Bộ Y tế khuyến cáo Đồng Nai cảnh giác trước nguy cơ dịch xâm nhập vào KCN

Thiên Bình/VOV.VN | 24/06/2021, 18:01

Với địa bàn giáp ranh, có nhiều mối giao thương cùng các tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… tỉnh Đồng Nai tuyệt đối không được chủ quan trước nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập.

Sau khi khi nhận 4 trường hợp mắc COVID-19 là các ca bệnh xâm nhập từ ngoài tỉnh kể từ đầu làn sóng dịch thứ 4, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh kịp thời thiết lập các khu vực phong tỏa, cách ly y tế liên quan các khu vực có ca bệnh; lập các chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực cách ly; tiến hành phun khử khuẩn vùng cách ly và những nơi bệnh nhân đến.

Đồng Nai là một trong những tỉnh thành có số lượng công nhân đông nhất trên cả nước, với tổng số khoảng 1,2 triệu công nhân, trong đó, khoảng 600.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), do đó việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng, khu sản xuất, khu công nghiệp là vô cùng quan trọng.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, công tác phòng, chống dịch bảo vệ sản xuất đã được chính các doanh nghiệp, KCN chủ động thực hiện ở mức độ cảnh giác cao theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Nhiều công ty cũng đã thực hiện cho công nhân lưu trú tại công ty để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất.

Dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Đồng Nai trong sáng 24/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, dù Đồng Nai mới ghi nhận ít ca mắc COVID-19 nhưng với đặc điểm của một địa bàn giáp ranh, có nhiều mối giao thương cùng các tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… tỉnh Đồng Nai tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác. Đồng thời, địa phương cần căn cứ trên tình hình thực tiễn tại địa phương để xây dựng các kịch bản ứng phó, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 phù hợp với từng kịch bản, mức độ nguy cơ. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập các tổ lấy mẫu xét nghiệm trong doanh nghiệp, tiến hành tập huấn công tác tổ chức lấy mẫu cho các nhân sự này để sẵn sàng huy động khi cần. Tỉnh cũng cần chủ động thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng nhất là đối với các đối tượng di chuyển, tiếp xúc nhiều, nguy cơ cao như người bán vé số, các quán nước vỉa hè, bảo vệ siêu thị, người làm việc tại bến xe… Đồng thời, vận dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong triển khai, phối hợp đa dạng, linh hoạt các hình thức, chiến lược xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện và cô lập mối nguy cơ.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục quản lý Môi trường Y tế cũng cho rằng, tỉnh Đồng Nai cần nhanh chóng triển khai các tổ giám sát, kiểm tra hoạt động phòng chống dịch tại các KCN, cơ sở sản xuất; nghiên cứu, xem xét và triển khai phần mềm truy vết, giám sát dịch tễ cho công nhân với đầy đủ các thông tin về nơi lưu trú, nơi làm việc, các mối quan hệ nguy cơ… để sẵn sàng đáp ứng công tác truy vết khi có xuất hiện các trường hợp F0.

Ngoài ra, địa phương cũng cần quan tâm đến nhóm đối tượng người lao động có thu nhập thấp, sinh hoạt tại các khu vực nhà trọ có điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nhóm đối tượng này tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 20 cơ sở cách ly tập trung với hơn 2.000 giường cách ly, trong đó có 4 cơ sở cách ly tại khách sạn, 1 cơ sở cách ly tại ký túc xá doanh nghiệp. Về công tác ứng phó, tỉnh đã sẵn sàng thành lập 7 khu vực cách ly tập trung tại ký túc xá của các cơ sở giáo dục đào tạo, nâng tổng công suất cách ly tối đa lên mức 5.000 giường. 

Về thu dung, cách ly điều trị đối với bệnh nhân COVID-19, toàn tỉnh hiện có khả năng tiếp nhận điều trị cho khoảng 220 bệnh nhân với sự huy động từ nhiều bệnh viện, trung tâm y tế công lập cũng như các bệnh viện tư nhân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Đồng Nai một hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) với sự hỗ trợ, đào tạo chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm nâng cao năng lực điều trị cho tỉnh, cũng như sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh lân cận.

Đồng Nai cũng cần sẵn sàng kịch bản về huy động nhân lực, vật tư, địa điểm, phương tiện ứng trực cấp cứu, công tác tổ chức triển khai… để có thể triển khai nhanh chóng khi được phân bổ vaccine./.

>> Đồng Nai phải sẵn sàng trước nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập

Bài liên quan
Tết “xanh hy vọng” trong Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM
Khi số bệnh nhân nặng đã giảm rất nhiều, Tết Nguyên đán 2022 này, các y bác sĩ đã có chút thời gian chuẩn bị để cùng nhau đón một cái Tết bình an và tràn đầy hy vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất