Bóc trần những thủ đoạn vận chuyển ma tuý tinh vi giữa đại dịch COVID-19

PV/VOV.VN | 21/09/2021, 07:18

Lợi dụng quy định tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho các phương tiện lưu thông, các đối tượng đã có những thủ đoạn rất mới để vận chuyển, buôn bán ma túy.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy vẫn hoạt động với nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới tinh vi. 

Lợi dụng xe “luồng xanh” để chuyển ma túy

Này 8/9, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) Công an TP.HCM triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn, tang vật thu giữ hơn 99kg ma túy các loại.

Theo đó, các đối tượng của đường dây này đã lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện (QR Code) ưu tiên theo "luồng xanh" vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 để vận chuyển ma túy được ngụy trang trong các giỏ, bên trên là mắm (cá rô, cá lóc).

Hay trước đó, ngày 18/8, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng bắt giữ 3 đối tượng lợi dụng xe “luồng xanh” hỗ trợ phòng chống dịch để đi từ TP.HCM xuống thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu bán ma túy.

Bóc trần những thủ đoạn vận chuyển ma tuý tinh vi giữa đại dịch COVID-19 - 1

Gần 100 kg ma túy các loại được cơ quan chức năng triệt phá, thu giữ.

Không chỉ lợi dụng tuyến đường bộ, trên tuyến hàng không, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), hai năm nay Việt Nam thực hiện hạn chế người nhập cảnh để  phòng, chống dịch thì tội phạm đưa ma túy vào hàng hóa gửi từ nước ngoài với số lượng nhiều hơn.

Trước đây lực lượng phát hiện ma túy qua hàng xách tay, nhưng số lượng rất ít và qua soi chiếu đã phát hiện ra ngay, kể cả việc ma tuý được ép vào bức tranh hay cho lẫn vào mỹ phẩm. Nhưng bây giờ là gửi hàng kiện, điển hình như chuyên án bắt giữ 127 kg ma túy từ châu Âu về Việt Nam vào giữa tháng 4 vừa qua dưới vỏ bọc là đóng trong hộp sữa, thuốc tân dược, hay thực phẩm chức năng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, với tuyến hàng không, chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm rõ toàn bộ đường dây tội phạm cũng như không xác định được đối tượng cầm đầu ở nước ngoài. Tên, địa chỉ người gửi ở châu Âu, người nhận ở Việt Nam đều là giả, số điện thoại cũng là sim rác. Người đến nhận hàng cũng là người được thuê đến. Cho nên, khi phát hiện việc vận chuyển có bất thường, các đối tượng sẵn sàng bỏ hàng, không ra nhận.

Ngoài ra, tuyến đường biển cũng đang nổi lên là tuyến trọng điểm về tội phạm ma túy. Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã từng khám xét khẩn cấp container 20 feet đã được “kẹp chì” có trọng lượng gần 30 tấn (khai báo hàng hóa là đá granite) đang chuẩn bị để đưa xuống tàu tới cảng Incheon của Hàn Quốc vào 3h sáng ngày 19/7/2020 tại khu vực cảng Cát Lái, từ đó thu giữ 40 kg ma túy tổng hợp được giấu trong các khối đá granite. Song thực tế với hàng trăm ngàn container tại các cảng thì việc kiểm soát rất khó khăn.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tình trạng vận chuyển ma túy bằng đường hàng không diễn ra rất nhiều, và dưới dạng hàng vô chủ nên để phát hiện, triệt phá các đường dây này rất khó khăn.

Các đối tượng nghiên cứu rất kỹ các chính sách, quy định để lợi dụng. Tội phạm sử dụng các mạng xã hội hiện đại để liên lạc, đồng thời không sử dụng tiền mặt trong giao dịch mà chuyển khoản thông qua các tài khoản tiền ảo trên mạng.

Bóc trần những thủ đoạn vận chuyển ma tuý tinh vi giữa đại dịch COVID-19 - 2

Ma túy được đóng trong hộp sữa gửi về Việt Nam

Mới đây, tổ chức tội phạm vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn, do nhóm người Đài Loan (Trung Quốc) hiện sống tại TP.HCM điều hành nhận và tiêu thụ bị triệt phá. Các đối tượng tạo vỏ bọc để lập doanh nghiệp rồi thuê nhà xưởng, lập kho đông lạnh. Nhóm tội phạm chia nhỏ 90kg ma túy, nhét vào 900 dạ dày heo sau đó ép chân không. Trong mỗi dạ dày có khoảng 100g ketamin. Các đối tượng gắn thiết bị định vị vào lô hàng để theo dõi, vận chuyển ra nước ngoài.

Theo Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hà, đây là thủ đoạn rất xảo quyệt của tội phạm. Bởi nếu các cơ quan kiểm soát nghi vấn lô hàng muốn kiểm tra phải ký cam kết, trường hợp không phát hiện có vi phạm phải đền, bồi thường toàn bộ số hàng hóa này.

Ngoài các thủ đoạn trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy còn phát hiện một nhóm tội phạm cho 150kg ma túy trong 5 máy môtơ điện nặng cả tấn.

Chống giặc ma túy như chống dịch

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, với quan điểm ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Bóc trần những thủ đoạn vận chuyển ma tuý tinh vi giữa đại dịch COVID-19 - 3

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an)

Đối với giảm cung, Cục tiếp tục phối hợp với các lực lượng tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tập trung đấu tranh quyết liệt với các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia. Đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp lực lượng chức năng của các nước, các tổ chức trong khu vực và thế giới để trao đổi thông tin, xác lập đấu tranh chuyên án chung để đấu tranh với các đường dây ma túy xuyên quốc gia, truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy của Việt Nam đang trốn ở nước ngoài và của nước ngoài đang trốn ở Việt Nam.

Cục sẽ chỉ đạo, hướng dẫn hệ lực lượng tăng cường đấu tranh triệt phá các đường dây phạm tội ma túy ở trong nước. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan nắm, quản lý địa bàn, đối tượng, nhất là các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện phạm tội về ma túy, không để lợi dụng địa bàn Việt Nam để sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý triệt để các vụ trồng cây có chứa chất ma túy; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và sản xuất, kinh doanh, không để tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép ma túy tổng hợp trong nội địa. Tập trung vận động đầu thú, truy bắt các đối tượng truy nã về ma túy, không để đối tượng truy nã tiếp tục phạm tội, góp phần làm giảm tội phạm hình sự.

Về giảm cầu và giảm tác hại, lực lượng sẽ thường xuyên rà soát, thống kê, lập danh sách theo dõi, quản lý chặt chẽ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và phối hợp làm tốt công tác cai nghiện ma túy; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để người sử dụng trái phép ma túy, người nghiện ma túy gây ra các vụ phạm pháp hình sự.

PV/VOV.VN

Bài liên quan
Từ vụ tiếp viên hàng không xách ma túy: Phát hiện giao dịch hơn 25.000 tỷ đồng
Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, mở rộng điều tra vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy, Công an TP.HCM đã triệt phá hơn 180 đường dây; bước đầu chứng minh các đối tượng bị bắt đã giao dịch mua bán ma túy với số tiền hơn 25.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất