ này.
Tại huyện Bảo Thắng, từ hoạt động hiệu quả của các tổ thu gom, xử lý rác thải ước tính có trên 80% lượng rác thải trên địa bàn được thu gom về khu vực xử lý. Ông Phùng Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, kiến nghị: "Để xử lý môi trường được hiệu quả, đạt kết quả cao hơn nữa thời gian tới, cũng đề suất kiến nghị một số nội dung, trước hết các cấp, các ngành nghiên cứu có phương án giải pháp hỗ trợ kinh phí cho tổ thu gom rác để họ có đủ nguồn thu, để họ quyết tâm thực hiện tốt việc thu gom rác thải".
Hoạt động tích cực của các tổ thu gom rác ở huyện Bảo Thắng đã giúp cho môi trường nông thôn thêm sạch đẹp, từ đó góp phần thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, để bớt đi khó khăn, cũng như đảm bảo thu nhập cho những người thu gom rác, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền các cấp cũng rất cần sự sẻ chia, hỗ trợ từ chính cộng đồng./.