Bỏ thành thị về nông thôn, nhiều thanh niên Quảng Nam khởi nghiệp làm giàu

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung | 21/09/2024, 09:00

Hướng đi này không chỉ giúp họ cải thiện thu nhập mà còn góp phần nâng cao giá trị nông sản, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

Tại tỉnh Quảng Nam, ngày càng có nhiều thanh niên từ thành thị trở về nông thôn khởi nghiệp và thực tế nhiều người đã khởi nghiệp thành công, nhờ những ý tưởng sáng tạo, khác biệt. Đáng chú ý, tại huyện Duy Xuyên, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh lấy nông sản làm sản phẩm chủ lực đang phát huy hiệu quả tốt.

Mấy năm trước, chị Phan Thị Hà, ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam làm kế toán cho 1 DN tư nhân ở TP.HCM. Đồng lương không đủ trang trải cuộc sống nên chị Hà trở về quê hương khởi nghiệp. Ban đầu, chị Hà mua bưởi của các hộ dân tại địa phương về sản xuất tinh dầu vỏ bưởi và nước bưởi lên men bán ra thị trường. Làm ăn phát triển, cuối năm 2022, chị Phan Thị Hà thành lập HTX Nông nghiệp Phong Nguyên, trụ sở tại xã Duy Phú, thu hút 9 thành viên.

Hiện tại, HTX này sản xuất 3 dòng sản phẩm chính là tinh dầu vỏ bưởi, nước bưởi lên men và rượu bưởi chưng cất. Bí quyết để sản xuất tinh dầu bưởi đạt chất lượng tốt là các khâu lựa chọn nguyên liệu, làm sạch, xay, chưng cất phải đảm bảo. HTX đã ký kết với nông dân ở các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Tiên Phước mua bưởi giá cao hơn thị trường, đồng thời đang nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm nước ép bưởi, kẹo bưởi và các sản phẩm từ quả thơm.

“Khi tôi trở về quê Quảng Nam, địa phương đang có chương trình cải tạo vườn tạp trồng bưởi, từ đó tôi thành lập HTX để thu mua sản xuất. Tôi liên kết với các hộ dân trồng và mua bưởi về gọt vỏ ra chế biến tinh dầu, còn cơm bưởi chế biến thành nước bưởi. Định hướng sắp tới, HTX tận dụng nguồn lao động của địa phương để thu hút họ vào làm, mỗi năm HTX thu mua khoảng 3 - 4 tấn bưởi. Thị trường hiện tại của HTX chủ yếu ở thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Hà Nội và TP.HCM, sản phẩm bán thông qua các kênh Facebook và Zalo. HTX cũng tính đầu tư thêm máy móc thiết bị về chế biến, mở rộng thêm xưởng sản xuất, làm thêm sản phẩm thơm, nước rửa chén”, chị Hà cho biết.

Chị Phạm Thị Duy Mỹ, ở thị Trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên cũng mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp Xanh Duy Oanh, chuyên sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường 5 tấn ngũ cốc, doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng. HTX có nhiều dòng sản phẩm như trà gạo lứt, bột ngũ cốc, bột gạo lứt, bánh gạo lứt, thanh gạo lứt hạt và rong biển. Hiện nay, HTX đã liên kết với nông dân địa phương phát triển nguồn nguyên liệu lúa, mè, sen, đậu, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, sắp tới, huyện Duy Xuyên hỗ trợ các HTX trong việc sản xuất, giúp họ tiếp cận sàn thương mại điện tử, tập huấn về tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức. “Địa phương dùng một nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ. Đồng thời kiến nghị với tỉnh có sự hỗ trợ ban đầu về một phần chi phí trên sàn thương mại điện tử giúp họ tiếp cận thị trường trong cả nước”, ông Cảnh nói.

Tại tỉnh Quảng Nam, hơn 1.500 thanh niên là chủ các mô hình kinh tế, tổ hợp tác và HTX do thanh niên làm chủ. Thông qua nguồn vốn vay ngân hàng, kênh hỗ trợ của Trung ương Đoàn, nhiều thanh niên ở tỉnh Quảng Nam đã vay 1.067 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, lập nghiệp, khởi nghiệp. Ngoài ra, thanh niên lập nghiệp ở địa phương này còn được hỗ trợ tập huấn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), kiến thức khởi nghiệp sáng tạo, được hỗ trợ về cây, con giống.

Đồng hành với phong trào thanh niên khởi nghiệp, tỉnh Quảng Nam có nhiều chính sách hỗ trợ về đăng ký thương hiệu, quảng bá sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên. 

“Phong trào thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thanh niên trong tỉnh thời gian qua tăng lên rất rõ rệt. Những thanh niên khởi nghiệp đã đem lại sự tươi mới cho cả một vùng, sản phẩm làm ra đã đem lại giá trị thực của kinh tế rõ ràng, thay đổi đời sống chính các bạn và tại nơi các bạn đang ở. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có chính sách hỗ trợ rất cụ thể, một phần giúp các bạn trẻ khởi nghiệp thành công”, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Bài liên quan
Lễ hội Chùa Hương 2024: Thành lập hợp tác xã chèo đò vận chuyển du khách
Nhằm đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024 cho biết vẫn sẽ bán vé điện tử và thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương để vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách về tham quan lễ Phật.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại thủ đô Hà Nội.
  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bắt đầu chuyến công tác tại Mỹ và Cuba
    Sáng nay (21/9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng LHQ Khóa 79, làm việc tại Mỹ và sau đó sẽ tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez.
  • Quảng Ngãi sẽ "đóng" cầu Trà Khúc 1 nếu nước lũ lên trên báo động 2
    Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo ngành chức năng tổng kiểm tra, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn công trình cầu giao thông trong mùa mưa bão. Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu đặc biệt chú ý phương án đảm bảo an toàn cho cầu Trà Khúc 1, nằm ở trung tâm thành phố Quảng Ngãi vì cây cầu này xuống cấp nghiêm trọng.
  • Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
    Chiều 20/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII họp phiên bế mạc tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị. VOV.VN trân trọng đăng toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Mới nhất