Lãng phí nhìn từ những công trình tiền tỷ: Ai chịu trách nhiệm?

Nhật Trường - Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL | 28/06/2022, 13:32

Để giải bài toán “lãng phí đầu tư công” trước tiên cần có quy hoạch phù hợp, xác định được những ưu tiên đầu tư, phải có chủ trương đầu tư đúng đắn, đầu tư kịp thời, đồng bộ và có tính liên kết.

Cùng loạt bài:

>Bài 1: Lãng phí từ những công trình tiền tỷ: Chợ bỏ không, khu dân cư hoang tàn
>Bài 2: Lãng phí từ những công trình tiền tỷ: Không chỉ “tiền mất” mà “tật còn mang mãi”

Cần xác định và xử lý được trách nhiệm

Trao đổi xung quanh vấn đề tồn tại nhiều công trình, dự án được đầu tư không/hoặc chưa hiệu quả trong vùng ĐBSCL, Luật sư Nguyễn Văn Giáp, Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang cho rằng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí quy định “lãng phí là sử dụng không hiệu quả, làm thất thoát nguồn vốn, thời gian, nhân lực, tài nguyên quốc gia...” trong đầu tư các công trình, dự án không hiệu quả thể hiện rõ việc làm thất thoát nguồn vốn. Tuy nhiên, rất khó để xác định trách nhiệm là của ai nên cũng rất khó xử lý. Không xử lý được thì không đảm bảo được tính răn đe.

“Lãng phí và tham nhũng cái nào cũng rất tai hại cho nhà nước. Tham nhũng hầu hết vào túi cá nhân, còn lãng phí ở tập thể thành ra đổ qua đổ lại, không ai chịu trách nhiệm. Nếu chỉ chống tham nhũng mà không chống lãng phí thì chỉ được một nửa. Thành ra không thể không xử lý, bây giờ phải quy trách nhiệm người quản lý tài sản công tới cỡ nào, rồi trọng trách như thế nào”, Luật sư Nguyễn Văn Giáp nêu ý kiến.

Ông Trần Hữu Hiệp, chuyên gia nghiên cứu độc lập về phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL cũng cho rằng, đang tồn tại tình trạng khó xử lý trách nhiệm của cá nhân trong việc đầu tư lãng phí. Điều này một phần đến từ quy định chưa chặt chẽ, một phần là việc thực hiện các quy định chưa đủ quyết liệt.

Theo ông Hiệp, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến lãng phí vốn nhà nước qua việc đầu tư các công trình, dự án là xác định chủ trương, ra quyết định đầu tư cho các công trình, dự án chưa thật sự cần thiết. Phải ngăn chặn ngay từ đầu việc cho chủ trương đầu tư, ra quyết định đầu tư các công trình không cần thiết. Để làm được việc này, cần có những quy định thật chặt chẽ. Phải quy được trách nhiệm cho người ra quyết định đầu tư, từ đó, mới có địa chỉ rõ ràng để xử lý.

“Việc thất thoát, lãng phí đầu tư công giống như căn bệnh kéo dài. Phải rà soát lại các quy định liên quan từ việc ra chủ trương đến quyết định đầu tư. Đặc biệt là những quy định về đấu thầu, xây dựng công trình và chọn lựa nhà đầu tư. Quy trách nhiệm như thế nào, quy định về cơ chế đối với tài sản công ra sao là những toa thuốc trị “căn bệnh” này. Đưa ra phác đồ điều trị là rất cần thiết nhưng chưa đủ, cái quan trọng nhất là trong quá trình điều trị phải thật sự kiên quyết”, ông Hiệp nói.

Ông Trần Hữu Hiệp phân tích thêm, trong giai đoạn được xem là thời kỳ phục hồi hậu Covid-19 hiện nay, Đảng, Nhà nước đang có nhiều chương trình, kế hoạch đầu tư để giúp kinh tế - xã hội phục hồi. Trong bối cảnh như vậy, nguồn vốn để tái thiết càng phải sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, trong điều kiện nhiều tỉnh vùng ĐBSCL chưa cân đối được thu chi, phải tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương thì phân bổ vốn phải thật sự minh bạch, tránh việc chạy dự án để được bố trí vốn rồi xây dựng những công trình chưa cần thiết.

Tránh “chia phần”, đầu tư theo ưu tiên

Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng nhìn nhận, có tồn tại lợi ích nhóm, tính cục bộ địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Có thể có nơi, có đơn vị bằng quan hệ ngoại giao của mình tốt hơn thu hút được nguồn vốn, lôi kéo được nhiều dự án. Trong đó, có các dự án chưa thật sự bức xúc, chưa thật sự cần thiết và vấn đề này cần được ngăn chặn để tránh lãng phí.

Ông Hận cho biết thêm, rất dễ để thấy được việc quy hoạch đã qua không đồng bộ, kế hoạch đầu tư công còn manh mún theo kiểu “mỗi chỗ một ít”. Như hệ thống thủy lợi của vùng ĐBSCL, đầu tư chỗ này chỗ kia thiếu, không liên kết được với nhau. Cần hạn chế đầu tư theo kiểu chia phần mà cần tập trung cho những công trình, dự án có tính chất liên kết các tỉnh trong vùng, và xa hơn là liên kết các vùng để tạo cú hích phát triển.

Trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, các tỉnh trong vùng ĐBSCL đa số đều khó khăn thì đầu tư công trong vùng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển, từ đó, cần huy động thêm nguồn vốn từ xã hội, tư nhân. Để thu hút được vốn tư nhân, phải xác định rõ và đầu tư được những công trình, dự án bức thiết, có tính chất là nền móng để thu hút đầu tư. Cần thiết nhất ở vùng ĐBSCL hiện nay là những công trình giao thông, nhưng đầu tư là phải phát huy được hiệu quả ngay. 

“Cần xác định được chiến lược của từng tỉnh, của khu vực ĐBSCL là gì, trọng tâm ở đâu từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư bài bản, quy hoạch chi tiết, chiến lược đầu tư đúng hướng và đồng bộ. Do nguồn lực có hạn nên cái nào thật sự cần thiết mới đầu tư, xây dựng xong phải phát huy được hiệu quả ngay. Còn, những công trình gây bức xúc, nhưng cần phải đầu tư đồng bộ mới phát huy được hiệu quả, chưa đủ điều kiện đầu tư 1 lần thì chậm lại, khi nào đủ nguồn lực làm 1 lượt mới phát huy tác dụng”, ông Nguyễn Quốc Hận nêu rõ.

“...đồng tiền là mồ hôi nước mắt của đồng bào”

Ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên ủy viên BCH Trung ươmg Đảng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cho rằng, lãng phí đầu tư công gây thiệt hại cũng không kém gì tham nhũng. Xét các nguyên nhân dẫn đến lãng phí, bên cạnh việc thiếu năng lực quản lý, tầm nhìn đầu tư thì thấy rõ có vấn đề suy thoái đạo đức, đây là vấn đề quan trọng cần khắc phục từ gốc.

Bác Hồ từng dạy: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào” để thấy được tầm quan trọng trong việc phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đao đức Hồ Chí Minh, thực hành bốn đức tính “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” Bác đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần sẽ góp phần ngăn chặn thực trạng lãng phí đang diễn ra.

“Lãng phí và tham nhũng tác hại như nhau nhưng hiện giờ lãng phí từ việc lớn đến việc nhỏ vì quản lý không hết, cần hướng xử lý từ gốc của vấn đề là quá trình giáo dục. Biện pháp ứng phó quan trọng nhưng cơ bản vẫn là vấn đề giáo dục đạo đức từ học đường, ngay từ trường học đều phải nói đến chống lãng phí. Hai nữa là ý thức của người lãnh đạo phải gương mẫu trong vấn đề lãng phí, vì người lãnh đạo chỉ cần không chú ý chút là lãng phí tăng cao”, ông Huỳnh Văn Niềm bày tỏ.

Lãng phí gây thất thoát rất lớn các nguồn lực, từ nhà nước cho tới xã hội. Những năm qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả to lớn, với sự quyết tâm từ cấp cao nhất và nhận được sự đồng thuận của tất cả các tầng lớp trong xã hội, nhưng còn đó công cuộc chống lãng phí. Trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn, rất cần xác định đúng và đầu tư đủ cho các dự án được xem là “vốn mồi” nhằm thu hút nguồn lực xã hội; đồng thời ngăn chặn việc quyết định đầu tư chưa sát nhu cầu thực tế.

Cần có những quy định cụ thể, đủ chặt chẽ để xác định được trách nhiệm trong việc đầu tư không hiệu quả, xử lý nghiêm các sai phạm để đảm bảo tính răn đe. Quốc hội đã lựa chọn một trong những chuyên đề giám sát về pháp luật là thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Điều này đã nhận được sự quan tâm và đồng tình lớn trong xã hội. Qua đó, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước không chỉ trong chống tham nhũng, tiêu cực mà còn cả trong việc chống lãng phí./.

Bài liên quan
ĐBSCL và TP.HCM hoàn thiện chuỗi liên kết để phát triển du lịch bền vững
Muốn duy trì và phát triển ngành du lịch phải duy trì chuỗi liên kết kèm theo với những cơ chế chính sách, đổi mới, nâng cao các sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường”,

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất