Khủng khoảng đăng kiểm và cơ hội đổi mới

PV/VOV Giao thông | 19/03/2023, 15:32

Ô tô nối đuôi nhau hàng cây số. Tài xế ăn ngủ trên xe từ đêm khuya, chạy lòng vòng các tỉnh thành lân cận, thậm chí phải bỏ tiền triệu thuê người đi đăng kiểm hộ… Khủng hoảng đăng kiểm gần như lên đến đỉnh điểm ngay đầu tháng 3, đến mức người dân phải thốt lên: “khổ như đi đăng kiểm”!

Chính phủ đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm. Hàng trăm cán bộ CSGT được chi viện. Hàng loạt chính sách được đề xuất nhằm tháo gỡ tình hình. Vậy, ngoài các biện pháp trước mắt, có thể nhìn thấy những cơ hội nào để đổi mới hoạt động đăng kiểm, từ khủng hoảng lần này?

Khủng hoảng, bao giờ chấm dứt? 

Cuộc khủng hoảng đăng kiểm xuất hiện đầu tiên vào cuối năm 2022, khi hàng loạt trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận “lót tay” để bỏ qua các vi phạm của xe đăng kiểm.

Thời điểm đó, Công an TP.HCM đã khám xét 9 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây, khởi tố bắt giam 23 bị can để điều tra vì bỏ qua lỗi cho gần 70.000 phương tiện.

Đầu tháng 1/2023, hàng loạt trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiếp tục bị đóng cửa. Giáp Tết, Hà Nội có 11/31 trung tâm bị đóng cửa, khiến hàng nghìn chủ phương tiện lo lắng tìm chỗ đăng kiểm.

Mặc dù Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ, từ việc điều động, chi viện đăng kiểm viên về những địa phương thiếu nhân lực, làm thêm giờ, ngày nghỉ, song, như ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận, cũng chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt: "Chưa cảnh người dân đi xếp hàng, chờ đợi từ đêm, mất quá nhiều công sức và thời gian, cộng với tâm lý hoang mang, lo lắng. Anh em cũng gồng người lên để làm việc, thường xuyên làm việc thêm giờ, tăng ca, làm việc cả ngày nghỉ. Nhưng tất cả những giải pháp vừa rồi đưa ra cũng chỉ là giải pháp tình thế".

Sau Tết, khủng hoạt đăng kiểm lại tái diễn, thậm chí gia tăng hơn và gần như đạt đỉnh vào đầu tháng 3/2023 khi công an cả nước mở rộng điều tra, khám xét hơn 70 trung tâm, khởi tố gần 500 người về các tội: Môi giới hối lộ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác…

Tại thời điểm ngày 9/3, theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà Nội chỉ còn 6/31 trung tâm đăng kiểm hoạt động, trong khi ước tính số xe đến hạn kiểm định trong tháng 3 lên tới 68.690 xe. Nếu không có biện pháp can thiệp, trong tháng 3, khả năng đáp ứng của các đơn vị đăng kiểm tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 14% nhu cầu, và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 7% vào tháng 4, tháng 5, thậm chí giảm xuống 6% vào tháng 6.

Tại TP.HCM, vào thời điểm 9/3 cũng chỉ còn 10/19 trung tâm hoạt động, khả năng đáp ứng khoảng 49% nhu cầu và sẽ giảm xuống 22% vào tháng 4, thậm chí xuống đến 18% vào tháng 5.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, tháo gỡ. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lần đầu họp với lãnh đạo Bộ GTVT và Công an. Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3/2023. Nhiều biện pháp được gấp rút thực hiện. Hà Nội mở lại nhiều trung tâm đăng kiểm sau hai tháng tạm dừng. Bộ Công an điều động 50 CSGT tham gia kiểm định tại Hà Nội và TP HCM từ 11/3. Cùng lúc, Cục Đăng kiểm Việt Nam có tân cục trưởng sau hai tháng khuyết lãnh đạo…

Tuy vậy, đến ngày 15/3, có mặt tại trung tâm đăng kiểm 33 01S, phóng viên VOVGT chứng kiến, tình trạng chủ phương tiện phải chờ đợi vẫn diễn ra.

Chị Vũ Thị Trinh, ở Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội như trút được gánh nặng khi phương tiện đến lượt đăng kiểm: "Bọn em xếp hàng chỗ này là chỗ thứ 3 rồi, may quá biết tin là ra luôn, chứ còn các chỗ kia đều xếp quá thời gian mình hết hạn. Em chờ từ cuối giờ sáng, bây giờ mới vào đến đây".

Ông Phan Văn Chính, Phó giám đốc trung tâm đăng kiểm 33-01S cho biết, từ khi mở lại vào ngày 13/3, mỗi ngày đơn vị hoạt động 2 dây chuyền kiểm định, song lượng phương tiện phải chờ đợi vẫn khá nhiều: "Trung tâm đang duy trì hoạt động 2 dây chuyển, khoảng 90 xe một ngày. Hiện tại, lượng xe xếp hàng cũng tương đối dài".

Ông Đỗ Văn Sơn, Trạm Trưởng trạm Đăng kiểm 29-03S (số 3 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết, đến ngày 15/3, tức là sau 4 ngày mở cửa trở lại, trung tâm vẫn chỉ có 1 dây chuyền hoạt động, dù hoạt động hết công suất cũng chỉ đăng kiểm được khoảng 80 xe: "Hiện tại nhu cầu đăng kiểm của Thành phố rất lớn. Trạm cũng đã hoạt động với sự hỗ trợ của lực lượng công an thì đã góp phần đẩy nhanh tốc độ kiểm định phương tiện. Công suất tăng lên khoảng 20-30%".

Có thể “lột xác” sau khủng hoảng? 

Sau 3 lần đi đăng kiểm không thành, mới đây, anh Lê Đình Thiệu, Công ty Cổ phần dịch vụ Hiệp Hương (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã thực hiện đăng kiểm thành công tại Trung tâm đăng kiểm 29-03S.

Chứng kiến cảnh chờ đợi đăng kiểm, anh Thiệu mong muốn dịch vụ đăng kiểm được mở rộng đến các trung tâm sửa chữa, bảo hành của các hãng xe lớn để người dân thêm sự lựa chọn: "Buổi đầu mà xếp hàng thì thật sự vất vả với anh em. Nắng, mưa, ăn uống không biết thế nào, cứ xe cếp hàng, tí lại nhích lên một tí, rất khó, rất mệt".

Ông Đặng Huy Đông, Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bản chất của dịch vụ đăng kiểm là dịch vụ công. Theo đó, doanh nghiệp cũng có thể cung cấp dịch vụ công trên cơ sở đáp ứng những điều kiện đặt ra.

Do vậy, ông Đặng Huy Đông cho rằng, cần sớm đẩy mạnh việc nghiên cứu các điều kiện cần thiết để các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô thực hiện việc đăng kiểm khi đáp ứng đủ các điều kiện do cơ quan quản lý đặt ra: "Phải mở ra, công bố công khai các điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp giấy phép thực hiện dịch vụ đăng kiểm. Điều kiện ấy do Nhà nước quản lý, lúc ấy thay vì ông tiến hành trực tiếp đăng kiểm, thì ông đi kiểm tra chất lượng dịch vụ đăng kiểm của các trung tâm đăng kiểm.

Các gara ô tô thì khát việc, khát khách, người dân thì muốn nhanh, vậy thì phải mở ra, việc gì phải lo. Đây là cơ hội để cải tổ toàn bộ ngành đăng kiểm và nên đi theo mô hình không hạn chế các đơn vị được thực hiện dịch vụ đăng kiểm, mà chỉ kiểm soát chất lượng dịch vụ".

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, cần tiếp tục chủ trương xã hội hóa dịch vụ đăng kiểm, đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với dịch vụ kiểm định, nhất là các Sở GTVT.

Chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý phương tiện hoán cải, ông Quyền cho rằng, việc giao cho các Trung tâm đăng kiểm kiểm định là không thỏa đáng, trong khi vai trò của các Sở GTVT đối với lĩnh vực này rất mờ nhạt: "Sở GTVT phải tham gia vào quá trình cho phép thành lập mới các cơ sở kiểm định. Sở GTVT phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định trên địa bàn, bởi vì chỉ có Sở GTVT mới có lực lượng thanh tra nhà nước có đủ lực lượng và thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra, giám sát về cái này".

Ông Chu Mạnh Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT cũng cho rằng, hiện nay công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm đang bị buông lỏng. Để cải thiện điều này, đổi mới toàn diện công tác đăng kiểm, cần tách bạch việc quản lý nhà nước và dịch vụ đăng kiểm: "Sắp tới, vai trò quản lý nhà nước phải phân định rõ ra, tốt nhất là đối với đăng kiểm thì nên định hướng nó là một loại hình doanh nghiệp, chứ đừng có nói ông đăng kiểm là quản lý nhà nước. Vì vậy, cái quan trọng nhất đối với cơ quan quản lý nhà nước vĩ mô là xác định rõ vai trò quản lý nhà nước của các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm"./.

Bài liên quan
Có bắt buộc phải xuất trình Giấy phép lái xe khi đã tích hợp tài khoản VNeID?
VOVLIVE - Bộ Công an trả lời trường hợp xác định các thông tin về tình trạng của giấy tờ, trong đó có Giấy phép lái xe khi đã tích hợp vào tài khoản VNeID.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất