An Giang đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

Phan Ánh/VOV-ĐBSCL | 01/06/2022, 07:08

ể đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy khi đang vào mùa mưa bão, lực lượng chức năng tỉnh An Giang tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa; tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm…

Tỉnh An Giang hiện có 18 tuyến đường thủy Quốc gia do Trung ương quản lý với tổng chiều dài hơn 380km; 22 tuyến đường thuỷ do tỉnh quản lý, với tổng chiều dài hơn 500km; gần 280 tuyến đường thuỷ do huyện, thị, thành phố quản lý, với tổng chiều dài hơn 1.800km. Toàn tỉnh có gần 260 bến thủy nội địa, gần 150 bến khách ngang sông, 8 bến phà  và 1 cụm phà…

Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, ý thức của người dân trong hoạt động lĩnh vực bến khách ngang sông nâng lên rõ rệt. Đặc biệt phải kể tới vai trò của lực lượng Cảnh sát sát giao thông đường thủy, đã thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trung tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó thủy đội trưởng, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh An Giang cho biết: “Sắp tới, chúng tôi không tuyên truyền nữa mà phải xử lý nghiêm. Bến là phải có cọc, dây cột khi có mưa to gió lớn; khi phương tiện hoạt động phải có đăng ký đăng kiểm; trang bị những trang thiết bị an toàn như: phòng cháy chữa cháy, dụng cụ nổi cho hành khách… Đồng thời, bố trí đủ thuyền viên, thuyền trưởng cũng phải có mặt; hành khách khi qua phà phải mang áo phao, phải đảm an toàn trong mùa mưa bão”.

Với sự quyết liệt của các đơn vị hữu quan trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, từ đầu mùa mưa đến nay, nhìn chung, tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các bến khách và bến phà trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt và có nhiều cải thiện hơn so với trước. Các bến có đầy đủ giấy phép và điều kiện hoạt động theo quy định, đảm bảo an toàn. Chủ bến khách ngang sông đều chấp hành tốt các điều kiện quy định khi đưa bến vào hoạt động, như giấy phép hoạt động; niêm yết nội quy, giá cước; nhà chờ cho khách, cũng như trang bị các trang thiết bị an toàn phao cứu sinh, đèn chiếu sáng vào ban đêm…

Ông Nguyễn Tấn Đức (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) - Quản lý bến đò Hòa An - Cái Dung cho biết, tại bến đò Cái Dung có 3 đò, mỗi ngày hoạt động từ 4-22h và có hàng ngàn lượt khách qua lại mỗi ngày, nên việc đảm bảo an toàn cho hành khách là ưu tiên hầng đầu: “Bến của chúng tôi có 3 chiếc đò hoạt động, khi nào khách đông chạy hết 3 chiếc, còn khách không đông thì chạy 2 chiếc. Để đảm bảo an toàn cho khách qua sông, chúng tôi có chuẩn bị áo phao, dụng cụ nổi… Phía trước có thuyền viên, thuyền trưởng thì phải đảm bảo về mặt thủ tục, chuyên môn đầy đủ. Bình thường, đò của chúng tôi đăng ký là 49 khách, nhưng chỉ chở 50% công suất thôi. Lúc mưa, gió…nếu mà giông lớn qua thì chúng tôi tạm cho ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn cho khác và phương tiện”.     

Mặc dù vậy,  vẫn còn một số vi phạm an toàn giao thông xảy ra do nhận thức của một bộ phận người dân, hoặc thiếu văn hóa khi tham gia giao thông như: phương tiện chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn; tình trạng phương tiện không đăng ký, đăng kiểm vẫn đưa vào hoạt động; một số người điều khiển phương tiện không bằng, chứng chỉ chuyên môn; nhất là tình trạng một số người dân chủ quan, lơ là trong lúc lên, xuống và trong quá trình phà, đò di chuyển…

Chị Trần Thị Thanh Tâm, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thường xuyên qua bến đò Hòa An, thuộc huyện Chợ Mới chia sẻ: “Tôi thường xuyên đi qua bến phà này, phà đi nhanh, có đầy đủ áo phao bảo hộ, nhưng tôi vẫn thấy một số người vẫn thiếu ý thức, nhất là mấy bạn trẻ hay ra trước mũi phà đứng để chụp hình check-in. Một số trường hợp phà chuẩn bị chạy nhưng cố tình lao xe xuống rất là nguy hiểm, trong khi đó, nhân viên trên phà không có động thái nhắc nhở”.

Theo Đại tá Võ Văn Chỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh, nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa bão này, Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm.

Sau dịch COVID-19, hiện nay cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều tuyến kênh, sông trên địa bàn tỉnh An Giang, lưu lượng người, xe qua phà, đò ngang cũng đông hơn. Tuy nhiên, mùa mưa bão luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an toàn giao thông đường thủy nội địa, do đó, để đảm bảo an toàn giao thông, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng với những biện pháp quản lý chặt chẽ các phương tiện để hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra… đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa để tránh các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra./.

Bài liên quan
Giao thông đường thủy được nhiều người Nga yêu thích trong dịp hè
VOVLIVE - Mùa giao thông đường thủy đã chính thức bắt đầu tại thủ đô Moscow (Nga), với lễ khai trương diễn ra hôm qua (24/4), tại bến tàu phía Nam của địa phương này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất