Afghanistan sau 2 năm dưới sự cai trị của Taliban: Tệ hơn mọi lo ngại

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Nguồn: DW | 15/08/2023, 21:52

Khi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với đất nước Afghanistan đã giảm đi sau 2 năm Taliban trở lại cầm quyền, nhiều người dân nước này cảm thấy bị bỏ rơi. Trở lại cai trị Afghanistan, Taliban tiếp tục áp đặt những hạn chế hà khắc với xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Đúng dịp kỷ niệm 2 năm ngày Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan, Maryam Marof Arwin, 29 tuổi, trả lời Deutsche Welle (DW) qua điện thoại: "Thành thật mà nói, tôi cảm thấy như mình đang sống trong ác mộng. Thật khó để ai đó có thể hiểu những gì chúng tôi đã trải qua trong hai năm qua". Arwin, sống ở Kabul, đã thành lập một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, nhưng tổ chức này đã bị Taliban kiểm soát 2 năm trước - vào ngày 15/8/2021 - khi họ chiếm được thủ đô Afghanistan và lật đổ chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani.

Bất chấp những lời hứa ban đầu sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ theo luật Hồi giáo, kể từ đó, Taliban đã áp đặt những hạn chế hà khắc đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hầu hết trong số họ bị cấm tham gia vào các hoạt động công cộng, các tổ chức giáo dục và thị trường lao động. Quyền tự do đi lại của phụ nữ cũng bị hạn chế nghiêm trọng.

Cảnh báo đến trước khi Taliban tiếp quản

Arwin nói: “Tôi thực sự không hiểu từ đâu mà người ta lại có hy vọng rằng Taliban thay đổi hoặc thậm chí trở nên tốt hơn. Chúng tôi luôn biết rằng với quyền lực của Taliban, chúng tôi sẽ mất tất cả những gì chúng tôi đã đạt được trước đó”.

"20 ngày trước khi họ lên nắm quyền, các nhà hoạt động phụ nữ và đại diện các tổ chức xã hội ở Kabul, đã có một cuộc họp báo để một lần nữa kêu gọi cộng đồng thế giới lưu ý về tình hình của chúng tôi," Arwin chỉ ra. "Chúng tôi nói với thế giới rằng 'Hãy nhìn vào những khu vực đã bị Taliban kiểm soát vào thời điểm đó và xem họ coi thường quyền của phụ nữ như thế nào'. Nhưng không ai chịu lắng nghe chúng tôi".

Trước khi chiếm được Kabul, Taliban đã dần dần giành quyền kiểm soát phần lớn vùng nông thôn Afghanistan. Trong các khu vực dưới sự kiểm soát của Taliban, phụ nữ và trẻ em gái bị giới hạn không gian sinh hoạt chỉ ở trong nhà của họ - không khác gì cuộc sống dưới sự cai trị trước đây của Taliban, từ năm 1996 đến năm 2001. Vào thời điểm đó, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan không được học tập, làm việc và chỉ được phép rời khỏi nhà khi có người thân là nam giới đi cùng.

Phụ nữ thường bị đánh đập công khai hoặc bị xử tử nếu vi phạm luật lệ của Taliban.

Alema Alema, cựu Thứ trưởng Bộ Hòa bình Afghanistan, nói với DW rằng Taliban của hiện tại không khác nhiều so với Taliban của những năm 1990. Trước khi Taliban tiếp quản đất nước, Bộ Hòa bình chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán hòa bình trong nội bộ Afghanistan. Bộ này hiện đã bị Taliban giải thể.

Theo bà Alema, Taliban của hiện tại đơn giản chỉ là đã thận trọng hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn so với thời kỳ đầu họ nắm quyền ở Afghanistan.

“Kể từ khi kiểm soát Afghanistan, họ đã ban hành 51 lệnh cấm nhằm vào phụ nữ, tức là trung ra hơn một lệnh cấm mỗi tháng,” bà nói.

Bà Alema nói thêm: "Họ [Taliban – ND] không công bố mọi thứ ngay lập tức vì muốn tránh phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Ở Afghanistan cũng vậy, ban đầu họ phải hành động thận trọng để không gây phản cảm cho xã hội, trước khi họ củng cố quyền lực của mình".

Sự rút lui quá vội vàng

Chính phủ Mỹ dưới thời của ông Donald Trump đã khởi xướng các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban vào năm 2018.

Bà Alema, người hiện đang sống ở Đức, tin rằng kết quả sẽ khác nếu các cuộc đàm phán của chính quyền Trump khi đó có sự tham gia của chính phủ Tổng thống Ghani và các chuyên gia địa phương.

Các cuộc đàm phán đã dẫn đến một thỏa thuận vào ngày 29/2/2020, đặt ra thời gian biểu cho việc NATO và Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

“Thỏa thuận tháng 2/2020 kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình trong nội bộ Afghanistan, cụ thể, Taliban sẽ đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan. Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này. Tại Bộ Hòa bình, tôi đã thành lập nhiều nhóm công tác khác nhau và xây dựng các hướng dẫn cũng như biện pháp hỗ trợ với đại diện của các tổ chức phi chính phủ từ 34 tỉnh của đất nước", bà tiết lộ.

Bà Alema cho biết thêm: "Tuy nhiên, Taliban tỏ ra không quan tâm đến việc đàm phán với chúng tôi. Họ biết rằng Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan. Họ không sẵn sàng nhượng bộ".

Các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ được cho là đã mang lại sự công nhận quốc tế đối với Taliban. Tại Doha, Taliban đã ký một thỏa thuận với Mỹ được cho là mang lại hòa bình cho Afghanistan. Thỏa thuận này trên thực tế đã làm suy yếu tinh thần của quân đội Afghanistan và làm giảm đáng kể khả năng chống lại cuộc tiến công sau đó của Taliban.

Khushal Asefi, nhà báo và cựu Giám đốc điều hành của Ariana Radio & Television cho biết: “Những gì xảy ra ở Afghanistan vào tháng 8/2021 không phải là chiến thắng quân sự của Taliban mà là kết quả của một quyết định chính trị”.

"Không ai có bất kỳ thông tin chi tiết nào về các cuộc đàm phán nền tảng với Taliban. Có vẻ như các nước phương Tây đã rút lại sự ủng hộ đối với chính phủ thời đó", ông Asefi nói.

Ông Asefi nhận định: “Những diễn biến trong hai năm qua đã củng cố cơ sở cho cảm giác của nhiều người rằng Afghanistan đã bị trao cho Taliban. Có vẻ như lực lượng này gây ra sự hỗn loạn thế nào cũng không còn quan trọng với Mỹ và đồng minh. Xã hội Afghanistan mất tinh thần và kiệt quệ. Nền kinh tế đi xuống và hơn 20 triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Mọi người đang phải vật lộn để tồn tại".

Arwin, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, cũng nhấn mạnh những vấn đề gây khó khăn cho xã hội Afghanistan trong hai năm qua. "Nhiều người chỉ nghĩ về cách rời khỏi đất nước," bà nói.

"Tôi thất vọng vì cộng đồng thế giới và xã hội Afghanistan đã đầu hàng quá nhanh. Điều đó tồi tệ hơn những gì tôi lo sợ. Nhưng xã hội Afghanistan có giá trị cốt lõi mạnh mẽ và mọi người sẽ không bỏ cuộc. Không nên đánh giá thấp giá trị cốt lõi này. Tôi rất tin tưởng vào người dân và đất nước", bà Arwin nhấn mạnh.

Bài liên quan
Afghanistan giành tấm vé lịch sử dự Futsal World Cup 2024
ĐT Futsal Afghanistan đã giành tấm vé lịch sử dự Futsal World Cup 2024 sau chiến thắng 5-3 trước đối thủ Kyrgyzstan ở trận play-off trưa 28/4.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi hợp luyện.
Mới nhất