Nở rộ xu hướng học nghề sửa chữa ô tô ở giới trẻ miền núi Yên Bái

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc | 21/06/2024, 10:01

Cùng với xu thế phát triển liên tục của công nghệ ô tô và bối cảnh “ô tô hóa” với tỷ lệ người sở hữu phương tiện gia tăng mạnh mẽ ở Yên Bái nói riêng và trên cả nước nói chung, làm việc trong lĩnh vực công nghệ ô tô đã trở thành sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Các trường có đào tạo ngành này trở thành địa chỉ thu hút đông đảo người học.

Với sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống cũng như nhu cầu của người dân về phương tiện đi lại ngày càng nâng cao, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tăng cường đầu tư vào ngành lắp ráp và sản xuất ô tô tại Việt Nam, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động với ngành nghề này gia tăng. Thêm vào đó, việc bảo trì, bảo dưỡng động cơ, các hệ thống tự động cho đến nghiên cứu, cải tiến công nghệ và cho ra đời dòng sản phẩm mới theo xu hướng của thị trường đòi hỏi vai trò quan trọng của các chuyên gia và kỹ sư công nghệ ô tô có trình độ cao. Điều này mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ đam mê lĩnh vực công nghệ ô tô.

Những năm gần đây, các trường cao đẳng nghề đã đón đầu xu hướng phát triển, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ đạt chuẩn quốc tế, một hướng đi tất yếu và Trường Cao đẳng nghề Yên Bái không nằm ngoài xu thế đó.

Thầy giáo Đỗ Ngọc Thịnh, Trưởng khoa Công nghệ ô tô và vận hành máy, Trường Cao đẳng nghề Yên Bái cho biết, hiện nay, trung bình mỗi năm, Khoa cung cấp khoảng 400 lao động trong lĩnh vực sửa chữa ô tô cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

"Số lượng mỗi một năm đều tăng lên so với năm trước. Đối với chương trình học thì theo xu hướng là các em học 30% lí thuyết và 70% thực hành, các em được học thực hành rất là nhiều", thầy Đỗ Ngọc Thịnh nói.

Theo chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề, sau khi tốt nghiệp, học viên nghề công nghệ ô tô của trường Cao đẳng nghề Yên Bái sẽ có kiến thức cơ bản về bảo dưỡng sửa chữa máy gầm điện, điều hòa ô tô, chẩn đoán kiểm định ô tô, kỹ thuật sơn… 

Thầy giáo Lê Hữu Ngọc, Khoa Công nghệ ô tô và vận hành máy cho biết: "Về học ở đây thì các em được sử dụng rất nhiều thiết bị hiện đại, mới; được tiếp cận với các công nghệ mới. Về ô tô thì luôn luôn thay đổi nên nhà trường cũng đầu tư cho giáo viên được cập nhật các kiến thức về các loại xe mới, từ đó nâng cao kiến thức, đào tạo cho các em cho phù hợp với thị trường".

Với ngành công nghệ ô tô, một học viên khi ra trường, nếu chỉ học và không thực hành thường phải mất ít nhất 3 năm mới thành thạo. Khi mới ra nghề, chủ ga-ra hoặc showroom chưa thể cho họ tiếp cận và sửa chữa ô tô của khách. Để giải quyết vấn đề này, các giảng viên của khoa công nghệ ô tô và vận hành máy thường khuyến khích học viên chú trọng vào việc thực hành cũng như tham gia nhiều hội thi kỹ năng, tay nghề để nâng cao chất lượng chuyên môn. Với hình thức vừa học vừa cọ xát thực tế đã giúp học viên rút ngắn được thời gian và có thể tham gia luôn vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.    

Cùng với đó, Trường Cao đẳng nghề Yên Bái cũng đã liên kết với một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực ô tô trên địa bàn tỉnh cũng như các công ty ở thành phố Hải Phòng, tỉnh Vĩnh Phúc trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học viên. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thiết bị kỹ thuật, nhân lực cho trường trong quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên thực tập, tuyển dụng những học viên có trình độ tay nghề cao… Nhờ vậy, khoảng 90% học viên được đào tạo nghề Công nghệ ô tô có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập mỗi tháng từ 7 triệu đồng trở lên. 

Em Đinh Xuân Tho và Phạm Đức Thuận, lớp Cao đẳng ô tô, Trường Cao đẳng nghề Yên Bái bày tỏ: "Em quyết định đến trường học để mai này ra trường có việc làm ổn định, lo cho cuộc sống. Ở đây em được các thầy cô hướng dẫn rất chu đáo, tận tình nên tay nghề lên cao hơn. Em thấy ngành này phù hợp với bản thân. Trường dạy nghề đang dạy nghề rất tốt cho em và các bạn. Thầy cô rất tận tâm chỉ dạy, máy móc thì hiện đại".

Theo số liệu thống kê, tỉnh Yên Bái có khoảng 25.000 xe ô tô các loại và con số này sẽ có xu hướng gia tăng ngày càng nhanh, nhu cầu sửa chữa và bảo dưỡng rất lớn, cơ hội đối với người học nghề vì thế ngày một mở rộng.

Thực tế, khi theo đuổi bất kỳ một ngành nghề nào, để đạt được thành công không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, đòi hỏi người học phải có sự quyết tâm cao, thái độ cầu thị cùng với sự nhẫn nại thì mới có thể thành tài. Tuy nhiên, dù là cơ hội hay thách thức thì sửa chữa ô tô cũng đã trở thành một ngành “hot” trong xã hội và việc học hành bài bản, không ngừng nâng cao tay nghề là điều mà bất cứ một bạn trẻ nào cũng cần phải có để đi tới thành công.

Bài liên quan
Yên Bái thí điểm học 5 ngày/tuần với học sinh cấp THCS
Từ học kỳ II, năm học 2024 - 2025, tỉnh Yên Bái triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, từ thứ 2 đến thứ 6 (nghỉ ngày thứ 7 và chủ nhật) đối với học sinh cấp THCS trên địa bàn toàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất