Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam

Hải Nam/VOV.VN | 03/04/2022, 19:55

Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối các chủ thể khác nhau trong ngành du lịch như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến, khách du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) và Tập đoàn công nghệ VIETSENS vừa tổ chức hội thảo về “Chuyển đổi số trong ngành du lịch”. Theo ông Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), chuyển đổi số đang là yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, với xu hướng sử dụng nhiều hơn các sản phẩm du lịch có ứng dụng công nghệ.

Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ du khách như: hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch dành cho cơ quan quản lý; cơ sở dữ liệu ngành du lịch dành cho cơ quan quản lý; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 đối với các cơ sở du lịch; ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" dành cho khách du lịch; ứng dụng "Hướng dẫn Du lịch Việt Nam" dành cho doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Thẻ du lịch thông minh dành cho khách du lịch; hệ thống quản lý và bán vé điện tử dành cho các điểm tham quan...

Đại diện Vụ Lữ hành và Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản lý chuyên ngành, đã hình thành các nền tảng số hỗ trợ công tác quản lý cơ sở lưu trú, quản lý doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên. Các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần chủ động kết nối với các ứng dụng, nền tảng số của Tổng cục Du lịch, ứng dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động kinh doanh du lịch, đẩy nhanh quá trình phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho biết, thời gian qua với sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) và Tập đoàn công nghệ VIETSENS, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phát triển được hệ thống bán vé điện tử, dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 4/2022. Ông Kiêu khẳng định hệ thống bán vé điện tử sẽ góp phần tạo thuận lợi cho khách du lịch giao dịch theo hướng “không chạm”, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời giúp khu di tích quản lý hiệu quả hơn hoạt động bán vé.

Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam kỳ vọng chương trình chuyển đổi số của ngành du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch; phát triển các sản phẩm công nghệ hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu, giảm chi phí, rủi ro, quản lý tốt nhân sự.

Ông Ngô Minh Đức - Nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty GOTADI đề nghị Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) tiếp tục nâng cấp sản phẩm, thu hút các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cùng sử dụng. Trong đó, hệ thống bán vé điện tử là giải pháp tốt, cần mở rộng áp dụng ở các điểm đến trong nước và đưa Thẻ du lịch thông minh tiếp cận rộng rãi khách du lịch./.

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sáp nhập xã, huyện: Tránh yếu tố dòng họ, bè phái trong lựa chọn cán bộ
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.
Mới nhất