Xứ Dừa dồn lực về hướng biển, góp phần xây dựng kỷ nguyên mới của đất nước.

Nhật Trường -VOV/ĐBSCL | 17/10/2024, 09:50

Góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, tỉnh Bến Tre có chủ trương hướng về biển, hướng về phía Đông. Bằng những công trình, dự án đầu tư Đảng bộ và nhân dân xứ dừa quyết tâm thực hiện chủ trương này.

Xứ Dừa dồn lực về hướng biển, góp phần xây dựng kỷ nguyên mới của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từng nói “Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam và để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre phấn đấu trở thành tỉnh khá vào năm 2030 và là nơi đáng sống vào năm 2050. Đáng quan tâm là Tỉnh ủy Bến Tre có NQ 04  đưa ra định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông. Với nguồn lực nội tỉnh và nguồn hỗ trợ của TW và các nguồn bên ngoài, Đảng bộ và Nhân dân xứ Dừa đang tập trung ưu tiên xoay trục phát triển về các huyện ven biển.

Bến Tre là vùng “đất hẹp, người đông” với mật độ dân số rất cao khoảng 1,3 triệu dân. Ưu thế của Bến Tre là có 65 km đường bờ biển đi qua 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, từ lâu nơi đây vẫn chưa được khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh này. Trong gần 4 năm qua, Bến Tre đã và đang thực hiện các chương trình, hành động để phát triển về hướng Đông như: triển khai  4.000 ha tôm công nghệ cao tại 3 huyện ven biển. Đến nay, địa phương đã thả nuôi được khoảng 3.400 ha đạt gần 86% kế hoạch, ước sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn.

Đây là mô hình nuôi thủy sản rất khó, đòi hỏi người nuôi phải có vốn lớn, nắm vững kỹ thuật và hay bị rủi ro do chênh lệch giữa giá cả đầu ra, nguyên liệu đầu vào nhưng ngư dân vùng ven biển quyết tâm nhân rộng mô hình. Ông Khổng Minh Tặng, chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri nói: "Bảo Thạnh là một trong xã trọng điểm của tỉnh trong đề án phát triển 500 ha tôm công nghệ cao. Những năm qua tốc độ phát triển tôm công nghệ cao tương đối tốt. Riêng năm 2024 diện tích cũng được giữ vững, hiện nay cũng nuôi khoảng 100 ha tôm, hiện nay giá tôm dao động thấp hơn lúc trước”. 

 Để phát triển mô hình này, tỉnh Bến Tre  đã và đang đầu tư  544 tỉ đồng đầu tư cho hạ tầng tại các huyện ven biển như: đường giao thông, hệ thống điện, cầu, cống, nạo vét kênh mương. 

Nguồn nước ngọt mùa khô cho khu vực phía Đông, tỉnh Bến Tre  rất khan hiếm. Do đó, gần đây địa phương đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, trạm xử lý cấp nước mặt. Nổi bật là Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) có tổng mức đầu tư là hơn 352 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2025. Hiện nay, công trình này đạt hơn 80% khối lượng, có sức chứa khoảng 1,3 triệu m3 nước ngọt. Hồ Lạc Địa được xem là hồ trữ nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây. Bên cạnh hồ Lạc Địa còn có khu tái định cư, công viên, các công trình du lịch tâm linh để phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ mát của du khách.

Ông Hà Chí Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lễ phấn khởi: “ Đây là hồ mà mang ý nghĩa rất lớn, sẽ hỗ trợ và cung cấp nước cho toàn huyện Ba Tri chứ không phải ở địa phương Phú Lễ này không. Đối với địa phương mình thì hưởng lợi trực tiếp để phát triển kinh tế"- ông Chức nói.

Các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre hội tụ nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo và Hydro xanh. Thực hiện lợi thế này, tỉnh Bến Tre đã cấp chủ trương đầu tư và tập trung triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất hơn 1.000 MW; 09 dự án hoàn tất công tác thi công lắp dựng cơ bản với tổng công suất lắp đặt 365,9 MW. Trong đó có  hơn  250 MW đã được phát điện vận hành thương mại, công suất lắp đặt còn lại trên 115 MW nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đàm phán giá bán điện với Tập đoàn điện lực Việt Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thực hiện dự án “Khu tổ hợp Hydro xanh Bến Tre” làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất Hydro tại Việt Nam. Cùng với các dự án Điện mặt trời, điện gió tự sản tự tiêu cung cấp nguồn năng lượng đầu vào cho “Khu tổ hợp Hydro xanh Bến Tre”.

Ngoài ra tại khu vực phía Đông của xứ dừa còn có nhiều công trình phòng chống sạt lở ven biển, ven sông, cống đập ngăn mặn trữ ngọt đã và đang phát huy hiệu quả. Quy mô lớn nhất là dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri có tổng chiều dài 2,3 km với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng do TW hỗ trợ.

Mới đây, từ nguồn ngân sách TW và ngân sách tỉnh Bến Tre, địa phương này đã tổ chức khởi công dự án cầu Ba Lai 8 bắc ngang sông Ba Lai nối liền 2 huyện ven biển là Bình Đại- Ba Tri. Đây là hạng mục đầu tiên của toàn bộ dự án Đường ven biển kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau, qua Kiên Giang. Đến dự lễ khởi công, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình rất hoan nghênh Bến Tre đã đi đầu trong việc khởi công tuyến đường này.  Phó thủ tướng cho rằng, con đường này mở ra không chỉ quan trọng đối với Bến Tre mà là con đường tạo ra bức phá cho cả vùng. Nó đánh thức vùng đất vốn hoang hóa trở thành vùng kinh tế giàu tiềm năng rất sôi động trong tương lai cho cả nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, du lịch, dịch vụ..

 Nằm trong chủ trương phát triển về hướng Đông, Bến Tre còn tích cực kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, thực hiện dự án lấn biển với 50.000 ha để phát triển đô thị biển, các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, khu vực lấn biển tại huyện Bình Đại lớn nhất với khoảng 21.000 ha, huyện Thạnh Phú khoảng 15.000 ha và huyện Ba Tri khoảng 14.000 ha. Khu vực này sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm: “Chúng tôi đã đưa ra định hướng phát triển về hướng Đông, trong đó có chương trình lấn biển đến 50.000 ha. Đây là thể hiện cái khát vọng muốn làm sao cho Bến Tre phát triển đột phá trong thời gian sắp tới. Tôi rất mong các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư vào Bến Tre (nói chung) mà đặc biệt là khu lấn biển này. Tôi cũng muốn là thông qua các nhà đầu tư, Bến Tre sẽ vươn cao vươn xa hơn nữa, không chỉ trong nước mà còn hướng ra quốc tế”.

Theo quy hoạch, tại các huyện ven biển, ngoài các cảng cá hiện có, còn có cảng biển loại II,  phát triển các dịch vụ logistics, du lịch, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian sắp tới. Các mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, phát triển du lịch biển tiếp tục được đầu tư nâng chất.

Về công nghiệp Bến Tre đang xây dựng khẩn trương Dự án khu công nghiệp Phú Thuận có diện tích sử dụng đất hơn 230ha, tổng mức đầu tư hơn 3.539 tỉ đồng tại địa bàn 2 xã Phú Thuận và Long Định (huyện Bình Đại). Đây là khu công nghiệp thứ 3 ở tỉnh Bến Tre và là khu công nghiệp đầu tiên tại khu vực phía Đông của tỉnh.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024, tỉnh mời gọi 32 dự án đầu tư trên các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, xăng dầu, khí đốt, du lịch, nông nghiệp, nông thôn, môi trường, bến cảng, khu đô thị, dân cư; trong đó có rất nhiều dự án rơi vào địa bàn các huyện ven biển.

 Theo chính quyền 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, để sớm thực hiện thành công chủ trương phát triển về hướng Đông thì cần quan tâm hơn nữa các vấn đề về nước ngọt cho sinh hoạt mùa khô, vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân. Ông Võ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại chia sẻ: “Cặp sông cửa Đại có nhiều nơi bị sạt lở người dân phải di dời. Hệ thống đê biển của Bến Tre cơ bản hoàn thiện nhưng hiện nay chưa được khép kín hết, đoạn Bình Đại còn khá giờ và đang sạt lở. Sạt lở bãi biển thì có khu vực xã Thừa Đức rất nghiêm trọng. Hàng năm, triều cường lên gây ngập úng hoa màu của người dân, về lâu dài cần có nguồn đầu tư ngoài nguồn lực của địa phương”.

Phát triển về hướng Đông là chủ trương đúng đắn, có tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Song để chủ trương này sớm trở thành hiện thực và để  Bến Tre góp phần đưa đất nước bước vào, kỷ nguyên mới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội", rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cấp Trung ương, nhất là nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đi đôi với các cơ chế, chính sách đặc thù; nhằm phát triển kinh tế - xã hội của vùng giàu truyền thống cách mạng vẫn còn không ít khó khăn, thử thách.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X
Sáng nay (17/10), Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 sẽ diễn ra phiên khai mạc trọng thể với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mới nhất