"AI không thể thay cho con người chịu trách nhiệm"

Nguyễn Trang/VOV.VN | 24/04/2025, 15:00

Trong bối cảnh AI phát triển như vũ bão, chuyên gia cho rằng, người trẻ cần học cách đồng hành, làm chủ AI, biến AI thành một trợ lý, công cụ để phục vụ cho công việc và đời sống hiệu quả hơn.

Chia sẻ tại chương trình “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - Skill Our Future" diễn ra chiều 23/4 do Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP – Việt Nam) và Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ và Tài năng trẻ - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, bà Lê Phương Hà, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã cho ra đời Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. 

Theo bà Lê Phương Hà, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện lớn của quốc gia mà còn là nhiệm vụ lớn của thế hệ trẻ. 

“Vì sao câu chuyện về năng lực số được nói đến rất nhiều. Thực tế, nếu chúng ta không tự mình trau dồi năng lực số để có thể làm chủ tất cả tư duy, hành động của mình trên không gian số, thì sẽ rất khó có thể trở thành một phần trong lịch sử phát triển của đất nước. Tôi tin rằng là các bạn sinh viên, các bạn trẻ, các bạn thanh niên hiện nay thực sự rất thông minh, sáng tạo và hoàn toàn nhận thức được những điều này. 

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 02 quy định về khung năng lực số cho người học, hay các cơ sở giáo dục hiện nay đều đang nỗ lực nâng cao kỹ năng số cho học sinh sinh viên, để các em có cơ hội tiếp cận những tri thức mới, từ đó hình thành năng lực số cho bản thân”, bà Hà cho biết.

PGS.TS Hà Minh Hoàng, Trưởng khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, kỹ năng số, năng lực số không chỉ là một năng lực phụ trợ, năng lực “thêm” như trước đây mà đang là kỹ năng sống còn, kỹ năng sinh tồn giúp thế hệ thanh thiếu niên phát triển và không bị bỏ lại phía sau.

PGS.TS Hà Minh Hoàng lấy ví dụ, trong vấn đề tương tác hàng ngày, giờ đây thế hệ trẻ có thể ngồi 1 chỗ nhưng giao tiếp với toàn thế giới thông qua Google Meet, hay các nền tảng trực tuyến khác. Các bạn trẻ cũng có thể thể hiện bản thân qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram và gần như mỗi người đều có phiên bản số của chính mình.

Trong lĩnh vực học tập, nhiều sinh viên cũng rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ số vào trong học tập, nghiên cứu. Có thể thấy thời đại số tạo ra rất nhiều cơ hội giúp thanh thiếu niên có cơ hội học tập, phát triển bản thân tốt hơn. Người trẻ ở Việt Nam hoàn hoàn có thể học với các giáo sư hàng đầu thế giới thông qua các nền tảng như Coursera hay EDX…

Hay trong tìm kiếm việc làm, thay vì phải nộp hồ sơ cứng, sau đó là file PDF như trước đây, thì ngày nay thế hệ trẻ có thể gửi đến nhà tuyển dụng những CV online, website cá nhân…

Hay trong khởi nghiệp, PGS.TS Hà Minh Hoàng đơn cử như lĩnh vực CNTT, để làm ra một sản phẩm phần mềm, nếu như trước đây cần đến 10 kỹ sư thì ngày nay với sự hỗ trợ của AI sẽ chỉ cần 2 người.

PSG.TS Hà Minh Hoàng cho rằng, cũng chính bởi sự phát triển nhanh chóng của AI, nhiều người lao động đang rất lo lắng mình sẽ bị sa thải và thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.

“Với những người còn hoài nghi về AI, hay chưa sử dụng AI cũng nên tìm hiểu dần và học cách tận dụng sức mạnh của AI. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có những bạn trẻ đang phụ thuộc khá nhiều vào AI mà không có tính chủ động, sáng tạo, điều này rất nguy hiểm.

Chúng ta cần hiểu bản chất của AI và giới hạn của nó. AI không thể thay cho con người chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, AI cũng vẫn sai sót, gặp những hạn chế về tính toán và có những giới hạn nhất định. Chúng ta có thể dùng AI để giải những bài toán khó của kỳ thi Olympic Toán quốc tế, tức AI có thể làm toán như những người giỏi toán nhất thế giới, nhưng đôi khi lại sai ở những bài cơ bản.

Do đó, thế hệ trẻ cần học cách đồng hành cùng AI, làm chủ AI, biến AI thành một trợ lý, công cụ để phục vụ cho công việc và đời sống hiệu quả hơn”, PGS.TS Hà Minh Hoàng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Trưởng khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo cũng cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới đạo đức AI. Đây là vấn đề đang được tranh luận rất nhiều trên thế giới. Đạo đức AI trở thành một ngành lớn mà những người mà làm về AI đang đang theo đuổi.

“Khi tương tác với thế giới ảo, làm việc trên không gian số chúng ta sẽ phải có những quy tắc, quy chuẩn. Đạo đức AI là vấn đề rất quan trọng. Ví dụ như khi người dùng đưa một văn bản hay một tài liệu lên mạng để sử dụng chat GPT xử lý, nhưng nếu đó là tài liệu có bản quyền, thì vô tình chúng ta đã vi phạm đạo đức AI. Như vậy khi dùng AI, người trẻ cần đồng hành, học cách kiên nhẫn và tương tác 2 chiều cùng AI. Chúng ta cần nhớ AI có thể được sử dụng để tăng tốc công việc, nâng cao hiệu quả, nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho con người”, PGS.TS Hà Minh Hoàng nhấn mạnh.

Bài liên quan
Thủ tướng phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương đề nghị, từng người dân Việt Nam cần thi đua tự trau dồi, học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng số để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương đề nghị, từng người dân Việt Nam cần thi đua tự trau dồi, học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng số để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Mới nhất