Ngày 4/4 Âm lịch hàng năm là ngày hội mang tín ngưỡng văn hoá lâu đời của người Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Người dân gọi đây là Ngày Kiêng gió, dù có làm gì cũng không thuận lợi nên mọi người rủ nhau đi chơi hội, mở cửa nhà đón Thần gió vào mang đi những rủi ro của năm cũ, mang đến nhiều điều tốt lành, ấm no, sung túc cho mọi gia đình...

Anh Dường Cắm Hếnh, dân tộc Dao ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn rất mong chờ tới ngày hội, nơi bà con các dân tộc cùng về chung vui: "Tôi rất háo hức đợi đến ngày Hội. Do đó, khi được xã thông báo các thôn sẽ tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tôi cùng nhân dân trong thôn đang tích cực tập luyện văn nghệ, các môn thể thao dân tộc, để đến ngày hội chúng tôi được hòa mình, tham gia đầy đủ các hoạt động của ngày Hội".
Năm nay, ngày hội có nét đặc biệt hơn khi vào ngày chính hội 4/4 AL (tức ngày 1/5 dương lịch), “Tục Kiêng gió của người Dao tại xã Đồng Văn” sẽ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong khuôn khổ ngày hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như liên hoan văn nghệ giữa các thôn bản; thi đấu các môn thể thao dân tộc đẩy gậy, kéo co, tung còn... cùng các hoạt động giới thiệu sản phẩm thủ công, sản phẩm OCOP, ẩm thực truyền thống; trải nghiệm du lịch cộng đồng, trekking xuyên rừng tại Đồng Văn, khám phá du lịch nông nghiệp…

Tằng Vằn Dào, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn tự hào chia sẻ: "Tục Kiêng gió của người Dao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là thành quả của cộng đồng người Dao Thanh Phán trên địa bàn xã Đồng văn nói riêng, toàn huyện nói chung trong việc gìn giữ, duy trì và bảo tồn phong tục truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Dao".

Đặc biệt, cũng trong ngày hội, bà con nhân dân xã Đồng Văn và Hoành Mô (Quảng Ninh, Việt Nam) và trấn Động Trung (Quảng Tây, Trung Quốc) sẽ cùng giao lưu đánh quay. Sự kiện không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn hướng tới quảng bá hình ảnh Bình Liêu là điểm đến hấp dẫn nơi biên giới, đặc biệt với du khách quốc tế. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc và 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Ông Vi Ngọc Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu cho biết, Hội Kiêng gió tiếp tục khẳng định những nỗ lực bảo tồn, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Việc phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, như Di sản Then của người Tày được bảo tồn gắn với tổ chức các hoạt động biểu diễn và phục vụ du khách: "Huyện Bình Liêu có 96% dân tộc thiểu số. Hiện tại, chúng tôi đang định hướng xây dựng các bản văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó bản người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn và bản Sán Chỉ ở Lục Ngù, xã Húc Động hoàn thành quy hoạch chi tiết, đang nghiên cứu để xây dựng bản văn hóa người Dao ở Đồng Văn. Huyện cũng xác định tổ chức các lễ hội gắn với phát triển văn hóa trên địa bàn như: Hội Soóng cọ, Lễ hội Đình Lục Nà, Hội Kiêng gió của người Dao".

Hiện ngành du lịch địa phương cũng đang triển khai nhiều giải pháp để kết nối, quảng bá du lịch Bình Liêu đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, xúc tiến, quảng bá, kết nối để thu hút đầu tư, phát triển điểm đến du lịch và thu hút du khách. Hết quý I/2025, huyện Bình Liêu đã đón trên 37 nghìn lượt khách. Hội Kiêng gió sẽ là điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách trong dịp lễ 30/4 – 01/5, mở màn cho mùa du lịch hè sôi động, hướng tới mục tiêu đón nửa triệu lượt khách đến với huyện vùng cao biên giới trong năm 2025 này.