Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững tại Thừa Thiên Huế

Vinh Thông - Lê Hiếu/VOV-Miền Trung | 18/06/2023, 10:10

Tối 17/6, tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm (1993 - 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh Di sản thế giới.

Tham dự Chương trình có ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đông đảo đại biểu cùng hàng ngàn người dân và du khách.

Quần thể Di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới vào tháng 12/1993. Đây là Di sản vật thể thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh. 10 năm sau đó, tháng 11/2003, Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng được UNESCO ghi tên vào Danh mục các Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nước ta được công nhận. Đến nay, Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất ở Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội, phản ánh sâu sắc một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. Hàng thập kỷ qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, sự giúp đỡ tích cực của UNESCO cùng cộng đồng quốc tế, công tác bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào.

Quần thể Di tích Cố đô từng bước được hồi sinh. Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy. Theo đánh giá của UNESCO, việc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Phát biểu tại buổi lễ, bà Miki Nozawa, Quyền Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt với tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.

Bà Miki Nozawa phát biểu: “30 năm trước, UNESCO và cộng đồng quốc tế nhận thức sự cấp bách của việc hỗ trợ Việt Nam gìn giữ và bảo vệ các di sản quý báu của mình. Phần lớn các di tích ở trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Khi đó, Việt Nam chỉ vừa mới bước vào thời kỳ đầu hội nhập quốc tế và còn nhiều khó khăn. Vậy mà 30 năm sau, chúng ta vui mừng chứng kiến sự chuyển mình của khu Di sản Thế giới này với những kết quả vô cùng tích cực sau nhiều dự án đầu tư và tái đầu tư cho công cuộc bảo tồn. Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành một trong những khu di tích được bảo tồn hiệu quả nhất cả về mặt cấu trúc cũng như các hạng mục di sản phi vật thể khác. Cố đô Huế chính là một điển hình thành công tại Việt Nam và trong khu vực.” 

Nhiều thập kỷ qua, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy giá trị, làm đòn bẩy quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ gắn với định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương biểu dương những nỗ lực và thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên thực hiện tốt trọng trách bảo vệ, giữ gìn và phát huy những tài sản văn hóa vô giá của dân tộc. 

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết: “Kế thừa và tiếp nối những thành quả to lớn và rất đáng tự hào đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiếp tục cao nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh con người trong phát triển Thừa Thiên Huế. Quán triệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, phát triển văn hóa và con người Huế nói riêng, đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Cố đô Huế. Bám sát nguyên tắc xử lý hài hoà mối quan hệ giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy, phát triển; khai thác, phát huy để tạo ra những giá trị kinh tế của di sản văn hoá phải luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo để phát triển bền vững.”

Ngay sau phần lễ kỷ niệm là Chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Di sản cố đô, trao truyền và hội tụ” được dàn dựng công phu, hoành tráng. Với thời lượng gần 80 phút Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Di sản - ký ức và trao truyền, Hội tụ sắc màu Festival và Còn mãi với thời gian do gần 450 nghệ sĩ của 9 Đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn, mang đậm dấu ấn văn hoá Cố đô Huế, văn hoá dân tộc Việt Nam và các quốc gia.  Trải qua thời gian, các giá trị nhân văn của những vũ khúc, giai điệu truyền thống của Việt Nam và các quốc gia luôn được gìn giữ, trao truyền, phát huy để hòa vào đời sống đương đại./.

Bài liên quan
HĐND Thừa Thiên Huế thông qua đề án thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Sáng nay (14/5), HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 17 xem xét, quyết định thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Đề án thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng nay (18/5) , Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.
Mới nhất