
Theo truyền thống Công giáo, thay đổi không phải là điều dễ dàng. Dưới triều đại của Giáo hoàng Francis, nhiều tín hiệu cải cách đã được phát đi nhưng phần lớn trong số đó vẫn dừng lại ở cấp độ thảo luận hoặc mang tính biểu tượng, thay vì làm thay đổi căn bản giáo lý. Giáo hoàng Francis từng cho phép bàn luận về việc truyền chức linh mục cho những người đàn ông đã lập gia đình ở các khu vực xa xôi đang thiếu nhân sự nhưng cuối cùng ông không phê chuẩn thực hiện điều đó. Cố Giáo hoàng cũng từng thành lập một ủy ban để nghiên cứu khả năng truyền chức phó tế cho phụ nữ; song sáng kiến táo bạo này không được tiến hành đến cùng.

Tuy vậy, ông Francis đã nới lỏng một số ràng buộc nhất định: ông cho phép các linh mục cử hành Bí tích Thánh Thể cho những người Công giáo đã ly hôn và tái hôn theo pháp luật - một hành động từng gây tranh cãi vì đi ngược với quy định cũ. Mặc dù vẫn duy trì giáo lý truyền thống về hôn nhân là giữa một nam và một nữ, Giáo hoàng Francis đã mở đường cho việc ban phước cho các cặp đôi đồng tính trong một số hoàn cảnh nhất định, như một hình thức công nhận phẩm giá và sự gắn bó của họ, dù không chính thức coi đó là hôn nhân.
Nếu Giáo hoàng Leo XIV lựa chọn tiếp nối di sản của cố Giáo hoàng Francis, ông có thể trở thành người thực thi những cải cách mà người tiền nhiệm chỉ dừng lại ở mức đề xuất. Nhưng nếu Giáo hoàng Leo XIV chọn một con đường bảo thủ hơn thì triều đại của ông có nhiều khả năng sẽ đưa Giáo hội theo một quỹ đạo hoàn toàn khác.
Quá trình đồng nghị
Đức Giáo hoàng Francis đã khởi xướng một tiến trình mang tên “công nghị”, một thuật ngữ xuất phát từ hai từ Hy Lạp mang nghĩa “cùng nhau bước đi”. Tiến trình này nhằm tập hợp các tín hữu Công giáo ở mọi cấp bậc và với nhiều quan điểm khác nhau để cùng nhau chia sẻ đức tin, cầu nguyện và suy ngẫm về những thách thức mà Giáo hội đang đối mặt trong thời đại hiện nay.
Một trong những ưu tiên nổi bật của Giáo hoàng Francis là tinh thần đồng nghị. Ông tái khẳng định giáo huấn của Cộng đồng Công giáo Vatican II, vốn nhấn mạnh rằng Đức Thánh Linh (Holy Spirit) – Đấng được tin là đã soi sáng các ngôn sứ và được chính Chúa Kitô sai đến trần gian, đang hoạt động không chỉ trong hệ thống phẩm trật của Giáo hội mà còn trong toàn thể cộng đồng tín hữu. Chính niềm tin vào sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống Giáo hội là nền tảng thần học cốt lõi của tính đồng nghị mà cố Giáo hoàng Francis theo đuổi.
Giáo hoàng Francis đã phát động một tiến trình tham vấn toàn cầu kéo dài hai năm vào tháng 10/2022, kết thúc bằng một hội nghị thượng đỉnh tại Rome vào tháng 10/2024 Trong suốt thời gian đó, giáo dân khắp thế giới đã đóng góp ý kiến và chia sẻ những suy tư của họ. Hội nghị thượng đỉnh đã đặt lên bàn thảo luận nhiều chủ đề quan trọng, trong đó có những vấn đề gây tranh cãi như: lạm dụng tình dục trong đội ngũ giáo sĩ, trách nhiệm giám sát của các giám mục, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội cũng như đề xuất phong chức phó tế cho nữ giới.
Như vậy, tiến trình đồng nghị có thể được hiểu như một cơ chế kiểm soát quyền lực của giáo hoàng và giám mục, nhấn mạnh đến việc lắng nghe ý kiến tập thể trước khi đưa ra quyết định. Nhưng ở một chiều sâu khác, nó lại mở đường cho những chuyển biến cần thiết trong tương lai, khi và chỉ khi cộng đồng giáo dân thể hiện sự đồng thuận sâu sắc rằng Giáo hội nên thay đổi theo một hướng nhất định.
Khó khăn trước mắt
Tuy vậy, một vị giáo hoàng không thể đơn phương bác bỏ hoặc đảo ngược những lập trường chính thức mà người tiền nhiệm đã đưa ra. Trên thực tế, những thay đổi lớn thường đòi hỏi một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài qua một hoặc hai triều đại giáo hoàng, trong đó người đứng đầu Giáo hội sẽ chọn cách giữ im lặng về các vấn đề nhạy cảm hoặc chỉ đưa ra những tín hiệu kín đáo thay vì hành động quyết liệt.
Một ví dụ điển hình trong lịch sử là năm 1864, khi Đức Giáo hoàng Pius IX lên án gay gắt quan điểm cho rằng “Giáo hội phải tách khỏi Nhà nước và Nhà nước phải tách khỏi Giáo hội”. Phải gần một thế kỷ sau, vào năm 1965, Công đồng Vatican II mới đưa ra Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, chính thức khẳng định rằng chính quyền tự do tôn giáo – một lập trường hoàn toàn trái ngược với quan điểm trước đó của Giáo hoàng Pius IX.
Có nhiều lý do khiến các giáo hoàng phải thận trọng trong việc đưa ra bất kỳ thay đổi nào trong giáo hội trước khi đạt được sự đồng thuận cao nhất. Giáo hoàng Prancis từng bị một số người chỉ trích vì cách tiếp cận như vậy, đặc biệt trong các quyết định gây tranh cãi liên quan đến việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ hoặc việc ban phước cho các cặp đồng tính. Tuy nhiên, xét về tổng thể, triều đại giáo hoàng của ông lại được định hình bởi nỗ lực thúc đẩy tính đồng nghị, khi tiếng nói của các giáo dân đều được lắng nghe.
Một minh họa rõ ràng cho phương pháp tiếp cận này là Thượng hội đồng Amazon, diễn ra tại Rome vào tháng 10/2019. Dù hội nghị bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo ủng hộ việc truyền chức linh mục cho những người đàn ông đã lập gia đình tại khu vực Amazon - nơi đang thiếu trầm trọng nhân sự mục vụ, Giáo hoàng Francis vẫn quyết định không phê chuẩn đề xuất này. Lý do được ông đưa ra là “chưa phải lúc” để thực hiện một thay đổi sâu rộng như vậy.
Giáo hoàng Leo XIV đối mặt thế tiến thoái lưỡng nan
Quan điểm cho rằng Giáo hoàng phải là tiếng nói đại diện cho đức tin của giáo dân không phải là một nhận định mới được Giáo hoàng Francis khởi xướng.
Học thuyết về sự bất khả ngộ của Giáo hoàng được tuyên bố tại Công đồng Vatican lần thứ nhất năm 1870, cho rằng trong những điều kiện nhất định, lời nói của Giáo hoàng được xem là chân lý.
Tuy vậy, học thuyết này đi kèm những điều kiện nhất định. Giáo hoàng không được phát biểu với tư cách cá nhân mà với tư cách là người đứng đầu Giáo hội; ông không được phép đi theo tà giáo, không chịu áp lực cưỡng ép, phải tỉnh táo về mặt tinh thần và phải phát biểu dựa trên các nguồn giáo lý và ý kiến từ hàng giáo phẩm cũng như cộng đồng tín hữu. Nói cách khác, điều mà giáo hoàng công bố cần phản ánh đức tin phổ quát của Giáo hội, không phải là quan điểm riêng của một cá nhân.
Hai tín điều về Đức Maria, bao gồm tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854) và tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (1950) là minh họa điển hình cho điều này. Đức Giáo hoàng Pius IX, trước khi công bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã hỏi ý kiến hàng trăm giám mục và nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Tương tự, Đức Pius XII cũng mở cuộc trưng cầu ý kiến trên toàn cầu với các giám mục trước khi công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Cả hai văn kiện đều nhấn mạnh đến sự tham gia của toàn thể Giáo hội, từ giám mục đến giáo dân, như một bảo chứng cho tính chính thống và hiệp nhất.
Giữ gìn sự hiệp nhất chính là sứ mạng trung tâm của chức vị giáo hoàng. Việc tiến hành cải cách một cách vội vã và đơn phương có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng: sự chia rẽ hoặc thậm chí là ly giáo. Thực tế gần đây đang cho thấy điều đó. Năm 2022, Giáo hội Giám lý Toàn cầu đã tách ra khỏi Giáo hội Giám lý Thống nhất do bất đồng về vấn đề hôn nhân đồng giới và việc phong chức cho các giám mục là người đồng tính chưa sống độc thân. Cộng đồng Anh giáo cũng từng trải qua những chia rẽ sâu sắc vì những vấn đề tương tự.
Tuy nhiên, việc không điều chỉnh giáo lý để phù hợp với những thay đổi tích cực trong thời đại mới, bao gồm đề cao vai trò của phụ nữ hay quan tâm đến quyền lợi của người đồng tính, cũng có thể đẩy nhiều tín hữu rời xa Giáo hội. Đó là thế tiến thoái lưỡng nan mà vị giáo hoàng kế nhiệm Đức Prancis sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.