HoREA kiến nghị cho doanh nghiệp địa ốc tái cơ cấu khoản nợ vay đến hạn

08/02/2023, 06:51

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp địa ốc được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn.

Trước tình thế khó khăn của doanh nghiệp bất động sản thời gian qua, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm.

"Đối với doanh nghiệp bất động sản có khoản vay tín dụng quá hạn bị chuyển thành "nợ xấu" có nhu cầu vay vốn tín dụng để thực hiện dự án thì Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét, cho phép tổ chức tín dụng được xem xét giải quyết khi đáp ứng đủ điều kiện", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đề xuất.

HoREA kiến nghị cho doanh nghiệp địa ốc tái cơ cấu khoản nợ vay đến hạn - 1

HoREA kiến nghị cho doanh nghiệp địa ốc tái cơ cấu khoản nợ vay đến hạn. (Ảnh minh họa)

HoREA cũng đưa ra đề xuất NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có "Giấy phép xây dựng" thì mới được vay vốn tín dụng.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư” và “tài sản bảo đảm cho khoản vay” là đúng quy định pháp luật. Nhưng đồng thời, nhiều ngân hàng còn yêu cầu doanh nghiệp phải có Giấy phép xây dựng mà yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng là “giấy phép con” làm khó cho doanh nghiệp và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng.

Đặc biệt, HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 08/2020/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN) giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn thêm 12 tháng.

Đồng thời, HoREA kiến nghị NHNN hỗ trợ người mua nhà được vay vốn tín dụng, để giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững.

Theo HoREA, có thể nói 2023 là năm “quyết định sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản, cần được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua khó khăn.

Sáng nay 8/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị, gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến tín dụng bất động sản.

Hội nghị sẽ diễn ra tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước, với sự tham dự của lãnh đạo một số doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản.

Trước đó, chiều 6/2, các ngân hàng thương mại cũng đã họp với Ngân hàng Nhà nước để báo cáo tình hình cho vay bất động sản và bàn cách tháo gỡ cho tín dụng bất động sản. 

Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước có cuộc gặp chính thức với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe ý kiến, đề xuất nhằm nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp sau những biến động về kinh tế. Mục tiêu là để tháo gỡ vướng mắc giữa thị trường bất động sản với ngành ngân hàng, hướng đến việc đưa thị trường bất động sản về với giá trị thực, giúp ổn định kinh tế.

Những động thái trên chứng tỏ ngành ngân hàng đang khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua. Trước đó, tại cuộc gặp mặt đầu Xuân 2023 với ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2023, nhằm gỡ khó cho nhiều lĩnh vực có liên quan khác như trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ đạo trong tháng 2 phải tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…

Châu Anh

Bài liên quan
Bất động sản ấm lên, người bán 'quay xe', lật kèo khiến môi giới cay đắng
Khi thấy lượng khách tới xem đông, chấp nhận chốt giá, nhiều chủ nhà, đất bất ngờ thay đổi, không nhận cọc với tâm lý chờ giá tăng thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Nở rộ kỳ thi riêng vào đại học, áp lực và tốn kém cho thí sinh?
Nhiều người lo ngại, việc diễn ra quá nhiều kỳ thi riêng trong tuyển sinh đại học có thể kéo theo các hệ lụy.
Mới nhất