Mùng 4 Tết, giá rau xanh giảm 30% sau 2 ngày tăng cao

13/02/2024, 12:22

Sau khi tăng gấp 2 - 3 lần vào ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, sáng nay 13/2 (4 Tết), giá rau xanh, thực phẩm bán tại một số chợ ở Hà Nội đã giảm 30 - 40%.

Mùng 2 và 3 Tết, giá một số loại rau tại một số chợ ở Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy như: Cải cúc, cải mơ, rau cần được bán 15.000 đồng/bó, su hào 12.000 - 15.000 đồng/củ, súp lơ xanh 20.000 đồng/cái.

Đến sáng nay 13/2 (mùng 4 Tết), giá các loại rau xanh đã giảm tới 30%, thậm chí 40% so với những ngày trước đó.

Cụ thể, cải cúc, cải mơ, rau cần được bán giảm xuống còn 8.000 - 10.000 đồng/bó, su hào 10.000 đồng/củ, súp lơ xanh 15.000 đồng/cái.

Giá ra xanh, thực phẩm đã giảm sau 2 ngày tăng cao. (Ảnh minh họa)

Giá ra xanh, thực phẩm đã giảm sau 2 ngày tăng cao. (Ảnh minh họa)

Lý giải về giá rau tăng cao trong 2 ngày Tết, chị Phạm Thị Nhâm, tiểu thương tại chợ Láng Hạ cho biết, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao sau ngày Tết, đồng thời tiểu thương còn ít kinh doanh rau nên giá tăng cao là điều bình thường mỗi dịp Tết.

“Ngày thường nhiều người mua nên mỗi bó rau chỉ lãi 500 - 700 đồng. Nhưng ngày Tết, khách mua rất vắng. Nếu không bán hết thì hôm sau chỉ đổ đi. Do đó, giá rau xanh tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Do thấy nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hôm nay nhiều tiểu thương đã kinh doanh trở lại, lượng hàng hóa cung ứng nhiều nên giá đã giảm mạnh”, chị Nhâm nói.

Không chỉ rau xanh giảm giá mạnh, một số thực phẩm khác cũng giảm giá từ 20 - 30% so với 2 ngày trước đó.

Cụ thể, giá cá trắm đen loại 7 - 10 kg/con giá 170.000 đồng/kg, sáng nay giảm xuống còn 140.000 đồng/kg; tôm loại 20 con/kg, giá 550.000 đồng/kg, đến sáng nay giảm xuống còn 450.000 đồng/kg.

Giá đậu phụ cũng giảm mạnh từ 10.000 đồng/bìa, cao gấp đôi ngày thường xuống còn 7.000 đồng/bìa.

Tuy nhiên, một số mặt hàng như thịt bò, thịt heo, giá không cao hơn so với trước Tết Nguyên đán.

Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tại các địa phương đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập hơn so với ngày mùng 2, 3 Tết.

Các cửa hàng, siêu thị đã mở, lượng hàng phong phú. (Ảnh minh hoạ)

Các cửa hàng, siêu thị đã mở, lượng hàng phong phú. (Ảnh minh hoạ)

“Sức mua cũng như nguồn hàng dồi dào hơn. Tại các địa phương có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập hơn. Hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết”, Vụ Thị trường trong nước nhận định.

Tại chợ truyền thống, ngoài hàng hoa quả, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống (thủy hải sản, thịt bò, các loại rau củ) phục vụ nhu cầu tiêu dùng đầu năm của người dân.

So với các ngày 28 - 30 Tết, giá các mặt hàng rau củ, hoa tươi tại chợ nhìn chung không tăng nhiều. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thủy sản chỉ tăng nhẹ và tương đối ổn định so với ngày mùng 2 Tết. Mặc dù nhu cầu bắt đầu tăng nhưng nguồn cung tương đối phong phú nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.

Theo Vụ Thị trường trong nước, nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.

"Dự báo trong ngày mùng 4 Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa bắt đầu mở thêm, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa tăng cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản", Vụ Thị trường trong nước nhận định.

Mặt hàng thực phẩm tươi sống, tại các siêu thị, giá thực phẩm ổn định. Tại một số chợ lẻ, giá cả tương đương so với ngày mùng 2 Tết và ngày cận Tết.

Giá thịt lợn phổ biến ở mức 120.000 - 150.000 đồng/kg; thịt lợn sấn, nạc vai, thăn, dao động 100.000 - 130.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP dao động từ: 150.000 - 180.000 đồng/kg; thịt bò thăn dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg.

Giá thủy sản vẫn giữ mức tương đương với thị trường ngày 29, 30 Tết; giá tôm lớt (loại 26 - 30 con/kg): 300.000 - 400.000 đồng/kg; cá trắm: 90.000 - 120.000 đồng/kg...

Mặt hàng thực phẩm, đồ uống, nước giải khát (ổn định). Cụ thể, đường bán lẻ ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg; dầu ăn: 40.000 - 45.000 đồng/lít, tương đương mức giá ngày thường; bia lon bia Heniken từ 450.000 - 480.000 đồng/thùng; Cocacola, Pepsi 190.000 - 210.000 đồng/thùng; bia lon Hà Nội giá 270.000 - 300.000 đồng/thùng.

Các loại rau củ như su hào, cà rốt, cà chua, rau gia vị, bắp cải, súp lơ… tăng nhẹ so với ngày cận Tết, tuy nhiên, giá tương đương so với ngày mùng 2 Tết.

Cụ thể, bắp cải: 12.000 - 15.000 đồng/kg, su hào: 5.000 - 7.000 đồng/củ, xà lách: 15.000 - 30.000 đồng/kg, cà chua: 14.000 - 20.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây: 20.000 - 30.000 đồng/kg, súp lơ: 15.000 - 17.000 đồng/cây...

Hoa, quả các loại, cam canh 50.000 - 70.000 đồng/kg, bưởi diễn 15.000 - 25.000 đ/quả; hoa cúc 5.000 - 7.000 đồng/cành, hoa hồng loại có cành lộc 10.000 - 12.000 đồng/cành, hoa ly và hoa thược dược 25.000 - 35.000 đồng/cành…

PHẠM DUY

Bài liên quan
Bộ Y tế cảnh báo các nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024
Cuối năm là thời điểm các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng… có thể được đưa ra ngoài thị trường nhiều hơn. Người dân cần lưu ý để tránh bị ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất