Dạo bước Khổng Miếu - điểm đến độc đáo tại Bắc Kinh, Trung Quốc

CTV Huy Tùng/VOV.VN | 15/04/2025, 15:00

Nếu du khách Việt Nam đã quen thuộc với Văn Miếu tại Hà Nội thì Khổng Miếu tại Bắc Kinh chắc chắn sẽ là một địa chỉ tham quan, nghiên cứu văn hóa vô cùng hấp dẫn khi ghé thăm thành phố này.

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc) di tích Khổng Miếu tọa lạc bên trong An Định Môn. Đây là ngôi đền thờ Khổng Tử lớn thứ hai ở Trung Quốc sau Khổng Miếu tại quê hương ông – Khúc Phụ, Sơn Đông. Miếu được xây dựng vào năm Đại Đức thứ 6 thời nhà Nguyên (1302) và là nơi thờ cúng chính thức Khổng Tử của các triều đại phong kiến Nguyên, Minh và Thanh. Như vậy, so với Văn Miếu tại Hà Nội (xây năm 1070) thì Khổng Miếu tại Bắc Kinh thành lập muộn hơn 232 năm.

Vì Khổng Tử được tôn vinh như một vị thánh nên nhà Thanh đã cho dựng hai bên cổng Khổng Miếu Bắc Kinh tấm bia hạ mã. Mặt trước và mặt sau của bia đều khắc câu: “Quan viên đến đây phải xuống ngựa” bằng 6 loại chữ viết: Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng và Duy Ngô Nhĩ. Điều này nhằm nhắc nhở bất kỳ vị quan nào không kể chức sắc lớn nhỏ đều phải xuống xuống ngựa ở đây, thậm chí cả chính hoàng đế cũng phải xuống kiệu và đi bộ đến miếu.

Do tầm quan trọng bậc nhất của việc thờ tự nên Khổng Miếu được “đặc cách” mang dáng dấp của Tử Cấm Thành Bắc Kinh, đó là khung cảnh của tường đỏ, mái ngói vàng lưu ly – Những thứ chỉ có hoàng gia mới được phép dùng. Bước qua Tiên Sư môn và đến Đại Thành môn, tại đây có bức tượng Khổng Tử đặt chính giữa lối đi chính.

Tương tự như tại khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội, Khổng Miếu ở Bắc Kinh cũng có bia tiến sĩ. Đây là những tấm bia khắc tên, cấp bậc và quê quán của hơn 50.000 tiến sĩ đỗ đạt từ nhà Nguyên (năm 1313) tới hết thời vua Quang Tự nhà Thanh.

Có tổng cộng 198 tấm bia đá, trong số đó, 3 tấm bia được tạo từ thời nhà Nguyên, 77 dưới thời nhà Minh và 118 tấm bia thời nhà Thanh. Tại đây, du khách có thể tìm thấy những cái tên quen thuộc như Kỷ Hiểu Lam, Du Khiêm, Lý Hồng Chương...Vào mùa khoa cử, rất đông học sinh sinh viên Trung Quốc đến đây để cầu may từ những vị tiền bối.

Khu vực trung tâm của Khổng Miếu là điện Đại Thành. Trước cửa điện Đại Thành là bức hoành phi ghi 4 chữ “Vạn Thế Sư Biểu” (Người Thầy muôn đời) do vua Khang Hy ngự bút. Tại khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội cũng có một bức tương tự như vậy, được dựng vào năm 1888 thời vua Đồng Khánh.

Đây là ngôi điện linh thiêng nhất thờ Khổng Tử, Tứ Phối (4 học trò xuất sắc nhất: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử) và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết). Bên trên treo ngự biển của 9 vị vua thời nhà Thanh từ Khang Hy tới Tuyên Thống (Phổ Nghi), đây đều là những lời tán dương Khổng Tử do đích thân các hoàng đế đích thân soạn. Ngoài ra còn trưng bày những đồ vật dùng để tế lễ xưa như nhạc khí (đàn, trống…), mao tiết, tượng heo, cừu…

Nếu tại Hà Nội, Quốc Tử Giám được nối liền với Văn Miếu thành một quần thể thì Quốc Tử Giám Bắc Kinh lại nằm bên cạnh Khổng Miếu. Đây là học phủ và là nơi quản lý giáo dục tối cao thời phong kiến được xây dựng vào năm 1306 dưới thời vua Đại Đức nhà Nguyên với tên gọi ban đầu là “Thái học”, sau này đổi thành “Quốc Tử Giám”. So với Quốc Tử Giám Hà Nội (1076), Quốc Tử Giám Bắc Kinh cũng xây dựng muộn hơn 230 năm.

Dấu ấn của Quốc Tử Giám Bắc Kinh là cổng Long Môn – một cổng tam quan được xây dựng và trang trí vô cùng đẹp mắt, tinh xảo như trong kiến trúc hoàng gia. Cánh cổng mang ngụ ý ai đi qua đây sẽ đều thành danh, đỗ đạt như câu nói “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. 

Tiếp tục qua cổng Long Môn, du khách sẽ tới công trình quan trọng nhất Quốc Tử Giám. Đó là Bích Ung điện do Hòa Thân tham gia thiết kế xây dựng. Đây là nơi nhà vua tới giảng dạy cho các vị quan và học sinh, đặc biệt sau thời Càn Long, mỗi khi đăng cơ các vị hoàng đế đều phải tới thực hiện nghi thức này. 

Chính giữa điện là chiếc ngai vàng nơi vua Càn Long từng ngồi khi lần đầu tiên tới giảng dạy vào năm 1785, còn hơn 3000 quan chức và sĩ tử sẽ quỳ bên ngoài để nghe. Còn hai bên Bích Ung điện là các giảng đường thời cổ.

Phía cuối cùng của Quốc Tử Giám là kiến trúc rộng nhất quần thể này, đó là Nghi Luân Đường. Đây là thư viện, lưu trữ sách vở của hoàng gia và từng đóng vai trò giảng đường của các vị vua khi tới thăm Quốc Tử Giám. Vua Càn Long cũng từng ngự tại đây trước khi cho xây dựng Bích Ung điện.

Ngoài ra bên trong Quốc Tử Giám còn có những công trình phụ khác như nhà làm việc của hiệu trưởng, khu lưu trú của lưu học sinh nước ngoài thời xưa như Nhật Bản, Triều Tiên…Vì những giá trị lịch sử vô cùng quan trọng, quần thể Khổng Miếu – Quốc Tử Giám Bắc Kinh đã được xếp hạng di tích quốc gia cấp AAAA vào năm 2010. Du khách có thể mua vé tham quan trực tiếp tại quầy với mức phí 30 tệ/người (tương đương 120.000 VNĐ).

Bài liên quan
Việt Nam - Trung Quốc hợp tác sản xuất phim truyền hình, chương trình nghệ thuật
VOVLIVE - Đài Truyền hinh Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình Trung Ương Trung Quốc sẽ hợp tác, sản xuất phim tài liệu, chương trình giao lưu nghệ thuật,...

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hôm nay diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị TW 11
VOVLIVE - Theo kế hoạch, sáng nay (16/4), tại tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mới nhất