Niềm vui kết nối đôi bờ

Hà Khánh/VOV-TPHCM | 26/12/2023, 10:54

Năm 2023, TP.HCM đã một bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông. Nhiều dự án lớn đã được khởi động như dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, dự án nút giao Mỹ Thủy,..Đặc biệt, điểm nhấn của ngành giao thông TP.HCM chính là thi công trở lại nhiều dự án cầu cũng như khánh thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu, kết nối đôi bờ. Đây là niềm mong mỏi của bà con nhân dân.

Rút ngắn cả chục km nhờ một cây cầu

Những ngày cuối năm này, người dân hai phường: Long Phước và Long Bình của TP.Thủ Đức có thêm vui mới, vì đã xóa được cảnh “gần nhà xa ngõ”. Chỉ cách nhau một đoạn sông Tắc, nhưng muốn qua thăm nhau, người dân hai bên phải đi vòng đến cả chục cây số. Với việc đưa cầu Long Đại vào sử dụng trong ngày 16/12 vừa qua, bà con hai phường đã có thể qua lại dễ dàng.

Sống hơn nửa đời người, bà Nguyễn Thị Thu Vân (67 tuổi) cho biết: Cây cầu là ước mơ mấy chục năm nay của bao thế hệ nơi đây. Từ chỗ mơ có phà, có phà rồi thì mơ có cầu. Ước mơ ấy nay mới thành sự thật.

"Rất là mừng. Chúng tôi đợi mãi dự án xây cầu Long Đại cũng đã hoàn thiện. Lớp trước đã qua và lớp nhỏ kế tiếp rất là phấn khởi khi có chiếc cầu qua lại các phường và về TP rất gần", bà Nguyễn Thị Thu Vân nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, người có đến hơn 30 năm gắn bó với vai trò trưởng ấp rồi trưởng khu phố Long Đại cho biết, để đánh dấu kỷ niệm ngày lễ thông cầu, bà con khu phố đã góp tiền, mỗi hộ vài trăm ngàn để làm tiệc mừng.

Từ đây, bà con phường Long Phước như được “kéo lại gần với trung tâm hơn” khi từ chỗ mất cả chục km thì nay chỉ cần di chuyển khoảng 500m là đã vào phường Long Bình sầm uất để vào trung tâm TP.Thủ Đức.

Ông Sơn nói: "Cầu Long Đại là ước mơ của bà con, cho đến nay, qua hai chục năm chờ đợi, ước nguyện của bà con đã thành hiện thực. Chúng tôi đã gom góp, mỗi người mỗi ít, của ít lòng nhiều để cùng nhau mở tiệc ăn mừng cầu Long Đại hoàn thiện. Có cầu mới, việc di chuyển của bà con qua các phường và vào trung tâm TP tiện lợi hơn rất nhiều".

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, cầu Long Đại không chỉ là một cầu kỹ thuật ấn tượng mà còn là biểu tượng của “sự đoàn kết và tiến bộ”. Cây cầu không chỉ kết nối 2 bờ sông Tắc mà còn là sợi dây liên kết vững chắc, kết nối những tâm huyết, nỗ lực và cả sự hy sinh.

"Cầu Long Đại là câu chuyện về sự hợp tác, lòng tin và kiên trì. Đó là công lao của nhiều thế hệ, là thành quả của sự đoàn kết và tinh thần xây dựng TP Thủ Đức ngày càng hiện đại và đáng sống", ông Tùng nói.

Ngoài cầu Long Đại thì trong năm 2023, nhiều cây cầu khác trên địa bàn TP.Thủ Đức cũng đã được khởi động trở lại sau thời gian dài tạm ngưng vì vướng mặt bằng, như: Tăng Long, Nam Lý; một số dự án cầu khác như cầu Giồng Ông Tố, cầu Bà Dạt cũng được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác.

Nhìn rộng ra, năm 2023, TP.HCM đã đưa vào sử dụng rất nhiều dự án cầu khác, góp phần mang lại những thay đổi tích cực của địa phương. Đó là dự án cầu Long Kiểng (Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (Cần Giờ)…

Khi nút thắt mặt bằng được tháo gỡ

Còn nhớ, cầu Long Kiểng (nằm trên đường Lê Văn Lương nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức của huyện Nhà Bè) vốn là một cây cầu sắt ọp ẹp, chật hẹp… Cây cầu này từng bị sập, kéo theo cả xe tải và xe máy xuống vào đầu năm 2018. Đây là cây cầu huyết mạch trên đường Lê Văn Lương, từng được phê duyệt dự án từ năm 2001 nhưng phải đến tháng 8/2018, công trình mới được khởi công.

Tuy nhiên, vướng mắc về giải phóng mặt bằng khiến cho dự án kéo dài mãi đến tháng 9/2022 mới thi công trở lại và hoàn thành sau đúng 365 ngày sau đó, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, cầu Long Kiểng đưa vào hoạt động là món quà của ngành giao thông tặng cho nhân dân Nhà Bè và cũng là minh chứng cho lời hứa, cho sự quyết tâm của ngành giao thông, đó là: Đảm bảo tiến độ, công tác xây lắp để hoàn thành sớm hơn kế hoạch để phục vụ nhân dân.

Theo ông Phúc, nhiều dự án, đặc biệt là dự  án cầu vốn đã kéo dài nhiều năm nhưng đã được khởi động lại và đưa vào sử dụng chính là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ của người dân:

"Trên hết đó là sự đồng hành, đồng thuận, chia sẻ của bà con trong việc bàn giao mặt bằng để triển khai công tác thi công và hoàn thành dự án. Chúng ta có thể xem đây là tín hiệu vui của ngành giao thông. Và chúng tôi rất mong sẽ được tiếp tục nhận được mặt bằng để triển khai các công trình mà chúng ta đã phải chờ đợi mặt bằng rất lâu", ông Phúc chia sẻ.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng cho rằng, khâu giải phóng mặt bằng là đặc biệt quan trọng với dự án giao thông. Thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác này, từ đó giúp các dự án được chạy trở lại và nhiều công trình, nhất là các cầu đã được đưa vào phục vụ nhân dân như: Long Kiểng, Vàm Sát, Long Đại và thời gian tới sẽ là cầu Bưng, cầu ông Nhiêu, Nam Lý, Tăng Long…

"Đây cũng là những công trình có tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài và sau khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác thì người dân rất là vui và cũng tăng thêm được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân hơn trong công tác hỗ trợ cho chính quyền thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Chúng tôi nghĩ là nếu mà tinh thần triển khai như các dự án vừa rồi thì người dân cũng sẽ đồng thuận bàn giao sớm mặt bằng và một số công trình đang gấp rút về đích", ông Phan Công Bằng nói.

TP.HCM là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải khắp các địa phương. Do đó, việc có thêm nhiều cây cầu kết nối đôi bờ sẽ thêm thuận tiện cho người dân cho việc đi lại, giao thương và cũng góp phần giúp các địa phương có thêm cơ hội phát triển.

Bài liên quan
Bến xe, nhà ga đông đúc, giao thông cửa ngõ TPHCM căng thẳng ngày đầu nghỉ lễ
Hôm nay (27/4), ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, từ sáng đến chiều, tình hình lưu thông tại các nhà ga, bến xe, sân bay ở TP.HCM tuy đông hơn ngày thường nhưng khá ổn định. Trong khi đó, các cửa ngõ TP, nhất là cửa ngõ phía Đông, tình hình giao thông khá căng thẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất