Quỹ nhà ở quốc gia sẽ giúp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Thành Trung/VOV1 | 01/05/2025, 09:58

Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng lấy ý kiến, hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Đây là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trước 2030.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay Trung ương và địa phương đều đã có các cơ chế tài chính, chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, bên cạnh các chương trình tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy vậy vướng mắc lớn nhất trong thời gian vừa qua là nguồn vốn cho vay ưu đãi hạn hẹp. Trên thực tế, đã có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và người thu nhập thấp tiếp cận với nhà ở, nhưng các gói tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phương Đông cho biết:   “Các Ngân hàng đang có giải pháp rất hợp lý là tạo điều kiện mua nhà cho các bạn trẻ dưới 35 tuổi được hưởng lãi suất thấp, thấp hơn lãi suất bình quân khoảng 2-3% để giảm áp lực chi trả cho các bạn trẻ có nhu cầu ở thực. Đó là giải pháp về tài chính rất tốt. Tới đây tôi cho rằng chương trình này sẽ phổ biến, không chỉ thí điểm đối với một vài Ngân hàng mà đó là chương trình để các địa phương căn cứ vào nhu cầu vốn thật để hỗ trợ các bạn trẻ tiếp cận được với nhà ở”.

Tại cuộc họp với các bộ, ngành mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc thành lập một quỹ về phát triển nhà ở để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người dưới 35 tuổi thuê mua, mua nhà ở… là có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Do đó, thống nhất tên quỹ là "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia".

Qũy phát triển nhà ở quốc gia là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do nhà nước thành lập (không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước). Dự kiến, nguồn của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ được huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp; Huy động từ sự tự nguyện đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định; nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các nguồn hợp pháp khác.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: "Quỹ nhà ở đó theo tôi cần liên kết với hệ thống Ngân hàng và các hệ thống tài chính khác nữa để có nhiều nguồn khác nhau, làm sao có ưu đãi tốt nhất cho những người thu nhập thấp nhất. Cách làm như vậy thì sẽ đa dạng hóa nguồn lực, chia sẻ lẫn nhau giữa các chủ thể, sẽ tạo ra mạng lưới rộng hơn và khả năng xử lý các vấn đề cũng sẽ tốt hơn".

Bài liên quan
“Lách luật” mua bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện
Nhu cầu nhà ở lớn mà nguồn cung thì ít, dẫn đến tình trạng nhiều người bất chấp rủi ro pháp lý, “lách luật”, sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để mua nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Xúc động khoảnh khắc hai đoàn tàu Thống Nhất gặp nhau tại Đà Nẵng
Hai đoàn tàu Thống Nhất khởi hành từ 2 đầu đất nước gặp nhau tại Đà Nẵng vào trưa 30/4, mang đến niềm xúc động và tự hào cho nhiều người.
Mới nhất