Có gì trong thỏa thuận đột phá về thuế quan Anh - Mỹ vừa đạt được?

09/05/2025, 11:22

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer vừa công bố thỏa thuận thương mại song phương mang tính bước ngoặt, mở rộng quyền tiếp cận thị trường nông sản và công nghiệp, nhưng vẫn chưa tháo gỡ rào cản thuế quan lớn nhất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 8/5 đã công bố một thỏa thuận thương mại song phương có giới hạn, trong đó vẫn duy trì mức thuế 10% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Anh. Thỏa thuận đồng thời mở rộng khiêm tốn quyền tiếp cận thị trường nông sản và giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Anh vào Mỹ.

Thỏa thuận mang tính “nguyên tắc chung” này là bước khởi đầu trong hàng loạt hiệp định giảm thuế mà ông Trump kỳ vọng sẽ đạt được trong những tuần tới, sau khi thực hiện chiến lược áp thuế nhập khẩu mạnh tay nhằm thu hẹp mức thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 1.200 tỷ USD của Mỹ.

Tổng thống Trump công bố thỏa thuận tại Phòng Bầu dục khi đang điện đàm với Thủ tướng Starmer. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Trưởng đoàn đàm phán thương mại Jamieson Greer chuẩn bị lên đường sang Thụy Sĩ để đàm phán với phía Trung Quốc.

Có gì trong thỏa thuận giữa Anh và Mỹ?

Thỏa thuận thương mại song phương vừa đạt được giữa Mỹ và Anh bao gồm một loạt điều khoản ưu đãi thuế quan trong các lĩnh vực then chốt như ô tô, thép, hàng không và nông sản.

Duy trì mức thuế cơ bản 10%: Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick xác nhận mức thuế 10% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Anh sẽ tiếp tục được duy trì. Đây là điểm gây thất vọng lớn với giới doanh nghiệp Anh.

Giảm thuế ô tô: Mức thuế nhập khẩu ô tô từ Anh sẽ được giảm từ 27,5% xuống còn 10%. Theo chính phủ Anh, các nhà sản xuất ô tô nước này sẽ được cấp hạn ngạch 100.000 xe/năm được hưởng mức thuế ưu đãi – gần bằng tổng lượng xe Anh xuất khẩu sang Mỹ năm 2024.

Cắt giảm thuế thép: Thuế 25% hiện áp dụng với thép Anh xuất khẩu sang Mỹ sẽ được xóa bỏ hoàn toàn, giúp giảm bớt áp lực lên ngành thép đang gặp khó khăn của Anh.

Thỏa thuận với Boeing: Các công ty Anh sẽ được xuất khẩu linh kiện máy bay vào Mỹ mà không bị đánh thuế. Đổi lại, một hãng hàng không của Anh dự kiến sẽ ký hợp đồng mua máy bay Boeing trị giá 10 tỷ USD.

Thuế nông sản và thị trường thịt bò: Hai nước thống nhất mở cửa thị trường thịt bò theo hướng có đi có lại. Nông dân Anh lần đầu tiên được cấp hạn ngạch miễn thuế 13.000 tấn thịt bò xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, Anh sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu ethanol của Mỹ, thành phần được sử dụng trong sản xuất bia.

Thuế dịch vụ kỹ thuật số giữ nguyên: Thuế dịch vụ kỹ thuật số của Anh, hiện áp 2% doanh thu đối với các nền tảng số hoạt động tại Anh, vẫn chưa được điều chỉnh, dù Washington nhiều lần đề nghị đàm phán lại.

Đàm phán riêng về ngành điện ảnh: Tổng thống Trump cho biết các cuộc đàm phán riêng biệt sẽ được tổ chức về kế hoạch áp thuế lên phim điện ảnh nhập khẩu.

Hai bên sẽ tiếp tục hướng tới một thỏa thuận toàn diện hơn trong tương lai, bao gồm lĩnh vực dược phẩm và cắt giảm các mức thuế còn lại. Mỹ cũng cam kết sẽ ưu tiên đối xử với Anh trong bất kỳ quyết định áp thuế nào liên quan đến Điều 232, quy định cho phép Tổng thống Mỹ hạn chế nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.

“Thỏa thuận đột phá”

Cả hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Anh đều đánh giá đây là “thỏa thuận đột phá”, giúp giảm thuế quan trung bình của Anh đối với hàng hóa Mỹ từ 5,1% xuống còn 1,8%. Tuy nhiên, mức thuế 10% mà Mỹ áp lên hàng hóa Anh vẫn được giữ nguyên.

Ông Trump khẳng định thỏa thuận này mở ra “một thị trường tuyệt vời” cho doanh nghiệp Mỹ, đồng thời thừa nhận trước đó ông chưa thực sự hiểu rõ các rào cản mà doanh nghiệp Mỹ gặp phải tại Anh.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng không nên coi thỏa thuận giữa Mỹ với Anh là khuôn mẫu cho các cuộc đàm phán khác. Theo ông Trump, London đã “đạt được một thỏa thuận tốt” và nhiều đối tác thương mại khác có thể phải chịu mức thuế quan cuối cùng cao hơn nhiều do thặng dư thương mại của họ với Mỹ lớn hơn Anh.

Thủ tướng Starmer gọi đây là “ngày lịch sử”, khi tuyên bố được đưa ra đúng vào thời điểm 80 năm trước, Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc ở châu Âu.

“Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy thương mại, bảo vệ việc làm và tạo thêm cơ hội việc làm mới”, ông Starmer nói.

Trong khi đó, một quan chức Anh cho biết, cả Washington và London vẫn còn nhiều việc cần phải làm để hoàn thiện thỏa thuận.

“Đây không phải là một hiệp định thương mại tự do đầy đủ theo kiểu truyền thống với đầy đủ các điều khoản chi tiết. Ban đầu, nó chỉ là phản ứng mang tính chiến thuật trước chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, nhưng sau đó đã phát triển thành một thỏa thuận có tính thực chất hơn. Chúng tôi đã hoàn tất bước khởi đầu tại Phòng Bầu dục, giờ là lúc bắt đầu những phần việc lớn và nghiêm túc hơn”, vị quan chức nhấn mạnh.

Phản ứng và tác động ban đầu

Trong bối cảnh kinh tế Anh tăng trưởng chậm, các mức thuế mà Mỹ áp dụng gần đây đã làm tăng áp lực lên chính phủ. Jaguar Land Rover đã phải tạm dừng xuất khẩu sang Mỹ trong một tháng, trong khi chính phủ buộc phải quốc hữu hóa British Steel để duy trì hoạt động.

Các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp thuộc chỉ số FTSE 100 cho rằng tác động kinh tế ngay lập tức của thỏa thuận là tương đối hạn chế. Tuy nhiên, về lâu dài, các thỏa thuận thương mại như vậy có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, Tổ chức Doanh nghiệp Anh - Mỹ bày tỏ thất vọng khi nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Anh, bao gồm ô tô, vẫn phải chịu mức thuế 10%. Tuy vậy, tổ chức này kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho một quá trình hội nhập thương mại sâu rộng hơn, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế số.

Trên thị trường chứng khoán, thông tin về thỏa thuận đã giúp Phố Wall khởi sắc. Chỉ số ngành hàng không trong S&P 500 tăng 5,4%, dẫn đầu là cổ phiếu Delta Air Lines tăng tới 7,2%, sau khi Mỹ tuyên bố các động cơ Rolls-Royce sản xuất tại Anh sẽ được miễn thuế khi nhập khẩu.

Chính quyền Tổng thống Trump đang chịu áp lực lớn từ giới đầu tư trong việc hạ nhiệt các xung đột thương mại, vốn đã khiến thị trường toàn cầu biến động và đe dọa đẩy kinh tế Mỹ lẫn thế giới vào suy thoái.

Bộ trưởng thương mại Mỹ Lutnick ngày 8/5 cho biết Washington sẽ triển khai hàng chục thỏa thuận thương mại trong tháng tới. Thách thức lớn nhất của chính quyền Tổng thống Trump hiện nay là tháo gỡ căng thẳng thương mại với Trung Quốc, trong bối cảnh mức thuế đối ứng đã lên tới 145% và 125% ở mỗi bên.

Các cuộc đàm phán quan trọng với Bắc Kinh sẽ diễn ra cuối tuần này tại Thụy Sĩ. Ông Trump cho biết đây sẽ là những cuộc đàm phán “thực chất”, chứ không chỉ là bước làm quen ban đầu.

Bài liên quan
Lần đầu tiên trong lịch sử, Hồng y người Mỹ trở thành Giáo hoàng
Hồng y Robert Prevost, xuất thân từ Chicago và hiện là người đứng đầu Bộ Giám mục Vatican, được chọn làm người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lễ đón Tổng Bí thư Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Azerbaijan
VOVLIVE - Nhận lời mời của Tổng thống Ilham Aliyev Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Azerbaijan từ ngày 7-8/5, chiều 7/5 (theo giờ địa phương) tại Phủ Tổng thống Cung Zugulba, Tổng thống Ilham Aliyev chủ trì lễ đón trọng thể Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta.
Mới nhất