Hơn một tuần nay, các giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng, xã Cư Kbang, huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk luôn có mặt tại trường. Người tay khăn, tay xô, người tay chổi tổng vệ sinh trường lớp. Ai cũng phấn khởi vì trường được đầu tư xây dựng khang trang hơn, không còn nơm nớp lo cảnh tường bục, sân lầy mỗi mùa mưa đến.
Ông Lê Ngọc Quyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Cư Kbang là xã đặc biệt khó khăn, 95% học sinh là người dân tộc thiểu số. Những năm trước số học sinh tăng nhanh, trong khi trường lớp ngày càng xuống cấp. Mới đây, trường được huyện Ea Súp đầu tư dãy nhà 2 tầng với 10 phòng học, hệ thống tường rào, sân bê tông.
Ông Lê Ngọc Quyết phấn khởi, đây là động lực để ngôi trường ở vùng biên giới phấn đấu đạt chuẩn quốc gia: “Nhà trường rất vui mừng khi các phòng học đảm bảo học 2 buổi/ngày. Nhà trường phấn đấu hết năm 2024 sẽ đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1”.
Cũng trong niềm vui có thêm nhiều phòng học và trang thiết bị mới, ông Trần Quang Anh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp cho biết, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ dạy học theo chương trình Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
“Rất vui mừng được các cấp quan tâm xây dựng thêm 6 phòng học mới rất khang trang. Đến thời điểm này tất cả các phòng đã được đầu tư đầy đủ. Mỗi phòng có một ti vi kết nối với máy tính để phục vụ công tác giảng dạy. Về trang thiết bị các lớp tương đối đảm bảo phục vụ năm học mới”, ông Trần Quang Anh cho hay.
Với huyện vùng sâu Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, dẫu còn nhiều khó khăn, huyện đã cố gắng huy động mọi nguồn lực để sửa chữa trường lớp, mua sắm thiết bị phục vụ năm học mới.
Ông Y Thức Êban, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, thông tin: “UBND huyện đã chỉ đạo phòng giáo dục phối hợp với các địa phương với các đơn vị trường học tổng rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại tất cả trường học trên địa bàn huyện. Cái nào cần làm trước, cái nào cần làm sau, cân đối theo nguồn lực nếu đủ thì làm hết càng tốt, không đủ thì chúng tôi sắp xếp theo thứ tự ưu tiên”.
Tại huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Tự Do, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho hay, từ nhiều nguồn vốn, năm nay địa phương đã được đầu tư hơn 42 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị dạy học.
“Chúng tôi rà soát lại cơ sở vật chất để đảm bảo cho việc dạy và học. Ngoài ra, chuẩn bị các hoạt động để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo theo tiến độ và chỉ tiêu mà Huyện uỷ, UBND huyện đã đề ra”.
Năm học 2024-2025, với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu tất cả thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 93%, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trên 60%.