Đại biểu bị bệnh nghỉ trên 2 ngày phải viết tường trình có quá cứng nhắc?

Thanh Hà/VOV.VN | 24/10/2022, 21:57

Thảo luận về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có đại biểu cho rằng quy định đại biểu nghỉ trên 2 ngày phải gửi văn bản, nhưng đại biểu bị bệnh nặng mà phải ngồi viết văn bản cũng rắc rối. Theo đại biểu quy định cứng nhắc quá sẽ khó khăn.

Góp ý với Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trong buổi thảo luận tổ vào chiều 24/10, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đặc biệt quan tâm nội dung cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội trước mỗi kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, như quy định trong dự thảo, đại biểu hiểu rằng Ban soạn thảo đang ngắm tới việc đại biểu tham gia kỳ họp và trả lời phỏng vấn. Trong khi đại biểu băn khoăn trường hợp khi đại biểu được đề nghị trả lời phỏng vấn báo chí trước kỳ họp.

Đại biểu Huân cho biết, trước kỳ họp, đại biểu Quốc hội thường nhận được một số tài liệu qua phần mềm điện tử. Theo đại biểu, nếu dự thảo chỉ quy định đại biểu không được tiết lộ tài liệu mật hay tài liệu của các kỳ họp kín của Quốc hội thì những tài liệu đại biểu nhận được qua phần mềm điện tử có được coi là mật không, có được cung cấp cho báo chí hay không, bởi trong đó có thể có tài liệu liên quan tờ trình dự án luật hay báo cáo thẩm tra hay có những vấn đề Ban soạn thảo dự án luật và cơ quan thẩm tra chưa thống nhất với nhau.

“Nếu không có quy định đại biểu sẽ lúng túng, nhưng không tương tác với báo chí, có thể đại biểu bị chê không cởi mở với báo chí, nhưng đại biểu có thể cũng không chắc có những phần nội dung có nên thông tin ra dư luận hay không. Theo tôi trong nội quy nên bổ sung quy định về vấn đề này”, đại biểu đoàn Bình Dương đề nghị.

Một vấn đề khác liên quan nội dung cung cấp tài liệu cho đại biểu, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, dự thảo nội quy đã đề cập đến tài liệu của kỳ họp nhưng lại chưa có quy định về thời gian gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội, bởi có những nội dung tài liệu cung cấp cho đại biểu khá dày, có những vấn đề khó, không phải chuyên ngành của đại biểu, vì thế nếu thời gian gửi gấp quá, yêu cầu đại biểu đóng góp ý kiến, sợ chất lượng sẽ không cao.

Vì thế đại biểu cũng kiến nghị nên có quy định trong dự thảo nội quy kỳ họp về thời gian cung cấp tài liệu cho đại biểu, tối thiểu là bao nhiêu ngày trước kỳ họp đại biểu phải nhận được.

Đại biểu muốn nghỉ 2 ngày cuối tuần để có thời gian nạp năng lượng cho tuần mới

Đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho rằng, việc ban hành nội quy mới sẽ giúp cho các phiên họp của Quốc hội tiếp tục đi vào nền nếp, thích ứng linh hoạt trước những vấn đề của thực tiễn đặt ra, đảm bảo tính công khai, minh bạch và dân chủ.

Cơ bản thống nhất với các quy định trong dự thảo Nghị quyết nội quy kỳ họp về chương trình của kỳ họp, tuy nhiên đại biểu cũng đồng tình với một số đại biểu đề nghị chỉ họp đến thứ 6, để có 2 ngày nghỉ cuối tuần. Đại biểu đoàn An Giang chia sẻ, với mỗi đại biểu Quốc hội từ phía Nam ra, ít nhiều chưa thích ứng được khí hậu ngoài Bắc. Trong quá trình dự các phiên họp của Quốc hội, đại biểu dù có phát biểu hay không phát biểu vẫn phải nghiên cứu, xem xét, phân tích tài liệu để có sự chuẩn bị. Nên sau mỗi cuộc họp, đại biểu khá mệt mỏi, cần có thời gian để nạp năng lượng mới cho tuần làm việc tiếp theo. Bên cạnh đó, đại biểu phía Nam ra Bắc họp có mong muốn được giao lưu học hỏi với các tỉnh thành ở phía Bắc.

“Tôi đề nghị nên sắp xếp lịch để đại biểu có thời gian nghỉ cuối. Đương nhiên với những nội dung cần thiết phải triển khai liền trong thứ Bẩy, Ban soạn thảo có thể xây dựng chương trình kỳ họp linh hoạt, vẫn họp thứ Bẩy nhưng chỉ nên họp 1-2 buổi để đảm bảo yêu cầu về nội dung chương trình kỳ họp”, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị.

Đại biểu bị bệnh phải nghỉ trên 2 ngày mà ngồi viết tường trình có quá cứng nhắc

Nhấn mạnh, hoạt động của Quốc hội thời gian qua có nhiều đổi mới đã được thực hiện nhưng chưa được cụ thể hóa vào nội quy vì thế việc sửa đổi nhằm có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), vấn đề gì lớn, cần thiết mới đưa vào nội quy, nên rà soát nội dung nào nhỏ nhặt quá thì không nên”.

Băn khoăn về quy định trách nhiệm của đại biểu khi nghỉ 2 ngày trở xuống phải báo trưởng đoàn và tổ thư ký để báo cáo. Quy định như thế theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé là chặt chẽ, để quản lý hoạt động của đại biểu, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu thêm, vì Luật Tổ chức Quốc hội quy định đại biểu kiêm nhiệm tham gia Quốc hội sử dụng 30% thời gian trong năm để tham gia Quốc hội, do đó nghỉ 1-2 ngày vì công việc kiêm nhiệm nhiều có thể chấp nhận được. Rồi đại biểu nghỉ trên 2 ngày thì phải gửi văn bản. Nhưng đại biểu bị bệnh nặng mà phải ngồi viết văn bản cũng rắc rối. Theo đại biểu quy định cứng nhắc quá sẽ khó khăn./.

Bài liên quan
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Yên Bái tiếp xúc cử tri
Hôm nay, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Ngãi, Yên Bái đã có cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất