Sửa Nội quy kỳ họp Quốc hội, quy định kỳ họp không thường lệ

Ngọc Thành | 23/04/2025, 10:30

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung nội quy lần này làm sao đảm bảo tính minh bạch, công khai, trong đó nghiên cứu tăng cường phát thanh, truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi.

Sáng nay 23/4, tại Đợt 2 của Phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, qua tổng hợp, các cơ quan đều nhất trí với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung và hầu hết các nội dung của dự thảo nghị quyết.

Liên quan kỳ họp, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Theo ông Lê Quang Tùng, có ý kiến đề nghị quy định Quốc hội họp thường lệ mỗi năm ít nhất hai kỳ; không nên phân biệt kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường/kỳ họp không thường lệ; cần tránh đánh số thứ tự riêng cho kỳ họp thường lệ và số thứ tự riêng cho kỳ họp bất thường mà chỉ có số thứ tự kỳ họp thứ nhất cho đến kỳ cuối trong suốt nhiệm kỳ.

Ban soạn thảo nhận thấy khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 và khoản 2 Điều 90 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định: “Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ”. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, xin được giữ cách thể hiện về số lượng kỳ họp thường lệ như trong dự thảo.

Tuy nhiên, đây cũng là một ý kiến hợp lý trong quá trình đổi mới và xu hướng tổ chức nhiều kỳ họp, vì vậy, ban soạn thảo xin được ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tham mưu sửa đổi các quy định có liên quan.

“Đối với cách đánh số thứ tự các kỳ họp, để thuận tiện cho quá trình theo dõi, tránh nhầm lẫn, ban soạn thảo đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép từ nhiệm kỳ tiếp theo của Quốc hội sẽ thực hiện đánh số tuần tự các kỳ họp (cả kỳ thường lệ và kỳ không thường lệ) theo thứ tự thời gian”, theo ông Lê Quang Tùng.

Ban soạn thảo cũng đề xuất bổ sung vào khoản 1 Điều 11 của Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với các thời điểm đã được ấn định trong Nội quy và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Dự thảo quy định Kỳ họp thường lệ giữa năm của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/5; kỳ họp thường lệ cuối năm của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/10. Trường hợp hai ngày trên trùng vào ngày thứ Sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội là ngày làm việc kế tiếp.

Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp Quốc hội vào các thời điểm nêu trên hoặc trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung nội quy lần này làm sao đảm bảo tính minh bạch, công khai, trong đó nghiên cứu tăng cường phát thanh, truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi, gửi biên bản thảo luận tới các đại biểu Quốc hội, ứng dụng công nghệ như AI để hỗ trợ công tác tổng hợp nhanh các ý kiến.

Ông cũng đề nghị quy định thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội để tránh lan man, đảm bảo các ý kiến tập trung vào vấn đề và trong điều hành phiên làm việc có thể vận dụng linh hoạt.

“Giảm bớt tình trạng bài viết sẵn rồi phải đọc ở nghị trường. Vừa qua khuyến khích đại biểu phát biểu nhưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bài chuẩn bị sẵn có thể gửi Ban Thư ký trước để có điều kiện tổng hợp”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

Một vấn đề quan trọng khác, theo Chủ tịch Quốc hội là tới đây Quốc hội cần tăng cường tương tác với cử tri, không chỉ có tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp vì đó chỉ là một kênh. Cùng với đó đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương đối với đại biểu Quốc hội.

Quan trọng hơn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có quy định nhưng phải giám sát việc thực hiện nghiêm túc để “tránh quy định một đường nhưng làm một nẻo”.


Bài liên quan
Sẽ sửa đổi Hiến pháp 2013 và các luật liên quan sắp xếp, tinh gọn
VOVLIVE - Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong thời gian tới, khối lượng công việc của các cơ quan trong khối Quốc hội rất lớn. Đặc biệt là các nhiệm vụ mới liên quan đến rà soát, nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 2013 và các luật liên quan theo Kết luận số 126, 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Binh chủng Tăng thiết giáp phải thật sự là lực lượng đột kích mạnh
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Binh chủng Tăng thiết giáp phải thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là lực lượng đột kích mạnh của Lục quân QĐND Việt Nam.
Mới nhất