Những ngày qua, xuất hiện tình trạng bạo lực trong bệnh viện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Sau nhiều sự việc nhân viên y tế bị hành hung, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế phối hợp Công an bảo vệ nhân viên khi làm nhiệm vụ.

Ngày 10/5, Công an tỉnh Nam Định cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "gây rối trật tự công cộng" đối với Nguyễn Văn Thắng (33 tuổi, trú huyện Xuân Trường, Nam Định), đây là đối tượng hành hung điều dưỡng viên ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Trước đó, ngày 29/4, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang củng cố hồ sơ để xử lý Khuất Văn Sinh - người có hành vi hành hung, đạp vào bụng điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khi đang cấp cứu cho con trai của chính mình...
Những người thầy thuốc, những "chiến sĩ áo trắng" thầm lặng ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân, trớ trêu thay, lại đang trở thành nạn nhân của những hành vi bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là một vấn nạn cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía.

Nạn hành hung nhân viên y tế không phải là một vấn đề đơn lẻ mà xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp, đan xen cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Trước tiên, phải nói đến những áp lực từ phía người bệnh và người nhà. Khi người thân đau ốm, đặc biệt trong những tình huống nguy kịch, tâm lý lo lắng, căng thẳng, sốt ruột, có những trường hợp họ phải chờ đợi lâu, thủ tục rườm rà có thể biến thành "giọt nước tràn ly", dẫn đến những hành vi bột phát, thiếu kiểm soát.
Tiếp đến là tình trạng quá tải bệnh viện khiến thời gian chờ khám, chờ làm thủ tục kéo dài, gây mệt mỏi và bức xúc cho người bệnh. Trong khi, có một bộ phận nhỏ nhân viên y tế đôi khi còn thiếu sót trong kỹ năng giao tiếp, giải thích chưa cặn kẽ, hoặc có thái độ chưa thực sự hòa nhã, cảm thông với nỗi đau của bệnh nhân và người nhà, vô hình trung tạo ra những hiểu lầm và phản ứng tiêu cực.
Một bộ phận người dân coi thường pháp luật, hành xử côn đồ, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Họ không ngần ngại trút giận lên nhân viên y tế khi cho rằng yêu cầu của mình không được đáp ứng hoặc cảm thấy không hài lòng. Điều này cũng phần nào minh chứng phần nào về khoảng trống trong hành lang pháp lý và chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.
Dĩ nhiên, khi làm việc trong môi trường thiếu an toàn, nhân viên y tế không thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Nhiều người cảm thấy bất an, mất niềm tin vào nghề, thậm chí có trường hợp phải bỏ nghề, gây ra tình trạng "chảy máu chất xám" trong ngành y, ảnh hưởng đến việc thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành y trong tương lai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng – Đơn vị Cấp cứu Bệnh viện 199 (Bộ Công an) tại Đà Nẵng, cho biết: “Bạo lực trong bệnh viện sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng khám chữa bệnh. Nhân viên y tế (đặc biệt là bộ phận cấp cứu như chúng tôi) có thể trở nên e dè, phòng thủ hơn trong quá trình thăm khám và điều trị, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế. Nghiêm trọng hơn, trong những tình huống cấp cứu, việc nhân viên y tế bị tấn công có thể làm gián đoạn quá trình cứu chữa, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh”.
Để giải quyết tận gốc vấn nạn hành hung nhân viên y tế, cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp, các ngành, cùng với sự thay đổi trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân trong xã hội. Cần hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường thực thi pháp luật. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh, nhanh chóng các vụ việc, không để tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 với những quy định mới về quyền của người hành nghề được từ chối khám chữa bệnh trong một số trường hợp bị đe dọa là một bước tiến cần được triển khai hiệu quả.

Các cơ sở y tế cần đầu tư nâng cấp hệ thống an ninh, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an địa phương để xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp. Không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian chờ đợi, nâng cao sự hài lòng của người bệnh.
Song song, cơ sở y tế cũng phải xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho nhân viên. Và mỗi người dân cần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng những người đang làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe.
Công bằng mà nói, bảo vệ nhân viên y tế không chỉ là bảo vệ một nhóm người cụ thể mà là bảo vệ nền tảng của hệ thống chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sự an toàn và tính mạng của cả cộng đồng. Chỉ khi những "thiên thần áo trắng" được làm việc trong một môi trường an toàn, được tôn trọng, họ mới có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu người cao cả.
Đã đến lúc xã hội cần lên tiếng mạnh mẽ hơn, hành động quyết liệt hơn để nỗi đau "blouse trắng" không còn là một thực trạng nhức nhối, để mỗi ngày đến bệnh viện của họ là một ngày bình yên cống hiến, chứ không phải là nỗi ám ảnh mang tên bạo hành.