Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 28/3 đến ngày 4/4), toàn thành phố ghi nhận 206 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã.
Cộng dồn năm 2025, thành phố ghi nhận 1.453 trường hợp. CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Tránh tư tưởng “anti” vaccine
Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận 300 bệnh nhân mắc sởi điều trị nội trú và khoảng hơn 400 bệnh nhân điều trị ngoại trú.
Trung bình một ngày, bệnh viện tiếp nhận và điều trị nội trú cho 45 - 50 bệnh nhân mắc sởi. Trong số những bệnh nhân mắc sởi nhập viện điều trị nội trú, nhiều bệnh nhân bị biến chứng của sởi như: Viêm phổi, suy hô hấp… có những bệnh nhân phải thở máy.

Điều đáng nói, phần lớn bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Hà Nội đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Có những trường hợp bệnh nhân 5 - 12 tuổi vẫn mắc sởi như thường vì không được tiêm vaccine, hoặc tiêm vaccine không đủ liều. Có tới 50% bệnh nhân mắc sởi nhập viện đã tới độ tuổi tiêm chủng, nhưng vẫn chưa được tiêm vaccine vì nhiều lý do khác nhau như: Trẻ ốm trong thời gian tiêm chủng, quên tiêm... thậm chí có những gia đình không muốn cho con tiêm vaccine.
Theo BS Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Hà Nội, vaccine là 1 phương án hữu hiệu để ngăn ngừa sự bùng phát lây lan nhanh của dịch sởi. Vì vậy, việc tiêm vaccine sởi được coi là biện pháp tốt nhất để dự phòng sởi. Thực tế trong quá trình điều trị chúng tôi nhận thấy, không phải là tất cả, nhưng có một số phụ huynh không cho con tiêm vaccine. Và như thế khiến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng sẽ tăng lên.
“Sởi có khả năng lây truyền cao, chỉ có thể chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đạt 95% trở lên. Vì vậy việc “anti” tiêm vaccine vô tình làm cho dịch sởi lây lan mạnh hơn trong cộng đồng. Và với những nhóm bệnh nhân yếu thế như chống chỉ định tiêm vaccine, nhóm bệnh nhân chưa đến tuổi tiêm vaccine, nhóm trẻ có bệnh nền… thì nguy cơ nhiễm bệnh càng tăng cao”, BS Nguyễn Sỹ Đức chia sẻ.
Với những trẻ được tiêm vaccine sởi, thường sau 2 tuần tiêm phòng, trẻ sẽ sinh khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi tốt nhất. Và sau 1 tháng, hiệu quả tiêm chủng sẽ đạt tỷ lệ cao nhất.
Vaccine có khả năng phòng bệnh cao, gần 100%, tuy nhiên sẽ có khoảng trống nhỏ lây nhiễm, bởi vậy các bậc phụ huynh cần có các biện pháp dự phòng nhằm phòng bệnh cho trẻ. Trong đó, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường, che miệng khi ho, hạn chế đến nơi đông người, cho trẻ rửa tay với xà phòng thường xuyên… Với những cách phòng tránh này không chỉ phòng ngừa bệnh sởi, mà còn giúp trẻ phòng các bệnh truyền nhiễm khác thường xảy ra trong mùa hè.
Đã từng mắc sởi có nên tiêm vaccine sởi?
Theo BS Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Hà Nội, với những ai đã từng mắc sởi thì gần như đã tạo

được miễn dịch suốt đời. Thế nhưng hiện nay vaccine sởi không chỉ có thành phần sởi mà còn có các vaccine sởi đơn và sởi kép kết hợp, chẳng hạn như sởi quai bị, hay sởi rubbela.
“Do đó đối với bệnh nhân đã từng mắc sởi, cơ thể sẽ có khả năng chống lại sởi tốt nhưng mà với các căn nguyên
khác như rubela hay quai bị thì chúng ta vẫn chưa có. Vì thế mỗi người cũng nên cân nhắc đến việc tiêm vaccine sởi kép để bảo vệ tốt hơn”, bác sĩ Đức nhấn mạnh.
Đối với những bệnh nhân chưa đến tuổi tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay Bộ Y tế đã đưa ra chiến dịch tiêm phòng cho trẻ từ 6 tháng, còn đối với bệnh nhân dưới 6 tháng thì các biện pháp dự phòng tốt nhất là cách ly, đảm bảo vệ sinh và hạn chế đến các nơi đông người và không nên cho trẻ tiếp xúc với những người có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp.
Nếu bệnh nhân nào chưa được tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì nên đến các trung tâm y tế dự phòng hoặc các bệnh viện để được tiêm bổ sung theo chiến dịch.