Đối với ngư dân miền Trung, các chiến sỹ cảnh sát biển là người bạn, là đồng chí đồng đội, là những người khi hoạn nạn, hiểm nguy luôn sẵn sàn có mặt để cứu giúp; là những người luôn đồng hành, sát cánh cùng ngư dân giữa bao thiên tai và cả “ nhân tai” thường xuyên diễn ra trên biển.
Thực hiện Nghị quyết 49 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận quân đội trong tình hình mới”, từ đầu năm 2017, Cảnh sát biển Việt Nam bắt đầu triển khai một số mô hình dân vận, trong đó có chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các địa phương có đảo xa đất liền. Cụ thể hoá chủ trương này, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, đóng chân trên địa bàn huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kết nghĩa với nhiều địa phương, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần giúp đảo gần bờ hơn, tạo điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Ngư dân miền Trung bao đời nay quen sống chung với thiên tai, mỗi năm trung bình có hơn 10 cơn bão đổ bộ và khoảng hàng chục tàu thuyền của ngư dân gặp nạn trên biển. Xuyên suốt nhiều năm qua, đã có hàng chục lượt tàu cảnh sát biển, hàng trăm cán bộ chiến sỹ đã không ngại hiểm nguy, gian khổ, băng qua đỉnh sóng mùa biển dữ để đến với ngư dân trong thời khắc khốn khó, sinh tử. Với họ, việc cứu dân, giúp dân, bảo vệ dân không chỉ là nhiệm vụ chiến đấu, mà còn là “mệnh lệnh trái tim” của người lính cụ Hồ. Đã có hàng trăm ngư dân miền Trung trở về từ cõi chết.
Mới đây nhất, ngày 11/9, bão số 5 đang hướng về miền Trung, tin báo về Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, tàu cá QNg-95058TS của ngư dân Dương Văn Thạch, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang trên đường về tránh bão số 5 thì bất ngờ bị phá nước, hỏng máy. Cùng lúc đó, tàu kéo số hiệu ĐNa-0494 và 13 thuyền viên, đang neo tránh trú ở vùng biển thôn Đông An Hải, huyện đảo Lý Sơn, bị lưới quấn chân vịt không hoạt động được. Sau khi nhận được thông tin, tàu Cảnh sát biển 8002, “con tàu trắng hộ mệnh” của ngư dân miền Trung nhận lệnh xuất phát, khẩn trương tiếp cận và ứng cứu. Nhớ lại thời khắc sinh tử, ông Nguyễn Dũng, thuyền trưởng tàu kéo số hiệu ĐNa-0494 cho biết, các ngư dân mặc áo phao đứng co ro dưới màn mưa nơi mũi tàu, nhìn thấy tàu Cảnh sát biển, họ như được trở về từ cõi chết.
Không dừng lại ở các hoạt động cứu hộ, cứu nạn ngư dân, từ năm 2017, từ khi Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam triển khai mô hình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thì sợi dây gắng bó giữa cảnh sát biển với ngư dân càng trở nên bền chặt. Đây là chương trình thiết thực mà ngư dân là trung tâm, với nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ngư dân phát triển bền vững kinh tế biển, làm điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương đầu tiên được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chọn triển khai mô hình “ Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”. Nhiều chương trình với sự tham gia của trên trên 1.000 người như: chương trình khám và cấp thuốc miễn phí; thăm và tặng quà các gia đình chính sách; tổ chức cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”; tặng cờ tổ quốc cho ngư dân... Những hoạt động này đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân huyện đảo Lý Sơn.
Trở lại Lý Sơn hôm nay, nhiều người dễ dàng nhận thấy sự “ thay da đổi thịt” của đảo tiền tiêu này, không chỉ là cơ sở vật chất và đời sống ngư dân đã được cải thiện đáng kể nhờ những chính sách của nhà nước…
Điểm đặc biệt của chương trình dân vận “ Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, đó là lấy ngư dân làm trung tâm. Không chỉ riêng lực lượng Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân mà nhiều cấp ủy, chính quyền các địa phương, cùng nhiều tổ chức và đông đảo người dân cả nước cùng hướng về ngư dân bằng những hành động ý nghĩa .
Ở vào tuổi xế chiều, thay vì dành thời gian để nghỉ ngơi Giáo sư Y khoa Đinh Thị Xuyến, TP. Hà Nội, lại dành trọn tâm huyết và tình yêu cho biển đảo… Bà cũng tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ phải hoàn thành trong phần đời còn lại đó là đi đến tất cả các đảo lớn nhỏ của Việt Nam, đồng thời đóng gióp những việc làm nhỏ bé nhưng ý nghĩa tại những nơi đặt chân đến. Cùng tham gia chương trình “ Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” bà Xuyến đã tận tay trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh là con em của ngư dân nghèo. “ Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều người Việt Nam muốn tham gia cùng Cảnh sát biển trong chương trình này. Điều này sẽ tạo nên sức mạnh, quân và dân không thể tách rời nhau. Muốn bảo vệ được tổ quốc thì quân và dân phải đoàn kết. Chúng ta sẽ luôn nuối giữ ý chí rằng đây là chủ quyền của Việt Nam và sẽ bằng tất cả những gì có thể bảo vệ điều đó”, bà Xuyến chia sẻ.
Một trong những hoạt động ý nghĩa của chương trình “ Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đó là tặng cờ tổ quốc. Những năm qua, Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cùng các tổ chức, cá nhân đã trao tặng hàng trăm ngàn lá cờ tổ quốc cho ngư dân miền Trung. Đồng hành cùng với Cảnh sát biển, rất nhiều người mẹ, người vợ tại các tỉnh miền Trung đã tình nguyện may cờ Tổ quốc để gửi tặng ngư dân. Gửi gắm qua từng đường kim, sợi chỉ đó là sự sẻ chia từ hậu phương đối với những người con quanh năm đối mặt với bao cơn sóng dữ ở Biển Đông. Đó còn là tinh thần dân tộc, là sự trao gửi niềm tin, tiếp lửa của những người mẹ, người vợ nơi đất liền đến những người con của biển.
Nếu một lần đặt chân đến những vùng biển của tổ quốc, chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay đầy kiêu hãnh trên các tàu cá vươn khơi, thì mỗi người chúng ta sẽ không khỏi tự hào… Với lá cờ tổ quốc tung bay trên đỉnh cột buồm thì những ngư dân đã hóa thân thành cột mốc chủ quyền bằng xương bằng thịt. Câu chuyện về chàng ngư dân trẻ tại huyện đảo Lý Sơn với tinh thần quả cảm đã không màn đến tính mạng để bảo vệ bằng được lá cờ Tổ quốc đã diễn ra hơn 8 năm, nhưng đối với ngư dân Bùi Văn Phải lại như mới hôm qua. Khi bị tàu nước ngoài bắn cháy trên vùng biển của Việt Nam, các ngư dân trên tàu bình tĩnh kêu gọi nhau múc nước biển dập lửa, Bùi Văn Phải vẫn không quên cuộn lá cờ vào ngực, bảo vệ cờ khỏi lửa táp. Bao trùm trong suy nghĩ của Phải là bằng mọi giá phải bảo vệ lá cờ giữa biển Hoàng Sa.
Trực tiếp gặp và trò chuyện với Bùi Văn Phải nhiều người đã bị lôi cuốn bởi tình yêu đối với biển cả, ý chí kiên cường, quyết tâm sống chết với nghề biển của ngư dân trẻ này. Lý Sơn, quê hương của đội Hùng binh Hoàng Sa Bắc Hải mà ngay từ thế kỷ 17 đã vươn khơi làm nhiệm vụ xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông… Đã nhiều thế kỷ trôi qua, nhưng ngọn lửa của tinh thần dân tộc vẫn cuộn trong huyết quản của những con cháu Đội Hùng Binh.
Tham gia chương trình “ Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Sáu Tâm, người từng giữ vai trò quan trọng trong Biệt động Sài Gòn, nhân vật Sáu Tâm được đông đảo khán giả biết đến do nghệ sỹ Thương Tín thủ vai trong bộ phim Biệt Động Sài Gòn. Sau khi về hưu ông là một người dành nhiều tâm huyết đối với biển đảo quê hương, vị tướng năm xưa không khỏi bất ngờ và xúc động khi được tận mắt chứng kiến những rừng cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên khắp các vùng biển của Tổ quốc.
“Những chiếc tàu ra khơi, lá cờ Tổ quốc tung bay như vậy làm tôi nhớ đến năm 1973, khi đồng chí Lê Đức Anh chỉ đạo tôi phải chiếm giữ những mảnh đất của mình và cắm những ngọn cờ Tổ quốc mình lên đó, những ngọn cờ ở đâu là Tổ quốc ta ở đó, quân giải phóng đang ở đó. Và hôm nay trên biển của ta, hải phận của chúng ta, cờ chúng ta tung bay thì ta đánh dấu hải phần chúng ta đang ở đó… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong thì ngày hôm nay, đất nước này không chỉ mỗi quân đội nhân dân giữ thôi đâu mà phải xây dựng thế trận lòng dân. Người dân họ đứng lên và giữ từng tấc đất, tất biển của họ.”
Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định: “Xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay thì việc xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo Thượng tướng Võ Tiến Trung, lịch sử dân tộc Việt Nam đã minh chứng rằng chỉ có nhân dân mới là người bảo vệ Tổ quốc tốt nhất. “ Biển của Việt Nam rộng lớn, chúng ta dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền trên biển, nhưng ai bảo vệ? Thì chỉ có nhân dân làm chủ biển, phát triển kinh tế và bảo vệ biển, cho nên vai trò của nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để cũng với Quân đội nhân dân Việt Nam và các lực lượng khác cùng bảo vệ biển đảo. Và Quân đội nhân dân Việt Nam vốn xuất thân từ nhân dân, vì nhân dân và dựa vào dân. Cho nên Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng phải đồng hành với ngư dân là đúng bản chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ,” Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết.
Cảnh sát biển Việt Nam cần tiếp tục khẳng định vai trò là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Và ngư dân ta cần phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiên cường, vừa lao động sản xuất vừa cùng cảnh sát biển và các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, hàng năm trung bình có đến hơn 100.000 tàu thuyền ra khơi đánh bắt… cũng có nghĩa là từng ấy lá cờ tổ quốc tung bay trên biển thể hiện sự kiêu hãnh, đồng lòng, vượt sóng vươn khơi. Mỗi một người con của biển, mỗi một tàu cá ra khơi với những lá cờ tổ quốc tung bay phất phới, họ không chỉ là ngư phủ mà còn là những cột mốc biên cương bằng xương bằng thịt để khẳng định chủ quyền của Việt Nam giữa Biển Đông./.
Tàu CSB 8004 lên đường thăm, giao lưu với Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc
Tàu Cảnh sát biển tìm thấy 1 thi thể ngư dân gặp nạn, mất tích trên biển
Cấm vận tải hành khách ra đảo Lý Sơn và đảo Cù Lao Chàm
Cảnh sát biển Việt Nam cứu nạn thành công 43 ngư dân gặp nạn trên biển