Cần nhiều điểm tựa cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thiên Lý/VOV-TP.HCM | 04/12/2022, 19:55

Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam. Để giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vươn lên và phát triển mạnh mẽ nhiều chính sách, cách làm hay ra đời.

Tuy nhiên, để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mơi sáng tạo phát triển cần có thêm chính sách. Đó là nội dung được các chuyên gia đề cập tại các hội thảo trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 (Techfest Vietnam 2022) diễn ra tại Bình Dương.

Tăng cường kết nối

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia cũng là lúc Đại học Quốc gia TP.HCM lên chương trình riêng về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu trong trường.

Riêng sinh viên, hàng năm, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức nhiều chương trình tạo cảm hứng, tạo môi trường thông qua các cuộc thi khởi nghiệp. Sau cuộc thi, nhiều nhóm sinh viên với ý tưởng, mô hình sáng tạo hữu ích đã được kết nối với các nhà đầu tư để thành lập doanh nghiệp. Không chỉ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thành công, Trung tâm còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp mong muốn đổi mới để phát triển.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, giảm rủ ro cho các bạn sinh viên, doanh nghiệp, các ý tưởng khởi nghiệp đều được Trung tâm hỗ trợ tư vấn, đánh giá và đưa ra các kết nối phù hợp.

"Chúng tôi đã làm được thời gian khá lâu nên đã có thương hiệu, uy tín trong cộng đồng, do đó khả năng kết nối rất dễ dàng. Nếu có các dự án chất lượng, starup chất lượng thì sẽ không gặp khó khăn nhiều vì các nhà đầu tư luôn tìm kiếm, săn tìm các dự án chất lượng” - ông Nguyễn Nhật Quang nói.

Để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển phải có 3 nhóm chủ thể chính là các sáng lập viên, các startup; người hỗ trợ, cố vấn; các nhà đầu tư. Kết nối 3 nhóm lại với nhau, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hình thành và ra mắt 34 làng công nghệ với đủ các lĩnh vực, như: Nghệ thuật sáng tạo, marketing, năng lượng sạch, giao thông vận tải, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo… Sau khi ra đời, các làng công nghệ đã tham gia dẫn dắt, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp cho nhiều sinh viên, doanh nghiệp. Từ các mô hình sáng tạo đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề cho các địa phương, đất nước cũng như doanh nghiệp.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết, Việt Nam đang thực hiện mô hình “đổi mới sáng tạo mở”, tức là thay vì chỉ tập trung vào nguồn lực bên trong như trước đây thì đổi mới sáng tạo "mở" phần nhiều có sự tham gia của nguồn lực bên ngoài. Do đó, việc hình thành nên các làng công nghệ là tất yếu để những người đam mê sáng tạo kết nối, chia sẻ những giá trị, tri thức.

“Đặc biệt, từ các làng công nghệ, các em sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái, các starup mà mong muốn tỏa sáng, được chứng tỏ, được thể hiện sự đam mê thì có nhiều cơ hội vì có môi trường, không gian nên các cống hiến có thể lan tỏa trong cộng đồng” - ông Trần Giang Khuê nói.

Ngoài 34 làng công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp mở, cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 271 quỹ đầu tư và 138 trường đại học/cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Những con số này liên tục tăng trong những năm vừa qua thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.

Cần những chính sách mới

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp khởi nghiệp "kỳ lân" (tức là được định giá trên 1 tỷ USD); hàng chục doanh nghiệp được định giá trên vài trăm triệu đô la Mỹ và đang sẵn sàng trở thành “kỳ lân” trong những năm tới, ở tất cả các lĩnh vực giáo dục, thương mại điện tử, thanh toán, tiền tệ, tài chính… Nhờ đó, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia nhận định, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, thời gian tới cần hình thành thêm các mô hình liên kết giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong việc phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung. Không chỉ vận động nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách làm “bệ đỡ” cho các cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để những ý tưởng trở thành hiện thực, mang giá trị lan tỏa.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Becamex IDC đề xuất, khi thực hiện mô hình “đổi mới sáng tạo mở” cần phải có bảng quy hoạch tổng thể đổi mới sáng tạo của Quốc gia để từng địa phương theo đó xây dựng “bài toán” đổi mới sáng tạo phù hợp với địa phương.

“Tôi kỳ vọng được sớm nhìn thấy một bảng quy hoạch tổng thể về đổi mới sáng tạo của quốc gia. Dựa vào đó, chúng ta mới xây dựng môi trường mà các thành phần kinh tế nói chung đều tham gia vào đổi mới sáng tạo. Tôi hy vọng, nhiệm vụ đổi mới sáng tạo không chỉ của ngành Khoa học-Công nghệ mà xuất phát từ tất cả các ngành dọc khác để tìm ra "nút thắt" và cùng nhau giải quyết thì lúc đó vai trò đổi mới sáng tạo mới phát huy được" - ông Phạm Tuấn Anh nêu ý kiến.

Hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai thực hiện Đề án 844 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đến sẽ phối hợp với các bộ, ngành để phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời xem xét xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp; cơ chế tạo thuận lợi cho các quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư cho các dự án ở Việt Nam nhưng không để xảy ra tình trạng "rửa tiền".

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp địa phương phát triển. Do đó, đề nghị địa phương chủ động để tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để đưa ra những cơ chế chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, ví vụ như hỗ trợ cho khu làm việc tập trung, hay hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ chính sách của các địa phương cùng sự chỉ đạo, phối hợp chung với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với sự các tỉnh, thành phố sẽ phát triển sẽ phát triển tốt hệ sinh thái khởi nghiệp” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị.

Cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển cần sự đồng hành, chung sức của các nguồn lực xã hội, đặc biệt là sự định hướng của Chính phủ, sự tham gia của các bộ, ban ngành một cách thắt chặt để doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, các nhà đầu tư nhìn thấy “bức tranh” toàn cảnh về đổi mới sáng tạo Việt Nam./.

Bài liên quan
Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách tổng thể, toàn diện
Đây là yêu cầu của Thủ tướng khi tham dự chương trình "Dấu ấn Techfest 2023" diễn ra chiều nay 25/11 tại TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất