Làng du lịch cộng đồng Ta Lang, xã Bha Lêê huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm ven đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Du khách tới đây được trải nghiệm cùng người dân lên rừng hái rau, bẻ măng, xuống suối bắt cá, tự tay sơ chế những món ăn truyền thống và xem các tiết mục biểu diễn nhạc cụ, dân ca dân vũ Cơ Tu dưới mái nhà Gươl.
Anh A Lăng Mít, ở xã Bha Lêê, huyện Tây Giang cho biết đồng bào Cơ Tu những năm trước chỉ phụ thuộc làm nương rẫy, cái nghèo, cái đói cứ đeo bám. Từ khi làng du lịch cộng đồng Ta Lang hình thành, gia đình anh Mít cũng như bà con trong thôn bắt đầu tham gia. Năm 2018, anh Mít được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm cải tạo lại ngôi nhà làm du lịch homestay. Khách tới tham quan trải nghiệm nếu có nhu cầu, gia đình anh Lăng Mít có dịch vụ nấu ăn phục vụ, khách nghỉ lại qua đêm tại homestay giá 100.000 đồng/ người.
“Khách đến bà con rất vui mừng, nhà tôi có khách tới lưu trú rồi. Ngày càng phát triển du lịch cộng đồng bà con cũng khá hơn. Khách đến thì bà con nấu ăn cho khách, trước đây làm rẫy mà mất mùa thì không có ăn, nay làm du lịch cuộc sống đỡ hơn", anh A Lăng Mít cho biết.

Làng du lịch cộng đồng Ta Lang, xã Bha Lêê được hỗ trợ từ nhiều tổ chức, đã chính thức được bàn giao cho cộng đồng khai thác và phục vụ du khách năm 2019. Từ khi bắt đầu làm du lịch, đồng bào Cơ Tu nơi đây ý thức hơn việc bảo vệ môi trường để tạo thiện cảm với du khách.
Địa phương đã xây dựng lại nhà Gươl, tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, thành lập các tổ dịch vụ ẩm thực chuyên chế biến các món ăn truyền thống của người Cơ Tu, khôi phục lại nghề đan lát, dệt thổ cẩm... Những tiết mục như múa tân tung, da dá, nói lý, hát lý, biểu diễn nhạc cụ của đồng bào đưa vào phục vụ được du khách hào hứng thưởng thức. Du khách còn được khám phá quần thể rừng Pơ Mu, rừng lim, rừng đỗ quyên cổ thụ còn mang nguyên vẹn nét hoang sơ của tự nhiên.

Ông Mạc Như Phương - quyền Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Huyện đã tập trung đầu tư, hỗ trợ cho nhân dân phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở thôn Ta Lang, xã Bha Lêê. Ngoài ra đã hình thành một số khu sinh thái như khu du lịch Đỉnh Quế, khu du lịch Lộc Trời, bước đầu các khu du lịch hoạt động có thu nhập, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.
Huyện cũng tiếp tục quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con phát triển du lịch. Du lịch trên địa bàn bước đầu mới hình thành, trong quá trình triển khai nâng cao được nhận thức của bà con nhân dân. Qua đó, đời sống bà con làm du lịch nâng lên, góp phần chung vào phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn”.

Đi vào hoạt động từ năm 2019, làng du lịch cộng đồng ĐhRôồng ở xã Tà Lu, huyện Đông Giang có 35 hộ tham gia với 82 lao động thường xuyên. Chị Briu Thị Hạnh, thành viên Tổ dệt thổ cẩm, làng du lịch cộng đồng ĐhRôồng cho biết, ngày trước, thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng trong gia đình, bây giờ sản phẩm làm ra được khách du lịch mua làm quà lưu niệm, nhờ đó cuộc sống của đồng bào đã đổi thay.
Theo chị Hạnh, một tấm khố dệt bán ra thị trường có giá từ 800.000 - 1 triệu đồng, váy ngắn 500.000 đồng, tấm choàng đôi 1,2 triệu đồng. Dân làng cũng dệt những thứ khác làm quà lưu niệm như túi đeo, túi đựng điện thoại, túi đựng bút... Ngoài tham gia tổ dệt thổ cẩm, chị Hạnh còn là thành viên đội ẩm thực và đội văn nghệ phục vụ khách du lịch.

Đã có hàng chục làng, bản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Tỉnh Quảng Nam có nhiều chính sách hỗ trợ các làng du lịch như: Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để thu hút khách tham quan.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tỉnh Quảng Nam rất chú trọng phát triển du lịch miền núi. Tỉnh khuyến khích phát triển mô hình du lịch cộng đồng, những làng nghề du lịch và du lịch nông thôn. Có những chủ trương chỉ đạo các địa phương là phải hỗ trợ bằng nhiều cơ chế, chính sách cho du lịch cộng đồng ở nông thôn này. Gắn kết giữa Hội An và Mỹ Sơn và du lịch miền biển của Quảng Nam, chúng tôi tin rằng phát triển du lịch nông thôn có sự kết hợp giao thoa với nhau, đem lại giá trị cao cho cho chính những người làm du lịch cộng đồng ở vùng núi của tỉnh Quảng Nam".