Giữ gìn di sản cố đô Huế cho muôn đời sau

Vinh Thông-Lê Hiếu/VOV-Miền Trung | 17/06/2023, 10:20

Tháng 12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Đây là di sản vật thể đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Sau 30 năm, quần thể Di tích Cố đô Huế - Kinh đô của triều Nguyễn được gìn giữ, bảo tồn gắn với định hướng về phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Tháng 12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Đây là di sản vật thể đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. Sau 30 năm, quần thể Di tích Cố đô Huế - Kinh đô của triều Nguyễn được gìn giữ, bảo tồn gắn với định hướng về phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Triển khai từ năm 2019, Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế nhận được sự đồng lòng của người dân. Đây được xem là cuộc “Di dân lịch sử” khi hàng ngàn hộ dân nhiều thế hệ sống trong khu vực Kinh thành Huế đồng thuận di dời đến nơi tái định cư. Đến nay, Dự án đã thực hiện Giai đoạn 1, hoàn thành di dời, tái định cư hơn 2.900 hộ dân. Giai đoạn 2 của đề án đang triển khai di dời, bố trí tái định cư hơn 1.200 hộ dân thuộc phạm vi các di tích.

Ông Nguyễn Quang Thành, người dân khu tái định cư Bắc Hương Sơ, thành phố Huế nói: “Trước đây, gia đình tôi sống khu vực Thượng Thành rất tạm bợ, nhà chỉ che mấy tấm tôn và không có được giấy tờ chi hết. Bây giờ gia đình ra sống tại khu đô thị mới rất khang trang, đẹp đẽ, rất thuận tiện cho người dân sinh sống. Người dân rất phấn khởi, có cuộc sống an cư, lập nghiệp”.

Sau 30 năm được UNESCO vinh danh Di sản Thế giới, quần thể Di tích Cố đô Huế được quan tâm tôn tạo. Nhiều di tích tưởng chừng bị lãng quên, trước nguy cơ bị xoá sổ giờ đã được phục hồi. Nhiều công trình tiêu biểu được trùng tu thành công trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh (thuộc khu vực Đại Nội); điện Minh Thành, điện Gia Thành (lăng Gia Long); lăng Đồng Khánh; Minh Lâu, Điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung (lăng Khải Định)... Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa, một công trình lớn trong Đại Nội Huế. Tất cả quy trình trùng tu được thực hiện cẩn trọng, khoa học.

Chị Hồ Ngọc Anh Thư, du khách thành phố Hồ Chí Minh cảm nhận khi được thưởng ngoạn vẻ đẹp cổ kính của các công trình, kiến trúc Cố đô Triều Nguyễn được trùng tu, tôn tạo phục vụ khách tham quan: “Việc trùng tu, sửa chữa rất cần thiết để bảo tồn những di tích. Qua đó, thế hệ hôm nay hiểu biết rõ hơn về lịch sử của đất nước, ông bà ngày xưa. Để lại di sản quý báu cho các thế hệ mai sau".

Trước thời điểm được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, quần thể Di tích Cố đô Huế có khoảng 850 công trình kiến trúc nhưng chỉ còn 460 công trình còn hiện diện. Các di tích khác đã trở thành phế tích và 80% hạng mục thuộc diện cần phải tu bổ cấp thiết. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 – 2010 với tổng mức đầu tư 720 tỉ đồng để bảo quản, trùng tu, phục hồi hơn 80 hạng mục công trình chủ yếu. Tiếp đó, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020 với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng để tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 171 công trình, hạng mục công trình. Ngoài các công trình đang thi công tu bổ, một số dự án cũng được tiếp tục và chuẩn bị triển khai đầu tư trùng tu như: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Quốc Tử Giám, Thái Miếu, Phủ Nội Vụ, Điện Cần Chánh, Đại Cung Môn, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, Văn Miếu…

Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Đơn vị đang triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trình Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9/2023.

“Quy hoạch này sẽ làm cơ sở định hướng cho công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị cũng như sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại trong thời gian qua. Đặc biệt, chúng tôi sẽ có sự điều chỉnh các khu vực cần bảo vệ, khu vực I, khu vực II nhằm tạo ổn định cho người dân sống trong khu vực di sản, làm cơ sở cho việc bảo tồn, trùng tu, phát huy các giá trị, phục vụ cho phát triển kinh tế tỉnh nhà", ông Tuấn nói.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có những bước đi chiến lược, thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trước ảnh hưởng của thời gian, thiên tai và con người… Di sản Thế giới Quần thể Di tích Cố đô Huế đang hồi sinh từng ngày. “Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã trở thành một mô hình điển hình của Đông Nam Á về bảo tồn di sản kiến trúc gỗ. Bài học bảo tồn di tích kiến trúc gỗ của cung điện Huế cũng là một ví dụ rất điển hình. Từ chỗ đặt tình trạng nguy cấp quốc tế phải vận động một phong trào hỗ trợ đặc biệt thì nay đã chuyển sang một giai đoạn phát triển ổn định", ông cho biết.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, sự giúp đỡ tích cực của UNESCO cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị quần thể Di tích Cố đô Huế đạt nhiều kết quả đáng mừng. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá: “Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận Di sản văn hoá Thế giới đã được 30 năm. Đây là thành công lớn vì Huế đã thu hút thêm nhiều khách du lịch, có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ. Chúng tôi thấy rằng chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản Cố đô Huế. Rất nhiều di sản đã được khôi phục. Đây thực sự là một thành công. Và công cuộc bảo tồn vẫn đang tiếp tục, tôi thấy rất lạc quan về tương lai của Huế”.

Đến thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu 7 di sản được UNESCO ghi danh. Trong đó có 5 di sản của riêng Huế gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 – Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - Di sản phi vật thể), 3 Di sản tư liệu là Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 ). Ngoài ra còn có 2 di sản chung với các địa phương khác gồm Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993-2023) và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh Di sản Thế giới (2003-2023) là sự kiện đặc biệt trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2023. Đây cũng là dịp tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu, tôn vinh và nâng tầm giá trị di sản văn hóa thế giới tại Cố đô Huế và cũng là cơ hội giới thiệu thêm về vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, về con người Cố đô hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và hiếu khách.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Qua hơn 22 năm, Festival Huế ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và thương hiệu. Festival Huế 2023 với chủ đề "Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” theo định hướng “bốn mùa” tiếp tục diễn ra dịp này với nhiều hoạt động phong phú nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc thù của Cố đô Huế. 

“Với những nét mới lạ, đổi mới trong công tác tổ chức góp phần giới thiệu những tinh hoa văn hoá Huế, thành phố Festival đặc trưng, mang đến những trải nghiệm mới cho người dân, du khách. Từ đó, phát triển ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu phát triển kinh tế xã hội. Đây là động lực rất quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn phát huy giá trị Di sản, văn hoá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị", ông Bình khẳng định.

Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại. Bảo tồn toàn vẹn di sản văn hóa Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Đó cũng là những việc làm cụ thể thực thi nghiêm túc cam kết với UNESCO trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tăng cường hơn nữa hợp tác Việt Nam - UNESCO hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau./.

Bài liên quan
Nghề làm bột gạo Sa Đéc đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã chính thức đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” vào tối ngày 26/4.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cơn địa chấn toàn cầu
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Phi, Châu Mỹ La tinh.
Mới nhất