Nga lo thảm họa khôn lường nếu Ukraine ra tay với nhà máy hạt nhân Kursk

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) | 17/10/2024, 09:45

Không giống như Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, nhà máy hạt nhân Kursk của Nga vẫn đang hoạt động và nó không được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công quân sự. Vì thế sẽ có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn nếu nhà máy bị tấn công.

Nguy cơ nhà máy Kursk bị tấn công

Vào đầu tháng 10, các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, lực lượng nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) tại địa điểm cách Nhà máy điện hạt nhân Kursk gần 5km. Bất kể mục tiêu của vụ tấn công bằng UAV là gì, việc nhà máy có vị trí gần tiền tuyến là điều rất đáng lo ngại.

Andriy Kovalenko, một quan chức của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine bác bỏ thông tin cho rằng lực lượng Kiev đã tấn công nhà máy, đồng thời nhấn mạnh hoạt động như vậy là "điều vô nghĩa". Blogger quân sự Roman Alekhin - cố vấn cho quyền thống đốc vùng Kursk của Nga cũng nhận định "không có lý do gì để thổi bùng suy đoán rằng Ukraine đang nhắm vào nhà máy điện hạt nhân, vì nhắm mục tiêu vào đó là điều vô nghĩa".

Dù vậy, vụ việc vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công tiềm tàng vào nhà máy hạt nhân này sau khi Ukraine tiến hành chiến dịch đột kích tỉnh Kursk của Nga từ hôm 6/8. Mặc dù các quan chức Nga tuyên bố nhà máy "hoạt động bình thường", nhưng trên thực tế, nó không được bảo vệ hoàn toàn trước các cuộc tấn công quân sự trực tiếp.

Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), bày tỏ lo ngại về khả năng nhà máy có thể bị tấn công trong chuyến thăm nơi đây vào tháng 8/2024. Các nguồn tin thân cận với Rosatom - tập đoàn năng lượng nguyên tử do chính phủ Nga sở hữu cũng như các chuyên gia độc lập đều có chung lo ngại này.

Nhà máy Kursk khó chống đỡ trước cuộc tấn công quân sự

Alexander Nikitin, cố vấn hạt nhân tại Quỹ môi trường Bellona, ​​giải thích rằng trong quá trình thiết kế cho mọi cơ sở hạt nhân, các kỹ sư phân tích cả sự cố nằm trong thiết kế cơ sở và ngoài thiết kế cơ sở. Ông Alexander Nikitin nhấn mạnh: "Sự cố trong thiết kế cơ sở là những sự cố có thể xảy ra trong thực tế. Còn sự cố ngoài thiết kế cơ sở là những tình huống được coi là không thể xảy ra nhưng vẫn đưa vào phân tích. Khi xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, ngay cả những tình huống ngoài thiết kế cơ sở cũng không hề tính đến các cuộc tấn công quân sự”. Ông Nikitin mô tả tình hình hiện tại là "một trường hợp khẩn cấp chưa từng có".

Trang tin điều tra độc lập Verstka dẫn một số nguồn thạo tin cho biết: "Không có cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự nào, dù là nhà máy điện hạt nhân hay bất kỳ nhà máy điện nào khác, được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa. Đáng chú ý, nhà máy điện hạt nhân Kursk, được xây dựng cách đây 40 đến 50 năm, sử dụng vật liệu và công nghệ kém xa các tiêu chuẩn hiện nay”.

Các chuyên gia cho rằng, các lò phản ứng và cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tương đối an toàn. Một số nhiên liệu được lưu trữ trong "các thùng chứa bê tông cốt thép đặc biệt" có khả năng chịu được những cú rơi từ độ cao lên đến 2m. Nhiên liệu đã qua sử dụng sau khi tách ra khỏi lò phản ứng hạt nhân, được lưu trữ trong các bể làm mát, nơi nhiệt dư từ quá trình phân rã phóng xạ tiêu tan. Các bể này, nằm tách biệt hoàn toàn với lò phản ứng, nhưng chỉ được bảo vệ tốt hơn một chút so với các tòa nhà dân sự kiên cố, một nguồn tin của Rosatom lưu ý. "Việc phá hủy một cơ sở như vậy có thể dẫn đến thảm họa môi trường", nguồn tin này cảnh báo.

Chuyên gia Nikitin cho rằng, tác động tiềm tàng của một cuộc tấn công như vậy tương đương với với “sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” từ việc sử dụng bom bẩn (một loại bom nổ phát tán vật liệu phóng xạ mà không kích hoạt phản ứng dây chuyền hạt nhân).

“Các lò phản ứng tại nhà máy Kursk được bảo vệ tương đối yếu và nếu bị pháo kích, chúng sẽ không thể chống đỡ được”, ông cảnh báo. Cả ông Nikitin và các nhân viên của tập đoàn Rosatom đều cho rằng hậu quả của một cuộc tấn công như vậy là rất khó lường vì còn nhiều ẩn số liên quan.

Nga đang tìm mọi cách tránh nguy cơ rủi ro

Nhà máy điện hạt nhân Kursk, bắt đầu hoạt động từ năm 1976, và thành phố vệ tinh Kurchatov gần đó có thiết kế ban đầu tương tự như nhà máy hạt nhân Chernobyl và thành phố vệ tinh Pripyat. Sau thảm họa Chernobyl năm 1986, Nga đã nỗ lực hiện đại hóa các nhà máy hạt nhân tại Kursk, Leningrad và Smolensk. Nhưng phần lớn những thay đổi này tập trung vào việc giảm thiểu các yếu tố “nội bộ” có khả năng gây ra sự cố.

Theo Rosatom, những cải tiến này bao gồm việc loại bỏ tác động của con người đối với hệ thống an toàn của lò phản ứng và đảm bảo rằng các hệ thống này có thể hoạt động ngay cả trong trường hợp nhà máy bị mất điện hoàn toàn. Ông Alexander Nikitin bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ nhân viên của nhà máy: “Đây là một đội ngũ đã được thành lập từ lâu và họ đang làm mọi cách để bám trụ lâu dài tại nhà máy. Họ được đào tạo bài bản và kỹ lưỡng nhằm ứng phó với hầu hết mọi tình huống có thể xảy ra”.

Nhà máy điện hạt nhân Kursk ban đầu vận hành bốn lò phản ứng RBMK-1000, giống hệt như những lò phản ứng tại Chernobyl. Ngày nay, chỉ còn một lò đang hoạt động; hai lò đã ngừng hoạt động và một lò đang được bảo dưỡng. Hiện Nga đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới mang tên Kursk II bên cạnh nhà máy cũ với 4 lò phản ứng VVER-TOI hiện đại. Lò phản ứng đầu tiên dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025.

Các nhà máy điện hạt nhân mới hơn, trong đó có Nhà máy điện hạt nhân Kursk II, được thiết kế để chịu được tác động trực tiếp của một vụ rơi máy bay. Tiêu chí này được đưa ra sau vụ tấn công khủng bố hôm ngày 11/9/2001 tại Mỹ. “Những nhà máy mới hơn được xây dựng với bộ khung bảo vệ có thể chống chịu trước các vụ rơi máy bay chở khách lớn. Nhưng nhà máy Kursk cũ thì không như vậy”, ông Nikitin nói với Verstka.

Theo chuyên gia Nikitin, trong khi các thỏa thuận quốc tế coi những cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân dân sự là điều không thể chấp nhận được, thì đây vẫn chỉ là khuyến nghị chứ không phải là quy tắc bất di bất dịch.

Ông Nikitin giải thích rằng "Các tài liệu này không đưa ra lệnh cấm rõ ràng mà chỉ kêu gọi kiềm chế các cuộc tấn công như vậy. Những quốc gia có nhà máy điện hạt nhân không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào cho thấy trách nhiệm ràng buộc đối với hành động tấn công cơ sở hạt nhân”.

Chuyên gia này lưu ý, nguy cơ xảy ra tai nạn tại Nhà máy điện hạt nhân Kursk có khả năng nguy hiểm hơn nhiều so với Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, nơi từ lâu đã nằm trong vùng chiến sự. "Nhà máy Zaporizhzhia hoàn toàn lạnh vì tất cả các lò phản ứng đã ngừng hoạt động. Nhưng tại Kursk, một lò phản ứng vẫn đang hoạt động. Và điều đó thật đáng báo động", ông Nikitin nói.

Các nguồn tin thân cận với Rosatom cho biết rằng họ dựa vào nguồn lực của chính mình và Bộ Quốc phòng Nga để bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân: "Chúng tôi đang trang bị hệ thống phát hiện và chống máy bay không người lái cho các cơ sở tại nhà máy và các hệ thống đó đã phát huy hiệu quả trong nhiều trường hợp. Quân đội đang thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine".

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Xây dựng Cồn Cỏ thành khu vực phòng thủ vững chắc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, cần xây dựng Cồn Cỏ thành khu vực phòng thủ vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, bảo đảm môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Mới nhất