
Phóng viên Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc cho biết: Xã Đông Cuông (thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũ), với địa hình dốc, nhiều khe suối, đang được cảnh báo sạt lở ở cấp độ 4 - mức báo động “đỏ”. Chiều 21/7, chính quyền địa phương đã phải di dời khẩn cấp 24 hộ dân ra khỏi 17 điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Tại thôn Khe Rồng, sau nhiều lần mưa lớn trước đó, một cung trượt dài hơn 35 mét, rộng gần 1 mét đã xuất hiện ngay phía sau khu dân cư, đe dọa đổ sụp bất cứ lúc nào. Nhằm đảm bảo an toàn, chính quyền xã đã vận động các hộ dân tạm thời rời khỏi nơi ở, đến trú tạm tại các nhà văn hóa, trường học và nhà người thân.

Bà Lý Thị Thu - một trong những hộ dân vừa được di dời đến nhà văn hóa thôn chia sẻ: “Đằng sau nhà chúng tôi có vết nứt, rất nguy hiểm nên lãnh đạo xã vào vận động di chuyển đến nơi ở tạm cho đảm bảo an toàn”.

Trước tình huống cấp bách, xã Đông Cuông đã ban hành công văn hỏa tốc số 57, yêu cầu hoàn thành việc di dời các hộ dân trước khi bão đổ bộ.

Ông Trần Thống Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông, tỉnh Lào Cai cho biết, phương châm “bốn tại chỗ” đã được kích hoạt ngay; lực lượng dân quân, công an, cán bộ xã, đoàn thể... được huy động tối đa, hỗ trợ thu dọn tài sản, di chuyển toàn bộ 24 hộ dân đến nơi an toàn.
“Ngay khi nắm được thông tin cơn bão số 3 đang hình thành, chúng tôi đã có chỉ đạo ngay. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai đã huy động đội xung kích của các thôn chuẩn bị phương án, đồng thời thành lập 4 tổ đi các thôn để rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, đề ra phương án để ứng phó. Chúng tôi tổ chức vận động di dời các hộ dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn như ở nhà người thân, các nhà văn hóa và các điểm trường”.

Ngoài Đông Cuông, tại xã Châu Quế - khu vực thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũ, gần 100 hộ dân khác cũng đã được hỗ trợ di dời khỏi vùng nguy hiểm.

Phóng viên Công Luận/VOV-Đông Bắc thông tin: Do ảnh hưởng của bão số 3, một số khu vực thuộc tỉnh Lào Cai đã xuất hiện mưa nhỏ, gió nhẹ. Công tác ứng phó với bão đã và đang được chính quyền và người dân tích cực triển khai một cách đồng bộ, nhằm đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tuyệt đối về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão gây ra.
Trước nguy cơ mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, hàng chục hộ dân tại các xã phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên (trước đây thuộc tỉnh Bắc Kạn) đã được di dời khẩn cấp.
Tại xã Thanh Mai, 7 hộ dân thuộc thôn Khau Tổng và Khau Ràng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đã được chính quyền địa phương phối hợp lực lượng quân đội, Công an xã và dân quân hỗ trợ di dời đến nơi an toàn như Trạm Y tế xã, trường Mầm non, Nhà văn hóa thôn và nhà người thân.

Tại xã Cẩm Giàng, chính quyền đã hỗ trợ di dời 12 hộ dân ở thôn Nà Pò sau khi phát hiện khu vực phía sau nhà xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở cao nếu mưa tiếp diễn.
Ông Phùng Đình Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Giàng cho biết, địa phương đã phối hợp cùng các lực lượng hỗ trợ bà con di dời khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Còn tại thôn Cốc Tào, xã Nà Phặc, một số hộ dân cũng đã được di dời sau khi có hiện tượng trượt lở đất từ đồi cao phía sau nhà.
Theo thống kê, toàn khu vực 37 xã phía Bắc tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 540 điểm có nguy cơ cao xảy ra thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp tới trên 3.000 hộ dân. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, chủ động phương án sơ tán và hỗ trợ người dân khi thời tiết xấu diễn biến phức tạp.
Phóng viên Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên cho hay: Mưa kết hợp với gió lốc đã làm tốc mái nhiều nhà ở, nhà kính, nhà lưới, ngã đổ cây xanh ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.

Tính từ 20/7 đến sáng 22/7, toàn tỉnh ghi nhận có 24 xã, phường bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3. Trong đó, có 2 người bị thương, 76 căn nhà hư hỏng và tốc mái, gần 2ha hoa màu, cây lâu năm bị hư hại nặng, gần 3ha nhà lưới, nhà kính tốc mái. Mưa gió cũng khiến 18 cột điện bị gãy đổ, hư hỏng 4 phương tiện ô tô, xe máy, nhiều xây xanh đô thị bị ngã, gãy.
Ngay khi có thiệt hại xảy ra, các ngành, các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời chỉ đạo, kiểm tra và nhanh chóng xử lý các sự cố, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Hiện, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang tích cực được triển khai.