Các tỉnh Tây Nam Bộ tăng cường khám chữa bệnh từ xa trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Thiên Bình/VOV.VN | 23/08/2021, 15:03

Với nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh thiết lập đầy đủ đến các cơ sở điều trị tuyến huyện, Telehealth sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt không chỉ để chữa trị COVID-19 và cả các bệnh khác.

Tại các cuộc làm việc với một số cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Vĩnh Long, Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, trước diễn biến của dịch bệnh, với số ca mắc tăng cao, cần phương án điều trị linh hoạt và hiệu quả. Đặc biệt cần kết nối hội chẩn, chuyển giao kinh nghiệm hữu ích từ các tuyến trên ngay cho các địa phương, các bệnh viện dã chiến ở Vĩnh Long.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) là giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời các bệnh nhân COVID-19 nặng. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Tại Vĩnh Long, đến hết ngày 22/8, có hơn 2.000 người mắc COVID-19 được thu dung, điều trị ở các bệnh viện, bệnh viện dã chiến. Cùng với đó, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Vĩnh Long trực thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương đã được thiết lập theo chỉ đạo của Bộ Y tế, với nhân lực hỗ trợ điều trị từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, có công suất 200 đến 250 giường cho bệnh nhân nặng. 

TS.BS Phan Hữu Phúc (BV Nhi Trung ương) cho biết: “Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Vĩnh Long không chỉ điều trị bệnh nhân nặng trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận. Hiện tại, chúng tôi đã đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men điều trị tốt cho 100 giường và đang có 50 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực tại đây”.

Làm việc với Bình Dương, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, tỉnh Bình Dương cần tăng cường hoạt động hội chẩn từ xa để lĩnh hội các kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn từ tuyến trên cho tuyến dưới. Thông qua kết nối này, lãnh đạo tỉnh hàng ngày nắm chắc, nắm rõ quy trình chuyển bệnh, ca bệnh nặng, ca bệnh nhẹ.

Ông Khuê nhấn mạnh, hai tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long cần phổ biến kỹ năng vận hành kết nối Telehealth thành thạo đến tận các tuyến cơ sở. Các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến thông qua kết nối này để được hướng dẫn phác đồ điều trị chuẩn nhất, thuận tiện nhất. Bệnh nhân ở tầng 1, tầng 2 thông qua hướng dẫn trực tuyến nếu chăm sóc, điều trị tốt thì sẽ giảm mạnh việc chuyển biến nặng và tử vong.

Trước đó, trong quá trình đi kiểm tra công tác điều trị COVID-19 tại một số địa phương, đoàn công tác của Bộ Y tế nhận thấy, một số bệnh viện chưa tích cực triển khai áp dụng Telehealth trong điều trị COVID-19.

Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện điều trị COVID-19 thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án, ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa/phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện. 

Các bệnh viện được giao nhiệm vụ trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất, để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời. 

Các bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 tuyến dưới bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất./.

Bài liên quan
Ngày 13/4, ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, cao nhất trong 4 tháng
Hôm nay cả nước ghi nhận 497 ca mắc mới, tăng 236 ca so với ngày hôm qua (12/4).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất